Đắk Nông: Chuẩn bị xét xử đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng

Admin
Cơ quan chức năng thông tin, phiên tòa xét xử 39 bị cáo trong đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả Trịnh Sướng dự kiến sẽ diễn ra 18 ngày.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 18 ngày

Sáng 8/1, TAND tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng VKSND, Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo, công bố thông tin liên quan đến phiên xét xử 39 bị cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) liên quan đến Trịnh Sướng, 54 tuổi, Giám đốc công ty TNHH Mỹ Hưng, có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết, đây là vụ án sản xuất buôn bán hàng giả (xăng giả) lớn nhất toàn quốc, được dư luận quan tâm.

Vụ án có 39 bị cáo, 5 tổ chức, 5 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan.

HĐXX sẽ có 5 người (2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân). Trong đó, 2 thẩm phán là ông Lương Đức Dương và ông Lê Quốc Hương. Ngoài ra, có 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa.

Thông cáo báo chí cho hay, phiên tòa xét xử Trịnh Sướng cùng đồng phạm sẽ được tổ chức vào 8h ngày 12/1.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 12/1 đến 29/1 (tức 18 ngày làm việc). Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn, dư luận xã hội rất quan tâm, được Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông theo dõi, chỉ đạo giải quyết.

Hồ sơ điều tra - Đắk Nông: Chuẩn bị xét xử đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng

Đắk Nông tổ chức họp báo, công bố thông tin liên quan đến phiên xét xử 39 bị cáo trong vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” liên quan đến Trịnh Sướng.

Vụ án có 3 nhóm tội phạm, với 39 bị cáo bị VKSND tỉnh Đắk Nông truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó, Trịnh Sướng là bị cáo thu lợi nhiều nhất với 102 tỷ đồng; Lê Văn Hùng là bị cáo thu lợi ít nhất với số tiền hơn 27 triệu đồng. Tổng số xăng giả được phát hiện trong vụ án là trên 3,5 triệu lít.

Trong đó, nhóm 1 gồm: Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Văn Sơn, Hồ Thị Nhẫn, Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt, Nguyễn Ngọc Quan, Nguyễn Ngọc Hà, Đinh Chí Dũng, Trịnh Sướng, Mai Trung Hậu, Hồ Xuân Cường bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 3, Điều 192 BLHS 2015.

Nhóm 2 gồm: Phạm Hồng Quang, Lê Văn Tĩnh, Hồ Văn Hùng, Nguyễn Quang Thuận, Lưu Phạm Quốc Anh, Lê Châu Phước Hưng, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Thi, Lê Xướng Anh, Lê Văn Tâm, Nguyễn Thành Trung, Lê Ngọc Lý, Trương Như Tuyết, Nguyễn Thị Hồng Thủy, Lưu Văn Nguyện, Ngô Dương Anh Tuấn, Trần Văn Phước, Trương Văn Thuận bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 192 BLHS 2015.

Nhóm 3 gồm: Nguyễn Văn Lam, Bùi Thị Duyên, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Lê Minh Hưng, Lê Đại Nam, Vũ Xuân Ngọc, Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Minh Quân bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 192 BLHS 2015.

Hồ sơ điều tra - Đắk Nông: Chuẩn bị xét xử đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng (Hình 2).

Trịnh Sướng tại cơ quan điều tra.

Liên quan đến câu hỏi Trịnh Sướng có phải là người cầm đầu đường dây sản xuất xăng giả trong vụ án này không, ông Phan Thanh Hải, Viện phó VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết có 3 nhóm bị cáo trong vụ án.

Trong đó, quy mô đường dây của Trịnh Sướng là lớn nhất, phạm tội nghiêm trọng nhất và thu lợi lớn nhất nên được xác định là đầu vụ. Sau này, xét xử thì HĐXX sẽ phân hóa từng bị cáo để có mức án phù hợp.

Lợi nhuận "khủng" từ sản xuất, buôn bán xăng giả

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Nông, ngày 22/1/2019, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng bán ra thị trường do Hồ Thị Nhẫn, SN 1993, trú phường Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và Nguyễn Văn Hướng, SN 1970, trú xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông cầm đầu.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định, nguồn dung môi Nhẫn có để bán được mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1985), Hoàng Thụy Minh Việt (SN 1976) ở tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Văn Hướng, Loan và Việt mua dung môi của công ty TNHH Phạm Sơn (gọi tắt là công ty Phạm Sơn) ở Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa, SN 1981, trú TP.Cần Thơ quản lý, điều hành. Tiến hành điều tra mở rộng vụ án, xác định, Hòa còn bán dung môi cho rất nhiều tổ chức, cá nhân khác.

Hồ sơ điều tra - Đắk Nông: Chuẩn bị xét xử đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng (Hình 3).

Kho xăng dầu của Trịnh Sướng.

Quá trình đấu tranh, từ 28-30/5/2019, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp các nhóm đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Cũng theo cáo trạng, công ty TNHH Mỹ Hưng (viết tắt công ty Mỹ Hưng có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng) do Trịnh Sướng là Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan; mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng.

Công ty này sở hữu 8 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 12 xe ô tô xi téc, 9 tàu thủy.

Trong quá trình kinh doanh xăng dầu, đến khoảng cuối năm 2016, Trịnh Sướng biết được cách sản xuất xăng bằng cách pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả bán ra thị trường sẽ thu lợi cao hơn so với việc bán xăng do các thương nhân đầu mối sản xuất.

Vì vậy, đầu năm 2017, Trịnh Sướng nảy sinh ý định sản xuất xăng A95, A92, E5 giả để bán ra thị trường.

Để thực hiện việc sản xuất, buôn bán xăng giả ra thị trường, Sướng thuê và phân công Trương Như Tuyết, SN 1978, trú tỉnh Sóc Trăng - Giám đốc công ty TNHH Gia Thành phụ trách việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng, giúp Sướng bán xăng pha trộn được qua công ty TNHH Gia Thành, quản lý tiền mặt, thanh toán tiền mua dung môi, chấm công và trả lương cho người làm thuê.

Lê Ngọc Lý, SN 1984, trú tại tỉnh Sóc Trăng theo dõi số lượng nguyên liệu mua vào dùng để pha trộn với xăng giả; lập phiếu xuất nhập kho và theo dõi lượng xăng giả tồn kho tại kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng, nhập số liệu vào máy tính, cân đối đầu vào, đầu ra xăng; tham gia điều động phương tiện là tàu, xe ô tô xitéc vận chuyển dung môi, hóa chất khi được giao....

Để có nguyên liệu pha trộn sản xuất xăng giả và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Sướng không trực tiếp đứng ra mua dung môi, hoá chất mà thông qua các cá nhân, tổ chức khác.

Sau đó, Trịnh Sướng tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.400 tỷ đồng.

Trong đó, Trịnh Sướng bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của công ty Mỹ Hưng, công ty Gia Thành và công ty Ressol, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng.