Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày của những Người Làm Báo, cũng là dịp để “đối thoại” với chính bản thân mình trong tĩnh lặng - một khoảng dừng cần thiết, để nghỉ ngơi, lấy đà, tiếp thêm năng lượng trên hành trình làm người, làm nghề.
Làm việc ở lĩnh vực gì cũng vậy, muốn thành công, con người không chỉ cần đến năng lực, bao gồm kiến thức và kỹ năng, mà còn nhiều hơn thế. Một danh nhân đưa ra công thức: “Thành công cho cuộc đời và công việc của mình = Cách tư duy + Nhiệt huyết + Năng lực”.
Dễ nhìn thấy trong công thức này, “Cách tư duy” và “Nhiệt huyết” xếp theo thứ tự ưu tiên, rồi mới đến “Năng lực”. “Cách tư duy” và “Nhiệt huyết” được hình thành và tích lũy từ thái độ sống, nhìn nhận về ý nghĩa cuộc đời, thấu hiểu giá trị công việc ở riêng mỗi người. Hay nói cách khác, bắt đầu từ lựa chọn thái độ đối với cuộc sống, từ đó xác định thái độ đối với nghề nghiệp mình đã chọn, mình đang làm.
Có một đúc kết kinh điển: “Trên đời này, không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi”. Qua những dịp hàn huyên, cảm nhận được những Người Làm Báo Nông nghiệp Việt Nam đã hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của công việc của mình.
Một khi tìm thấy ý nghĩa, giá trị, thì sẽ tạo dựng được thái độ làm việc tích cực. Khi ấy, mỗi người ý thức đầy đủ về những việc nên làm. Khi ấy, mỗi Nhà Báo thấu hiểu đối tượng mình phục vụ, để thầm cảm nhận nhịp đập thôi thúc, tự hào: quyết dốc hết lòng, hết sức để phụng sự ngành nông nghiệp đất nước, lặn lội với nông thôn đang trên hành trình mới, gắn bó cùng bà con nông dân còn lắm nỗi nhọc nhằn.
Cuộc sống bộn bề khó tránh khỏi tâm lý so sánh. Những con số có thể cân đong đo đếm như tiền lương, thu nhập, chức vụ, vị trí… thường được chọn làm tiêu chí. Khi so sánh, thì không tránh khỏi những cảm xúc bắt đầu từ chữ “nếu”, hoặc “phải chi”. “Nếu” không chọn nghề này, mà chọn nghề khác thì sao? “Nếu”không làm cho đơn vị này, mà làm cho đơn vị khác thì sao? “Phải chi” ngày xưa mình chọn nghề khác giờ, thì giờ đây đã có cuộc sống khác rồi. “Phải chi” trước đây chọn làm ở đơn vị khác, thì giờ có thể khá giả hơn rồi.
Nên nhớ rằng: “Nếu cứ cuốn theo so sánh không cần thiết giữa bản thân với người khác, chúng ta tự cướp đi hạnh phúc của chính mình”. Cảm xúc tiêu cực có thể tạo ra thái độ bi quan, nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu xám, thấy công việc nhàm chán, vô vị. Ngược lại, cảm xúc tích cực sẽ nhìn cuộc sống luôn tươi mới, nhiều màu sắc, thấy công việc trở nên có giá trị nhiều lần hơn.
Ông bà mình có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Ngược lại cũng có câu: “Nhìn con cái, có thể đoán cha mẹ là ai?”. Nhắc lại điều này để chia sẻ rằng, công việc làm báo nói chung và tác phẩm báo chí nói riêng cũng là những “đứa con tinh thần” do Người Làm Báo “rứt ruột sinh thành”. Công việc làm báo đâu chỉ là sắp xếp câu chữ để lời hay ý đẹp, mà phải có hồn, mang hơi thở sinh động của thực tế cuộc sống, ghi nhận chuyển động ngày thường trên từng thửa ruộng, bờ ao.
Đảm nhận công việc phục vụ báo lên trang, lên khuôn, lên hình, hay tạo ra một bài báo, một tác phẩm báo chí được in ấn, đăng tải, đến với đông đảo bạn đọc thì có thể dựa vào kỹ thuật, kỹ năng. Nhưng để những công việc đó sâu sắc giá trị, đi vào lòng người, hướng mọi người thay đổi thái độ, thúc giục hành động mới là việc khó. Điều đó đòi hỏi sự trăn trở, tình yêu thương và cả lòng trắc ẩn. Tất cả cũng lại bắt đầu từ những câu hỏi: “Mình sẽ viết về điều gì và tại sao lại chọn điều đó? Mình viết cho đối tượng nào xem? Mình viết như thế đã truyền tải được thông điệp mới mẻ chưa?”.
