Không thể cào bằng giữa đô thị với nông thôn
Như trong buổi tiếp xúc với tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 1 vào tối 4/8, cử tri Hoàng Thị Lợi của phường Bến Nghé, quận 1 đã có nhiều chia sẻ. Bằng kinh nghiệm thực tế hơn 10 năm công tác cho ở phường, bà Lợi cảm thấy lo lắng khi cắt giảm gần 2.300 cán bộ trong thời gian ngắn, mặc dù chủ trương của Trung ương là phải chấp hành.
Nữ cán bộ hưu trí này bộc bạch: “Tại TP.HCM, khối lượng công việc của cán bộ phường, đặc biệt với quận 1 là rất lớn. Lại càng nhiều áp lực hơn trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Sau khi cắt giảm, công việc sẽ dồn lên số cán bộ còn lại, dễ dẫn đến căng thẳng”.
Thứ hai, với những người bị giảm biên chế, phương án thi công chức được đưa ra, “cũng là giải pháp nhưng chưa khả thi lắm”. Nếu đã tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ ngoại ngữ và kiến thức nhất định thì sẽ không có gì khó khăn. Còn với một số cán bộ trên 40 tuổi, rất thạo việc nhưng khó đáp ứng tiêu chuẩn thi công chức, lãnh đạo cần quan tâm giải quyết đời sống cho họ.
Cán bộ UBND phường Đông Hưng Thuận, quận 12 tổ chức giám sát cách ly chung cư Thái An 2 để phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đang được áp dụng. Nên chăng Thành phố cũng cần thực hiện mô hình chính quyền đô thị như Hà Nội. Bởi lẽ, tính chất công việc của cán bộ cấp phường tại thành phố chắc chắn có sự khác biệt rất lớn so với cấp xã tại các tỉnh khác.
“Mong lãnh đạo TP.HCM có kiến nghị với Trung ương để tìm ra giải pháp dựa vào tình hình thực tế. Không thể cào bằng giữa 1 phường ở đô thị lớn với 1 xã ở nông thôn về chính sách, chế độ. Tôi có em rể, làm chủ tịch hội Nông dân một xã tại tỉnh Hải Dương. Công việc của cậu ấy rất nhàn, phần lớn thời gian là đi nhậu. Còn cán bộ ở đây (phường Bến Nghé, quận 1 – PV) phải làm tối ngày sáng đêm không hết công việc”, bà Lợi băn khoăn.
Đánh giá rộng hơn, bà Lợi cho rằng, hình thức bộ máy Nhà nước đang có bất cập, “giống như hình tháp ngược, ở trên phình ra rất to nhưng phường, xã vốn đã nhỏ mà còn giảm biên chế”.
Cách tổ chức quản lý hành chính như thế cần thay đổi. Vì tất cả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, văn bản pháp luật muốn ra đến dân để thực hiện, đều phải thông qua phường, xã. Đó là nơi gần dân nhất, hoạt động thực tế nhất.
“Ở trên, một phòng ban có đến 5 – 7 người cùng phụ trách 1 lĩnh vực. Chứ ở phường, xã, một cán bộ phải làm nhiều công việc. Mà tất cả báo cáo ở trên muốn có, đều phải lấy từ phường, xã. Nên nếu không có thay đổi trong chính sách chế độ, chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ phường, xã. Như trước đây tại phường Bến Nghé, có một cán bộ sinh năm 1989, tốt nghiệp đại học chính quy và làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Nhưng khi có một nơi khác mời làm việc với mức lương gấp đôi, cậu ấy cũng dứt áo ra đi”, bà Lợi phân tích.
Phải đảm bảo chất lượng công vụ
Giải đáp thắc mắc của cử tri, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng khẳng định, việc sắp xếp cán bộ đang được tiến hành thận trọng để đảm bảo chất lượng công việc.
