Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì

Admin
Mùi hôi tanh của việc chế biến tinh bột mì bốc lên nồng nặc, lan vào khu vực dân cư, khiến ai cũng bức xúc.

Tình trạng này đang diễn ra ở thôn 2, xã Krông Á, huyện Mdrăk – nơi có nhà máy của công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Bình Phước, chi nhánh Đắk Lắk.

Ô nhiễm trầm trọng

Nhóm PV từ TP.HCM lên đến địa phận thôn 2, xã Krông Á, huyện Mdrăk (tỉnh Dắk Lắk) không khó để có thể nhận ra một số nhà máy chế biến tinh bột mì (khoai sắn), vì mùi hôi tanh đặc trưng là ấn tượng đầu tiên khi xuống xe.

Mùi hôi tanh của mì bốc lên, lan cả vào khu vực dân cư, gần với Nhà máy sản xuất mì này.

Theo tìm hiểu của nhóm PV, đây là Nhà máy chế biến tinh bột mì của công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Bình Phước (gọi tắt là công ty XNK Tổng hợp Bình Phước - Đắk Lắk) có trụ sở tại thôn 2, xã Krông Á, huyện Mdrăk, tỉnh Đắk Lắk).

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 2).

Góc nhìn từ nhà máy có thể thấy rất gần với khu dân cư xung quanh.

Chia sẻ với nhóm PV, ông N.T.T., một người dân sống gần Nhà máy cho biết: “Họ chế biến mì cả ngày đêm, xe chở mì ra vào liên tục. Mì được chở đến nhà máy bằng một số phương tiện thô sơ, cơi nới quá mức, dẫn tới rơi vãi dọc đường, rất nguy hiểm về an toàn giao thông.

Tuy nhiên, cái mà chúng tôi bức xúc nhất chính là việc họ sản xuất nhưng tạo ra mùi hôi thối, tanh rất khó chịu”.

“Gia đình chúng tôi có người lớn và trẻ nhỏ, do đó, mùi này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cuộc sống của gia đình.

Như bản thân tôi, bị viêm xoang nên nghe mùi này, liên tục bị đau đầu, vì vậy phải đi khám bệnh thường xuyên. Bác sĩ cho biết, nếu cứ ở gần khu vực có mùi như vậy thì bệnh lại càng thêm phức tạp hơn, khó chữa hơn”, ông T, cho hay.

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 3).

Phế phẩm mì chất đống nhưng không hề có việc che chắn hay việc xử lý nào.

Còn anh T.D.V., một người từng làm việc trong nhà máy này cho biết: “Nhà máy sử dụng công nghệ xử lý sản xuất rất lạc hậu, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Có chỗ, họ xả nước thải trực tiếp trong khuôn viên nhà máy”.

Thực tế, anh V. cho hay: “Cách đây chưa lâu, tại nhà máy này, bộ phận máy tách nước/mì đã nổ hai lần tung cả nóc mái tôn của nhà máy, may mà không có thương vong về người. Đáng nói là, hai lần nổ bộ phận máy này đều gần nhau và cùng tại một chỗ, rất nguy hiểm. Đó là chưa kể đến công tác phòng cháy chữa cháy”.

Những thông tin về Nhà máy này mà nhóm PV thu thập được cũng cho thấy, máy móc chế biến mì khá thô sơ, bên trong nhà máy hết sức dơ bẩn, mùi hôi thối kinh khủng.

Thêm vào đó, việc xả thải ra môi trường và số phế phẩm từ mì (chủ yếu là vỏ lụa) đổ bạt ngàn trong khuôn viên nhà máy này chính là nguồn cơn của mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến khu dân cư hiện hữu.

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 4).

Chất thải vương vãi nhiều trong khu vực nhà máy.

