Mưa lũ ở miền Trung khiến 5 người thiệt mạng, nhiều người mất tích

Admin
Mưa lớn kéo dài liên tục gây lũ lụt chia cắt nhiều vùng ở một số tỉnh miền Trung, đã có 5 người tử vong, hơn 10 người bị mất tích.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến sáng nay (10/10), mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm 5 người chết, 8 người mất tích và khiến gần 33.400 ngôi nhà bị ngập. Nhiều đoạn đường trên quốc lộ tỉnh lộ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam bị sạt lở, ngập sâu.

Tin nhanh - Mưa lũ ở miền Trung khiến 5 người thiệt mạng, nhiều người mất tích

Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu do lũ lụt.(Ảnh:Tiền Phong)

Về giao thông đường thủy, hiện có 6 sự cố tàu vận tải ở Quảng Trị, trong đó có 3 tàu bị chìm là tàu Vietship TK 12, tàu Thanh Thành Đạt 55, tàu Vietship 09. Theo đó, tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 Cửa Việt. Ba thuyền viên trên tàu đã được tàu Vietship 01 cứu, còn 2 người vẫn đang mất tích. Tàu Thanh Thành Đạt 55 bị chìm tại phao số 0, Cửa Việt. Tất cả 11 người trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn. Tàu Vietship 09 bị chìm ở vùng biển Quảng Trị, cả 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Tàu Vietship 01 bị mắc cạn tại vị trí cách cảng Cửa Việt khoảng 1 km, có 2 người đã vào bờ an toàn còn 8 người mắc kẹt trên tàu. Tàu Hoàng Tuấn 26 mắc cạn tại vùng biển Gio Linh, hiện 12 thuyền viên vẫn an toàn và giữ được liên lạc. Tàu Thanh Thành Đạt 68, gồm 15 thuyền viên, bị hư hỏng, trôi dạt, hiện đang thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km,Tiền Phong thông tin.

Liên quan đến tình hình mưa lũ, Đồn Biên phòng Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết có 3 tàu cá bị sóng đánh chìm tại khu vực Mũi Đèn. Cụ thể, tàu cá ĐNa 91006TS bị chìm vào sáng 9/10, 2 thuyền viên đã được Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cứu và đưa về nơi an toàn.Tàu cá ĐNa 30873TS và ĐNa 07070TS cũng bị chìm, trên mỗi tàu có 2 lao động đã được cứu kịp thời.

Ngoài ra, tàu cá ĐNa 90988TS, gồm 2 thuyền viên, bị mất liên lạc tại khu vực Mũi Đèn. Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm tàu cá và 2 thuyền viên này. Cho đến hiện tại đã có 3 ngư dân Đà Nẵng mất tích.

Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, mưa lớn gây lũ lụt đã làm trên 160 xã ở 28 huyện từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam bị ngập sâu. Trong đó, nặng nhất là là Quảng Trị gần 70 xã bị ngập 1-2m, ở các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông, Cam Lộ; TP. Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng.

Thừa Thiên-Huế bị ngập tới 51 xã, ở các huyện Phong Điền, Thành phố Huế, Phú Vang, Quảng Điền và Hương Trà với mức độ ngập 0,3-2m. Tại Quảng Bình, có 28 xã ở 6 huyện bị ngập là Minh Hoá, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá, Ba Đồn, Bố Trạch, ngập 0,3-2 m, thậm chí có nơi ngập đến 3m.

Các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã tổ chức di dời trên 8.000 hộ dân với trên 26.400 người đến nơi an toàn.

Theo Zing, lúc 9h sáng nay, thủy điện A Vương xả lũ qua tràn về sông Vu Gia với lưu lượng 383 m3/s. Theo kế hoạch, thủy điện A Vương xả lũ qua tràn 100-1.200 m3/s; thủy điện Sông Bung 4 xả qua lũ tràn về sông Vu Gia với lưu lượng 520 m3/s. Chủ hồ thủy điện Sông Bung 4A cũng có thông báo xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 170-3.000 m3/s...

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục công tác tìm kiếm người còn mất tích; động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người tử vong; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện.

Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng đang bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời tiếp tục thực hiện cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên trên các tàu bị nạn.

Các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết; giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập.