Là chủ nhiệm đề tài phát hiện ra 38 tuyến đường tại TP.HCM đặt tên không chính xác, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân chỉ biết thông tin Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề xuất đổi tên đường khi đọc báo.
“Rất là mừng”, bà Trân nói nhưng nữ tiến sĩ không hiểu vì sao đề tài đó đã nghiệm thu 4 năm, đến giờ mới công bố.
Đề án "Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng đến năm 2020" do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển thực hiện. Công trình khoa học này được hoàn thành và nghiệm thu từ năm 2016 nhưng đến nay mới chính thức được đưa vào áp dụng.
Không ngạc nhiên khi phát hiện 38 tuyến đường bị đặt tên sai, bà Trân cho rằng nguyên xuất xuất phát từ việc TP.HCM quá rộng lớn (hơn 2.000 km2) và việc đặt tên được tiến hành qua nhiều thời kỳ khác nhau, theo những tiêu chí riêng.
Trong 3 năm, từ 2013 đến 2016, nhóm của bà đã rà soát 1.389 tên đường khắp thành phố, tham chiếu với từ điển nhân vật, từ điển bách khoa và nhiều chứng cứ lịch sử. “Mình biết là không đúng nhưng phải đưa ra chứng cứ, bằng chứng có tính xác thực mới được”, nữ tiến sĩ cho hay.
Tuyến đường mang tên gọi Trần Khắc Chân (tên đúng là Trần Khát Chân) từ năm 1955 đến nay. Ảnh: P.T. |
Với những tên đường gây tranh cãi, nhóm phải mở các buổi hội thảo học thuật, họp nhóm chuyên gia và tranh luận để xác định đúng - sai.
Ví dụ trường hợp đường Kha Vạng Cân, nhóm phải tìm được giấy tờ tùy thân có hình và tên của nhân vật lịch sử này để chứng minh Kha Vạn Cân là tên sai. Tên tiếng Hán, tiếng Pháp thì phải tra từ điển và hỏi chuyên gia Hán ngữ, Pháp ngữ.
Hay với tên đường Raymondienne - người phụ nữ đã nằm vắt ngang thân qua đường sắt nhằm đấu tranh chống Pháp tái xâm lược Việt Nam - nhóm phải liên hệ trực tiếp với người phụ nữ này bên Pháp để xin hình ảnh chứng minh tên đúng của bà là Raymonde Dien.
Trước ý kiến cho rằng nên hạn chế đổi tên đường để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tiến sĩ Trân không tán đồng. Bà cho rằng ý nghĩa của việc đặt tên đường là nhằm tôn vinh nhân vật hoặc thời kỳ lịch sử, do đó không nên giữ lại những cái tên sai.
“Nếu muốn con người Việt Nam sống trong sử Việt Nam thì phải cho người dân thấy một lịch sử chính xác. Đó là tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật, sự chính xác và khoa học”, nữ tiến sĩ khẳng định.
Cũng trong đề án này, bà Trân đề xuất có thể sử dụng gần 2.000 hải đảo của Việt Nam hay tên của 900 bà mẹ Việt Nam anh hùng để đặt tên đường. Ngoài ra, thành phố có thể dùng cả các mỹ từ như: Hạnh phúc, Độc lập, Tự do… để quỹ tên đường phong phú hơn.
Trong 38 tuyến đường được xác định đặt tên không chính xác, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chỉ đề xuất thành phố chỉnh sửa tên 19 tuyến đường. Nửa còn lại được giữ nguyên nhằm tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân. Đây là nhóm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ, lệ húy hoặc tên khác của nhân vật lịch sử.
Quyết định này một phần dựa trên góp ý của Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, đặc biệt là nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, về đề án trên.
Theo đó, việc điều chỉnh một số tên đường là không cần thiết, gồm Hà Tôn Quyền (tên hiện tại) - Hà Tông Quyền (tên đề xuất đổi); Trần Nhân Tôn (tên hiện tại) - Trần Nhân Tông (tên đề xuất đổi); Tôn Đản (tên hiện tại) - Tông Đản (tên đề xuất đổi); Lê Thánh Tôn (tên hiện tại) - Lê Thanh Tông (tên đề xuất đổi).
Lê Văn Duyệt là con đường mới nhất được đổi tên ở TP.HCM. Ảnh: Quang Huy. |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, đây là những cái tên được đọc theo lệ kỵ húy của Nhà Nguyễn. Một số từ bị đọc trại đi do kiêng kị trong xã hội giai đoạn trước, ví dụ như chữ “vũ” đổi thành “võ” do Chúa Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương”.
Nhà nghiên cứu này cho rằng việc đổi tên đường như trên là không cần thiết bởi sự khác biệt giữa hai cái tên không làm sai nghĩa gốc của từ. Đồng thời, cách đọc này được xem là đặc trưng văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung, nơi gắn liền với công lao của triều Nguyễn.
Ngoài ra, việc điều chỉnh tên đường sẽ gây ra những nhiêu khê hành chính bởi thành phố sẽ phải thay đổi nhiều tên đường, địa danh hành chính, ví dụ như phải thay đổi các từ Tông - Tôn; Thì - Thời; Nhậm - Nhiệm; Vũ - Võ; Châu - Chu; Chính - Chánh; Phúc - Phước; Cảnh - Kiểng…
Với đề xuất đổi tên Lê Đại Hành thành Lê Hoàn, Hội Khoa học Lịch sử cũng nhận định không cần thiết vì 2 cái tên đều không sai sử sách.
Còn với đề xuất đổi tên đường Nguyễn Siêu thành đường Nguyễn Văn Siêu, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho rằng đây là 2 nhân vật lịch sử khác nhau. Cụ thể, Nguyễn Văn Siêu là nhà thơ, nhà văn hóa thế kỷ XIX; còn Nguyễn Siêu là một sư quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân ở thế kỷ X.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã báo cáo UBND thành phố về 38 tuyến đường được đặt tên không chính xác. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao chia 38 tuyến đường đặt tên không chính xác làm 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 5 đường có nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND TP.HCM. Nhóm thứ 2 gồm 6 tên đường sai họ tên nhân vật lịch sử do quyết định của UBND TP.HCM.
Nhóm thứ 3 gồm 8 tuyến đường được đặt tên không chính xác với họ, tên nhân vật lịch sử. Với 3 nhóm này, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất thực hiện đổi tên đường theo đúng nhân vật lịch sử.
Nhóm cuối cùng gồm 19 tuyến đường được đặt tên theo phương ngữ và lệ kỵ húy, hoặc đặt theo tên khác của nhân vật lịch sử. Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất giữ nguyên nhóm này để tránh xáo trộn, thay đổi tên đường, ảnh hưởng đến người dân.
Thu Hằng
Link nội dung: https://doisongnet.vn/vu-dat-sai-ten-38-duong-o-tp-hcm-sua-de-ton-trong-lich-su-a2095.html