Sân khấu phải đóng cửa vì Covid -19: Khó khăn chồng khó khăn, nghệ sĩ mong sớm qua bĩ cực

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều sân khấu đang loay hoay tìm cho mình một cách thức hoạt động mới. Nhiều lãnh đạo Nhà hát đã tâm sự, thời gian qua họ nhiều đêm họ không ngủ vì lo cho sự “sống còn” trong hoạt động nghệ thuật. Những người đứng đầu các nhà hát lớn đang phải đối đầu bài toán cân não trong việc nghĩ kế để cứu sân khấu thoát khỏi cơn khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra...

Bạc tóc vì lo “cơm áo gạo tiền”

Trong khoảng 10 ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid- 19 có những diễn biến mới khiến cho các hoạt động cộng đồng, tập trung đông người bị dừng lại. Trước tình hình này, các sân khấu ở miền Nam đồng loạt thông báo tạm đóng cửa.

NSND Hồng Vân phải đóng của sân khấu kịch vì dịch Covid- 19.

Là một trong những sân khấu quyết định nghỉ diễn sớm nhất vào ngày 30/7, NSND Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận cho hay: “Tình hình dịch bệnh khiến cho người làm nghệ thuật thấy rất bất an. Từ sau Tết, chúng tôi đã đóng cửa sân khấu gần 5 tháng. Đến đầu tháng 6/2020, sân khấu mới mở cửa trở lại nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, bởi khán giả vẫn chưa dám mua vé đi xem kịch. Sân khấu Chợ Lớn cũng lâm vào cảnh lỗ chồng lỗ khi chưa kịp tạo ra lợi nhuận đã dính dịch. Sau đó, ai cũng nghĩ là mọi việc đã ổn hơnnên các sân khấu có nhiều kế hoạch cho việc kéo khán giả trở lại sân khấu. Nhưng trước tình trạng tái bùng phát dịch, chúng tôi buộc phải huỷ hết các suất diễn và tiếp tục đóng cửa sân khấu.”.

Các nghệ sĩ mong dịch bệnh qua nhanh để lên sân khấu diễn cho khán giả xem.

“Bà bầu” Hồng Vân cho biết: “Giữa lúc dịch bệnh như này chúng tôi cũng chia sẻ và có nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, sức khỏe của mọi người phải đặt lên hàng đầu. Bản thân là người chịu trách nhiệm với diễn viên, khán giả đến sân khấu của mình nên tôi không thể mạo hiểm. Hơn nữa, diễn viên khó tập trung, diễn tốt khi tâm trạng thấp thỏm lo lắng. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì lo nhưng cũng phải đóng cửa sân khấu trong hai tuần và chờ chỉ đạo của thành phố. Các hoạt động dạy học, đào tạo diễn viên trẻ cũng gác lại. Thôi thì mình làm nghệ thuật cả đời chứ không nên đưa học sinh của mình vào tình thế nguy hiểm được...”.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc nhà hát Múa rối Việt Nam cho hay: “Hiện tại các hoạt động của Nhà hát Múa rối Việt Nam phải dừng lại, vì các hợp đồng đã ký ở Hà Nội, Ninh Bình... đã bị huỷ, nếu khán giả không huỷ Nhà hát cũng tự nguyện dừng hợp đồng. Trước đây, khách nước ngoài rất thích xem múa rối và hầu như đêm nào chúng tôi cũng có suất diễn nhưng từ đợt Covid đầu tiên khách nước ngoài không đi du lịch, không thể sang Việt Nam nên việc bán vé cũng đìu hiu. Không diễn cho khán giả nữa thì chúng tôi có thời gian làm chiều sâu, chuẩn bị những kịch bản hay để khi nào trở lại trạng thái bình thường, sẽ có những vở diễn chất lượng. Quan điểm của tôi là trong dịch Covid có thể dừng diễn nhưng chúng tôi vẫn luyện tập và thực hiện giãn cách theo quy định. Có thể chúng tôi sẽ làm một vở diễn về việc tuyên truyền cho người dân trong thời kỳ dịch bệnh này...”.

NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Rất may là sau đợt dịch đầu tiên, Nhà hát cũng có gần 1 tháng diễn nên thu nhập cũng có, cộng với số lương tối thiểu của Nhà nước nên đời sống của các diễn viên được đảm bảo ở mức trung bình. Đợt này, chúng tôi vẫn có một khoản hỗ trợ của bộ VH-TT&DL, của cục Nghệ thuật biểu diễn nên cũng có bù đắp được cho anh em. Thực sự, là vừa lo công việc nghệ thuật, vừa đảm bảo đời sống cho anh em, nếu nói không cảm thấy mệt mỏi thì không đúng, cũng đau đầu nhưng phải “gồng mình” lên để diễn viên của mình yên tâm gắn bó với nghề – NSND Nguyễn Tiến Dũng bộc bạch.

Phải huỷ 38 chương trình lưu diễn...

Trong quá trình tìm hiểu PV Người Đưa Tin Pháp Luật cũng có cuộc trao đổi với NSND Tống Toàn Thắng- Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông Thắng cho hay: “Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa phải huỷ 38 suất diễn ở các tỉnh như:Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hạ Long Quảng Bình, Nghệ An... Chỉ tính riêng số tiền in tờ rơi và quảng bá các chương trình cho các show biểu diễn này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Do nguyên nhân khách quan bất khả kháng nên Liên đoàn đành chấp nhận, đợi sau khi dịch bệnh qua, chúng tôi sẽ lại lên đường phục vụ khán giả. Liên đoàn cũng mong muốn các nghệ sĩ cũng chung tay cùng các Lãnh đạo, mong dịch bệnh qua nhanh để thoả sức đam mê với sân khấu”.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải huỷ 38 buổi diễn vì dịch bệnh.

NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ngậm ngùi chia sẻ: “Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại, kế hoạch mang Hồ thiên nga đi lưu diễn xuyên Việt không biết sẽ dời lại đến khi nào. Tôi thực sự rất buồn khi các kế hoạch biểu diễn của nhà hát phải hoãn huỷ. Nhưng lo lắng hơn cả vẫn là tinh thần của anh em nghệ sĩ. Đúng là buồn đến “thắt tim” khi không được diễn, nhớ sân khấu quay quắt...”.

Vở Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam bị dừng lưu diễn cho Covid- 19.

“Mấy hôm rồi tôi không ngủ được nhiều, cứ nghĩ đến đời sống anh em sẽ gặp khó khăn lại phải căng óc suy tính. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phân chia ca kíp để tập luyện hàng ngày. Chúng tôi đang chuẩn bị vở nhạc kịch Những người khốn khổ – dự án trọng điểm của nhà hát dự kiến sẽ công diễn vào tháng 10/2020 nên phải tập luyện để kịp tiến độ. Đây là vở nhạc kịch nhằm khơi gợi tinh thần nhân văn của mỗi con người, đồng thời cũng là “cứu cánh” tinh thần – vật chất của tập thể nghệ sĩ nhà hát. Hy vọng rằng, qua cơn bĩ cực này, các Nhà hát sẽ được hồi sinh, sẽ lại đỏ đèn hàng đêm”- NSƯT Trần Ly Ly bùi ngùi chia sẻ.

NSƯT Trần Ly Ly cũng đang lo lắng đời sống cho diễn viên của mình trong mùa dịch.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Đúng là dịch bệnh khiến các hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng và sân khấu không là ngoại lệ. Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng có các biện pháp hỗ trợ nghệ sĩ. Vừa qua, gói kích cầu các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch Covid-19 nhận được nhiều phản hồi tốt từ các đơn vị nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn các Nhà hát nhân dịp này, sẽ ấp ủ nhiều kịch bản, ý tưởng hay để sau khi hết dịch sẽ có nhiều chương trình hấp dẫn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang khởi động kế hoạch áp dụng công nghệ điện tử nếu không thể diễn ở rạp hát bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương thức đó không có nguồn thu ngay nên sẽ có gói hỗ trợ kích cầu từ nhà nước. Chúng tôi hy vọng sau dịch thì các nhà hát sẽ “hồi sinh” và hoạt động mạnh mẽ hơn…”.

Lạc Thành

Link nội dung: https://doisongnet.vn/san-khau-phai-dong-cua-vi-covid-19-kho-khan-chong-kho-khan-nghe-si-mong-som-qua-bi-cuc-a1555.html