“Đến nay, cả 10 phường của quận 1 đều được xếp loại 1 nên mỗi phường có số cán bộ không chuyên trách là 14 người, chuẩn bị sắp xếp vào 13 chức danh. Qua đó, có 23 cán bộ bị dôi dư, việc bố trí đang thực hiện để hợp tình hợp lý và đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ”, ông Dũng trả lời.
So với quận 1, nhiều địa phương khác của Thành phố còn vất vả hơn. Như tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có gần 170.000 dân với số cán bộ không chuyên trách là 56 người. Nếu áp dụng tinh giảm, số cán bộ trong diện này chỉ còn 14 người, dôi dư 42 người.
Tương tự, đội ngũ cán bộ của quận Bình Tân cũng bị ảnh hưởng lớn khi giảm từ 65 xuống còn 37 người. Với gần 800.000 nhân khẩu, trong đó phường Bình Hưng Hòa A có đến hơn 126.000 dân, sự cắt giảm này sẽ trở thành áp lực không nhỏ cho bộ máy hành chính.
Đại diện sở Nội vụ TP.HCM cho biết, dự kiến trong tháng Tám sẽ có hướng dẫn các quận, huyện triển khai tinh giảm cán bộ không chuyên trách cấp phường, xã. Dù rất chia sẻ với việc cắt giảm sẽ tạo áp lực lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, nhưng quy định vẫn phải được thực hiện. Dân số là một trong những tiêu chí phân loại phường chứ không dựa vào đó mà tăng số lương cán bộ không chuyên trách.
Chủ trương tinh giảm biên chế đòi hỏi cán bộ phải đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ,
phục vụ tốt hơn cho công việc.
Còn về công tác chế độ chính sách cho hàng nghìn cán bộ dôi dư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng, lãnh đạo Thành phố rất quan tâm.
Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, tìm kiếm công việc mới là trăn trở lớn không của riêng ai. Vì vậy, bên cạnh chế độ trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động, chính quyền TP.HCM cũng xin ý kiến và được các bộ ngành Trung ương cho phép vận dụng chính sách tinh giản biên chế, hỗ trợ thêm chế độ trợ cấp một lần đối với trường hợp dôi dư.
Theo đó, những trường hợp dôi dư được hỗ trợ thêm mỗi năm công tác trợ cấp bằng 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc. Dự kiến, TP.HCM dành khoảng 120 tỷ đồng để chi trả khoản chế độ trợ cấp này.
“Nhìn chung, những người hoạt động không chuyên trách ở các phường tại TP.HCM có cường độ làm việc và đảm nhiệm khối lượng công việc không khác biệt so với cán bộ, công chức phường. Nhiều cán bộ dôi dư có trình độ cao, thậm chí là thạc sĩ. Nếu các quận huyện tổ chức thi tuyển công chức phường, các cán bộ không chuyên trách có nhiều cơ hội trở thành công chức. Tất nhiên, còn phụ thuộc nhiều vào năng lực, trình độ,…của mỗi người”, đại diện sở Nội vụ TP.HCM nhận xét.
Cán bộ không chuyên trách cấp xã, theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP, gồm: Phó công an (nơi chưa có lực lượng công an chính quy); phó chỉ huy trưởng quân sự; cán bộ lao động - thương binh và xã hội; cán bộ dân số - gia đình và trẻ em; thủ quỹ - văn thư - lưu trữ; cán bộ quản lý nhà văn hóa; phó chủ tịch Ủy ban MTTQ; chủ tịch hội Người cao tuổi; chủ tịch hội Chữ thập đỏ...
Còn theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP, đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn loại 1 sẽ có tối đa 14 người hoạt động không chuyên trách, đơn vị loại 2 là tối đa 12 người và đơn vị loại 3 là tối đa 10 người.
Mục tiêu của quy định mới là góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương; giảm được gánh nặng của ngân sách Nhà nước; tăng mức thu nhập, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách,…
Hà Nhân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/tp-hcm-giam-2-300-can-bo-khong-chuyen-trach-trach-nhiem-tang-cong-viec-nhieu-hon-a1642.html