Chậm bàn giao mặt bằng để hoàn thiện dự án
Trong báo cáo, Kiểm toán nhà nước đánh giá UBND TP.HCM, các sở ban ngành, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện, điều hành quản lý dự án, bước đầu đã hoàn thành các công trình, hạng mục theo hồ sơ thiết kế được duyệt trong phạm vi mặt bằng đã được giao cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra các dự án vẫn còn có một số tồn tại như: công tác giải phóng mặt bằng chậm so với cam kết, chậm hoàn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo cam kết hợp đồng BT (hình thức đầu tư xây dựng và chuyển giao); khối lượng đã hoàn thành hơn 60% giá trị hợp đồng nhưng chưa được các bên có liên quan hoàn thiện thủ tục để cơ quan nhà nước xác nhận giá trị hoàn thành thanh toán hợp đồng BT theo định kỳ 3 tháng một lần…
Tính đến tháng 2/2020, vẫn còn 12.880 m2 vướng giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là bờ quận 1 chưa di dời hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.
Toàn cảnh bán đảo Thủ Thiêm.
Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận 1, 2, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, sớm bàn giao cho nhà đầu tư thi công hoàn thành các dự án BT.
Suất đầu tư không hề cao so với suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013
Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với dự án 4 tuyến đường chính, tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12.182 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 6.500 tỷ đồng, thiết bị là 24,5 tỷ, quản lý dự án 28,3 tỷ, chi phí đầu tư xây dựng 278 tỷ, chi phí khác 117 tỷ, chi phí lãi vay 2.111 tỷ, dự phòng do trượt giá 1.805 tỷ đồng… Trong đó, hợp đồng mà UBND TP.HCM ký với Công ty Đại Quang Minh có tổng mức đầu tư 8.265 tỷ đồng, không tính lãi vay và dự phòng trượt giá.
Theo đó, sau khi kiểm toán cho thấy chi phí xây dựng 6.500 tỷ trong tổng mức đầu tư, gồm các các hạng mục: san nền (187 tỷ đồng); xử lý nền 2.116 tỷ đồng; nền mặt đường 553 tỷ; xây 10 cầu tốn 2.008 tỷ; hạ tầng kỹ thuật 1.430 tỷ…
Qua so sánh suất đầu tư tại Mục 1, Chương 4, Quyết định số 634 của Bộ Xây dựng, Kiểm toán nhà nước cho biết: “đối với đường giao thông cấp I (tuyến R1) và đường giao thông cấp II (tuyến R2, R3, R4) thì chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013 (tổng chi phí các hạng mục trong tổng mức đầu tư của dự án chưa được đề cập trong suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 3.860 tỷ đồng chiếm 60,12% và các hạng mục giao thông của dự án so với suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 2.561 tỷ đồng chiếm 39,88% trong chi phí xây dựng của TMĐT (nền, mặt đường 552,6 tỷ đồng; cầu 2.008 tỷ đồng)”.
Cầu Thủ Thiêm 2 bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng.
Trước đó, tại Kết luận 1037 ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm tổng mức đầu tư hơn 1.519 tỷ đồng cho toàn bộ dự án này, trong đó chi phí dự phòng do chênh lệch mức lương là hơn 634 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó dự án không sử dụng phần kinh phí này nên UBND thành phố không thanh toán cho nhà đầu tư. Phần chi phí này sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án hoàn thành.
Kiểm toán Nhà nước đã xác định TP.HCM có thiếu sót trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án xây dựng 4 tuyến đường chính, vì không kịp thời cập nhật để tính lại chi phí dự phòng trượt giá làm tăng tổng mức đầu tư chưa đúng 350,91 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định khoản chi phí này đã được loại trừ ngay trong tổng mức đầu tư của hợp đồng BT theo cơ chế thanh toán đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1909 và được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Văn bản số 17463 nên không ảnh hưởng đến việc cân đối thanh toán khi ký hợp đồng BT và giá trị quyết toán dự án hoàn thành.
Ngoài ra, kết luận trước đó của Thanh tra Chính phủ có đề cập đến phần khảo sát không kỹ dẫn đến tăng chi phí đầu tư xử lý nền đất yếu 481,3 tỷ. Trong khi đó, Kiểm toán cho rằng việc lập tổng mức đầu tư thì chi phí xây dựng được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế cơ sở. Các khối lượng khác dự tính và giá xây dựng phù hợp với thị trường theo quy định tại Nghị định 112/2009.
Đề xuất giảm 274 tỷ đồng ở dự án 4 tuyến đường
Tại phần kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu UBND TP.HCM quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc kịp thời thanh toán theo cam kết của Hợp đồng BT đối với giá trị nhà đầu tư đã thực hiện hoàn thành theo nguyên tắc cơ chế, phương thức thanh toán của dự án, điều khoản thanh toán của hợp đồng.
Đồng thời hoàn thiện phụ lục hợp đồng BT trình phê duyệt làm cơ sở ký kết hợp đồng BT điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý để bán giao các đoạn đường của tuyến R2, R3, R4 đã đưa vào khai thác để xác định thời gian bảo hành và thực hiện quản lý, duy tu theo quy định.
Đối với dự án 4 tuyến đường, giá trị khối lượng hoàn thành của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là 3.007,5 tỷ đồng nhưng Thành phố mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư tương ứng giá trị 1.841,4 tỷ đồng.
Đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2 đến nay khối lượng hoàn thành của dự án đã đạt hơn 60% giá trị nhưng nhà đầu tư chưa được xác nhận khối lượng và giá trị để thực hiện việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chậm thanh toán theo Kiểm toán Nhà nước có thể dẫn đến phát sinh chi phí của dự án theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết.
Còn tại dự án 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm, cơ quan kiểm toán đề nghị điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng đối với khối lượng không thực hiện của các gói thầu gần 255 tỷ đồng; giảm thanh toán chi phí các gói thầu hơn 17,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại của các gói thầu hơn 1,6 tỷ đồng. Tổng số chi phí phải cắt giảm thanh toán của dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 274 tỷ đồng.
PV
Link nội dung: https://doisongnet.vn/cong-bo-ket-luan-kiem-toan-du-an-bt-o-thu-thiem-kien-nghi-xu-ly-loat-van-de-a1921.html