Bên cạnh đó, phản ánh với nhóm PV, nhiều công nhân đang làm việc tại Nhà máy này còn cho rằng, Nhà máy bóc lột sức lao động của công nhân. “Họ bắt buộc ca làm 12 giờ, từ 7h sáng đến 7h tối và ca khác là từ 7h tối đến 7h sáng (2 ca/ngày), trái với quy định thông thường là làm ca 8 giờ/ngày", một công nhân cho hay.

Sắp đóng cửa… nên không tiếp báo chí

Làm việc với nhóm PV, ông Hoà Quang Trường, Chủ tịch UBND xã Krông Á cho biết: “Công ty đóng trên địa bàn tuy nhiên, việc quản lý ô nhiễm môi trường không thuộc trách nhiệm của xã, do công ty này do huyện quản lý, các anh phải làm việc với huyện. Thêm vào đó, Công ty cũng không xả thải ra ngoài và cũng như không thấy có mùi hôi thối phát ra?”.

Câu trả lời của ông Trường khiến chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên!. Trong khi đó, liên lạc với ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mdrắk, lại cho biết: “Công ty chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không gây ô nhiễm môi trường” và báo bận, không thể làm việc với PV.

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 5).

Khu vực hồ chứa nước thải.

Một diễn tiến khác, là việc Giám đốc Nhà máy, Lê Phong Vân đã “đóng cửa” không tiếp PV. Đúng theo quy định làm việc, nhóm PV đến đề xuất làm việc với Giám đốc Nhà máy. Dù ngồi trong phòng làm việc nhưng vị này chỉ đạo nhân viên truyền đạt thông tin: “Giám đốc không tiếp báo chí”.

Ngay sau đó, 1 phụ nữ trong văn phòng bước ra, khá lớn tiếng với thái độ rất khó chịu: “Em hỏi anh đến đây để làm gì?”.

Nhóm PV tiếp tục liên hệ đến công ty Cổ phần XNK Tổng hợp Bình Phước (có trụ sở tại đường Hùng Vương, phường Tân Bình, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), đơn vị sở hữu nhà máy nêu trên để có kiến nhiều chiều, khách quan.

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 6).

Toàn bộ Nhà máy chế biến bột mì.

Bà Lê Thị Thương, đại diện công ty Cổ phần XNK Tổng hợp Bình Phước, qua điện thoại cho biết: “Từ lúc nhà máy mở ra đến nay là chưa có hiệu quả, chưa có đồng lời nào hết, toàn là chịu lỗ. Do đó, mình cũng gần đóng cửa rồi, trong một vài tháng tới, do đó, Giám đốc Nhà máy không muốn tiếp chuyện gì nữa”.

PV chất vấn: “Đóng cửa là đóng luôn hay hay chỉ đóng khi hết nguyên liệu?, bà Thương lý giải: “Bây giờ đóng, tạm ngưng đến khi nào có lời sẽ mở ra, hoạt động tiếp. Phải đến tháng 7 tải mới hết nguyên liệu, đến tháng 9 mới ngưng.

Thực tế 10 năm nay, ngành bột mì không có lãi, do đó, công ty cũng đã xử lý hết mức về môi trường rồi. Họ muốn như nào, chúng tôi đã xử lý và bỏ ra trên 100 tỷ để xử lý việc đó rồi. Bây giờ đã nản rồi”.

Kết nối - Đắk Lắk: Ám ảnh mùi hôi tanh nồng nặc từ nhà máy tinh bột mì (Hình 7).

Con đường mà xe tải chứa phế phẩm mì đến khu vực tập kết.

Việc Nhà máy chế biến tinh bột mì của công ty XNK Tổng hợp Bình Phước - Đắk Lắk gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc ai cũng có thể ngửi thấy. Tuy nhiên, công ty có đang coi thường sức khỏe của người dân khu vực xung quanh?.

Trách nhiệm này thuộc về ai, về vấn đề này, nhóm PV cũng đã làm việc với sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk và đặc biệt là với sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Lắk nhưng cho đến nay chưa có câu trả lời.

Nhóm PV sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.