Hậu quả thật từ môi trường ảo

Admin
Mạng xã hội là không gian ảo nhưng ảnh hưởng mà chúng để lại cho trẻ em lại "rất thật".

Diễn đàn và mạng xã hội mấy ngày qua truyền đi thông tin tại trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt, quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa xảy ra một vụ đánh nhau giữa các nam sinh trong trường. Theo đó, do có mâu thuẫn với nhau trên mạng từ trước, nhóm học sinh Trường trung học cơ sở Hoàng Quốc Việt đã hẹn ra ngoài sân thể thao sau trường đánh nhau.

Sự việc này xảy ra vào ngày 25/11 vừa qua, ở khu sân thể thao ở phía sau trường, bị che khuất và hạn chế tầm nhìn so với khu còn lại của trường. Người bị đánh là một em nam sinh lớp 6, còn những em học sinh đánh nhau là vài em đến từ lớp 7,8 hay lớp 9 của trường. Rất may, hôm đó vụ việc được phát hiện kịp thời nên hậu quả để lại chưa lớn. Tuy nhiên, vụ việc này là hồi chuông cảnh báo cho mặt trái của việc trẻ sử dụng mạng xã hội.

Quan điểm - Hậu quả thật từ môi trường ảo

Nhà trường và gia đình cần luôn đồng hành với con trẻ để trang bị sức đề kháng đủ mạnh cho trẻ trên môi trường Internet. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 19/11, các cơ quan liên quan của TP Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc một nữ sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi bị đánh đập rồi quay video tung lên mạng xã hội.

Theo đó khoảng 11h30 ngày 18/11, hai học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) là Đ.L.V. và H.Y.M. (đều học lớp 8 cùng trường) do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên đã hẹn nhau sau giờ học buổi sáng đến khu vực sân bóng ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa để giải quyết mâu thuẫn.

Em Đ.L.V. bị em H.Y.M. cùng 5 nữ học sinh khác (đều là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi); em L.Th.Tr. (học lớp 9 Trường THCS Hàm Rồng, phường Hàm Rồng) và em N.Ph.Nh. (học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, phường Đông Vệ) túm tóc giật ngã, dùng tay, chân đấm, đá gây xây xước, sưng nề ở vùng mặt, tay, chân phải đưa đến bệnh viện sau đó.

Mạng xã hội luôn là kho tàng của những thông tin, tốt xấu, thật giả lẫn lộn. Môi trường là không gian ảo nhưng ảnh hưởng lại "rất thật".

Việc hàng loạt vụ học sinh đánh nhau từ mâu thuẫn trên Facebook cho thấy nhiều trẻ đang sử dụng mạng xã hội theo chiều hướng tiêu cực, đáng báo động. Các hình ảnh, clip bạo lực này còn được người tham gia ghi lại, đưa lên Facebook để đếm lượt xem, lượt like, lượt chia sẻ... thực sự gây phản cảm lớn.

Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa thời gian sử dụng mạng với hành vi phạm tội và đạo đức của thanh, thiếu niên. Hơn 70% số này dùng mạng để chơi game trung bình 4 - 5 tiếng/ngày có hành vi phạm tội cao hơn hẳn so với người sử dụng thấp hơn. Nhiều tội phạm vị thành niên khi bị bắt đều khai rằng hành vi tàn nhẫn là học qua mạng, phim ảnh, hay chơi game.

Internet là văn minh nhưng thành tựu này cũng là kẻ tội đồ cho nhiều thói hư tật xấu. Vấn đề quan trọng là phải trang bị sức đề kháng đủ mạnh trên môi trường internet cho trẻ em.

Trái ngược với ở nước ta, nhiều trẻ em tiểu học đã kê man tuổi để lập facebook hay mở tài khoản trực tuyến. Nhiều nước trên thế giới, học sinh phải đủ 13 tuổi mới được dùng mạng xã hội.

Liên minh Châu Âu quy định độ tuổi cần có sự đồng ý của phụ huynh khi trẻ em tham gia mạng xã hội là 16 tuổi. Ở Mỹ cũng có một điều luật tương tự khi quy định điều khoản bảo vệ trẻ em dưới 13 tuổi.

Khi các hãng trực tuyến muốn cung cấp dịch vụ cho trẻ em ở nhiều nước châu Âu, việc đầu tiên là cần có sự đồng ý của bố hoặc mẹ của các em.

Nếu các mạng xã hội không tuân thủ quy định này, EU có quyền phạt tối đa 4% doanh thu toàn cầu trong năm đó. Ngay cả khi mạng xã hội chuyển cho một công ty bên thứ ba xử lý và lưu trữ dữ liệu thì họ vẫn buộc phải có trách nhiệm tuân thủ quy định về tuổi nói trên. Nghị viện cũng yêu cầu các công ty phải thông báo cho cơ quan chức năng của các nước trong vòng 72 giờ nếu có xảy ra sự cố rò rỉ dữ liệu.

Thời đại công nghiệp, nhu cầu sử dụng mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, do đó, bản thân nhà trường và gia đình cần luôn đồng hành với con trẻ để trang bị sức đề kháng đủ mạnh cho trẻ trên môi trường Internet.