Nền nông nghiệp đất nước kiên trì hành trình phát triển, vươn lên. Thành quả nhiều, mà hạn chế cũng nhiều. Thế mạnh không ít, mà mặt yếu cũng không ít. Nền nông nghiệp đang trên tiến trình chuyển đổi, không thể vụ trước vụ sau là hái quả. Nền nông nghiệp đang cơ cấu lại, không thể ngày một ngày hai là tươm tất. Nền nông nghiệp đang bộn bề khó khăn, thách thức như “ngôi nhà”đang được chỉnh trang diện mạo, thổi vào luồng sinh khí mới, càng cần tinh thần đóng góp, dựng xây.
“Ngôi nhà” đang trong giai đoạn làm mới, không tránh khỏi ngổn ngang gạch đá, khói bụi làm cho “sinh hoạt ngày thường” ít nhiều bất tiện. Thái độ của mỗi người trước những khó khăn, tuỳ thuộc vào việc xem “ngôi nhà” đó của người khác hay của chính mình. Nếu xem là của mình, thì thay vì than phiền, hãy nhận lấy trách nhiệm bằng cách góp công, góp sức.
Người thì quét dọn sạch sẽ, sắp xếp vật dụng ngăn nắp, người thì trồng thêm cây xanh, vun tưới luống hoa. Người thì chăm sóc cảnh quan sân vườn, người thì ân cần với hàng xóm láng giềng. Chung tay, chung sức, chung lòng là vậy! Thay vì hờn trách bóng đêm, thì hãy lẳng lặng thắp lên ngọn đuốc, tiếp thêm năng lượng lan tỏa “ngọn lửa nhiệt huyết”.
Nền nông nghiệp tuần hoàn chỉ ra rằng, những điều tưởng chừng như phế thải bỏ đi, vẫn có thể tạo ra sản phẩm mới có giá trị. Trong cuộc sống cũng vậy, những hạn chế, yếu kém hôm nay vẫn có thể trở thành điểm mạnh, nếu có cách tiếp cận khác đi. Những điều hôm nay còn nhỏ bé, nếu được vun bồi, chăm sóc sẽ trở thành điều lớn lao sau này. Những vấn đề tiêu cực cũng có thể biến thành tích cực, nếu biết phân tích thấu đáo nguyên nhân và tìm ra giải pháp. “Bùn dưới chân, và nắng ở trên đầu”. Nhờ bùn, nhờ nắng, hoa sen mới có thể khoe sắc, ngát hương cho đời.
Trong một thời gian dài, báo chí được cho là có phần thiên về phản ánh, đặc biệt là phản ánh kết hợp phê phán, đối với các vấn đề hiện thực của đất nước, của xã hội. Điều đó xét cho cùng là không có gì sai, thậm chí có những mặt tích cực, nếu như việc phản ánh hay phê phán chính xác và với tinh thần xây dựng.
Bởi trong xã hội luôn tồn tại những vấn đề thiếu lành mạnh, tiêu cực, cần được điều chỉnh nhận thức, hành vi, từ đó loại trừ dần, chuyển hoá và ngăn chặn sự tái diễn. Xu hướng truyền thông ngày nay, cách thức tiếp cận “báo chí giải pháp” đang nhận được nhiều sự quan tâm. Truyền thông, báo chí mang tính xây dựng, tìm kiếm giải pháp, định hình xu hướng, hoàn toàn có thể tạo ra giá trị không ngờ, hơn gấp nhiều lần.
Nông nghiệp luôn thay đổi, rộng mở về cách tiếp cận mới mẻ. Nông nghiệp có thể tiếp cận theo góc độ kỹ thuật, năng suất, sản lượng. Nông nghiệp có thể tiếp cận theo góc độ kinh tế, chi phí, chất lượng, doanh thu, lợi nhuận.
Nông nghiệp có thể tiếp cận theo góc độ văn hoá, xã hội, tâm lý, tập quán. Nông nghiệp có thể tiếp cận theo góc độ ngành hàng và góc độ người nông dân. Nông nghiệp có thể tiếp cận theo góc độ đa ngành, đa lĩnh vực, đa chức năng, đa giá trị. Mỗi góc độ tiếp cận đều cần đến tri thức, trải nghiệm, dấn thân.
Và Người Làm Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày ngày vẫn luôn “vác ba lô lên và đi”, về với ruộng đồng, lặn lội vào núi vào rừng, gặp gỡ bà con nông dân. Để ngòi bút ngày càng sắc bén, trải nghiệm ngày càng phong phú, và trái tim luôn rộng mở. Và trong ba lô, ngoài phương tiện tác nghiệp, nhớ mang theo cả sự trăn trở, tình yêu thương và lòng trắc ẩn nhé!
Link nội dung: https://doisongnet.vn/ngam-nghi-doi-dieu-ve-nhung-cau-hoi-nhan-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-a14134.html