Dấu ấn huyền tích
Tiếp tục tìm đến đền Voi Phục - trấn Tây của kinh thành Thăng Long xưa, chúng tôi gặp chủ nhang Nguyễn Trọng Tuân (66 tuổi) - người trông nom thường xuyên ở đền được gần 10 năm.
Ông cho hay: “Đền Voi Phục thờ nhân thần - hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thánh Tông và bà thứ phi thứ chín, tên thường gọi là Hạo Nương. Hoàng tử đã có công lớn trong việc đánh dẹp giặc Tống. Sau khi mất, vua ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần cai quản phía Tây để giữ bình yên kinh thành Thăng Long xưa và truyền cho tất cả những nơi Linh Lang đã đi qua lập đền thờ để tưởng nhớ công lao. Đến nay, có 269 nơi thờ Linh Lang Đại Vương”.
Thế nhưng, trong tất cả nơi thờ thần, đền Voi Phục là nơi quan trọng hơn cả bởi vì khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ) là nơi Linh Lang Đại Vương sống cùng mẹ trong những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi thần hóa. Và đền Voi Phục là một trong Thăng Long tứ trấn cùng đền Bạch Mã, đền Quán Thánh và đền - đình Kim Liên.
Đền thờ Linh Lang Đại Vương nhưng lại được gọi là đền Voi Phục. Lý giải về điều này, ông Tuân cho hay: “Tương truyền, khi giặc xâm lược nước ta, nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi chiêu mộ người tài. Khi sứ giả đi đến khu Thị Trại, hoàng tử ra gặp sứ giả và nhờ sứ giả về tâu với vua chuẩn bị một cờ hồng cán dài mười trượng và một con voi chiến. Sứ giả về tâu, vua cấp cho đủ những thứ hoàng tử yêu cầu và thêm hơn năm nghìn binh lính. Hoàng tử Linh Lang hô một tiếng con voi tự phục dưới chân để ngài cưỡi lên lưng ra đánh trận. Đánh thắng giặc, hoàng tử không nhận bổng lộc vua ban mà về Thị Trại. Sau đó ít lâu, hoàng tử lâm bệnh và hóa tại đó. Nhà vua truy phong hoàng tử làm Linh Lang Đại vương, cho thờ ngay tại Thị Trại, đổi tên Thị Trại thành Thủ Lệ và xuống chiếu cho người dân làng được hưởng Hộ nhi sở tại - tức là miễn phu phen, tạp dịch muôn đời để chuyên tâm thờ phụng Linh Lang Đại vương.
Vua cho xây đền thờ Linh Lang Đại Vương, trong đền có tượng hai con voi nằm phủ phục ở ngoài cổng theo thần tích, chính vì vậy người dân gọi là đền Voi Phục”.
Tiếp lời chủ nhang, ông Phạm Văn Hải (73 tuổi) - Trưởng ban Ban quản lý di tích đền Voi Phục kể thêm: “Đền Voi Phục được xây dựng năm 1065 đời vua Lý Thánh Tông trên một khu gò cao thuộc vùng đất Thị Trại - một trong người ba làng trại ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Đền nằm trên gò long thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút sang Đông. Đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương.
Ý nghĩa này càng được khẳng định với những đầm hồ nối tiếp làm nền cho gò Lớn, gò Đất, gò Nhót, gò Đầm Tràng, Núi Trúc, Núi Rùa, Núi Bò…
Người xưa thường cho rằng đó là hình thức tượng trưng khắp nơi chầu về điện Thánh. Để vào bên trong đền, mọi người sẽ đi qua cổng tứ trụ, hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục. Hiện nay, ngoài cổng tứ trụ đó còn xây thêm nghi môn tứ trụ sát với đường lớn”.
Chiêm ngắm đôi voi chầu phục xong, ông Hải tiếp tục dẫn chúng tôi qua con đường dài gần trăm mét dẫn vào trong đền.
“Đền Voi Phục được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” hoành tráng. Tiền đường ba gian, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiên có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Ở trung đường đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ. Tiếp đến, ở vị trí cao nhất chính giữa hậu cung là pho tượng Linh Lang Đại vương. Phía trước pho tượng là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Theo lời tương truyền của người đời, vết lõm của hòn đá là do Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long. Song, thực ra đây là một hòn chân tảng đá mài, có thể là chứng tích kiến trúc còn lại của thời Lý, một xác nhận về vị trí của trấn Tây thành Thăng Long.
Hai bên hòn đá là tượng 2 vị phụ tá đứng chầu. Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy”, ông Hải cho hay.
Gìn giữ, bảo tồn trấn thiêng phía Tây kinh thành Thăng Long
Theo lời ông Hải, đền Voi Phục trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. “Năm 1946, đền bị giặc Pháp phá hủy, đốt cháy chỉ còn hai bức tượng đồng. Đến năm 1952, đền được phục dựng lại trên nền móng cũ. Đến năm 2000, TP. Hà Nội khởi công tu sửa, hoàn chỉnh kiến trúc tổng thể khu di tích đền Voi Phục. Đến năm 2009, đền Voi Phục một lần nữa được trùng tu tôn tạo để hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hiện tại, đền Voi Phục đang bị xuống cấp nghiêm trọng khu nhà đại bái. Khu nhà bị đổ xiêu về hướng Tây nên trước mắt đã cho làm chống sập khẩn cấp. Ban di tích đền kết hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch trùng tu lại toàn bộ khu đền nhưng để từ giờ đến khi trùng tu lại và đi vào thực hiện sẽ mất 1, 2 năm bởi kế hoạch trùng tu dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025”, ông Hải cho biết.
Dù có những nơi bị xuống cấp nhưng đền Voi Phục vẫn giữ nguyên vẻ uy nghi chốn linh thiêng. Mái đền được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Trước sân tiền tế có nhiều bậc đá khá cao dẫn xuống một cái giếng hình bán nguyệt hay còn gọi là giếng ngọc (trước khi tu sửa giếng có hình vuông) - nơi xưa kia lấy nước cúng.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, biến đổi của thời gian, các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, di tích đền Voi Phục vẫn luôn là một đền thiêng trấn phía Tây kinh thành Thăng Long. Ngoài ý nghĩa trấn yểm, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa luôn được bình yên, đền còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau xuyên suốt dòng chảy tín ngưỡng dân gian và đã trở thành vẻ đẹp của Hà Nội cần được giữ gìn và bảo tồn.
Hằng năm, vào ngày 9 và 10/2 Âm lịch, người dân trong vùng cùng du khách thập phương về đền tham gia lễ hội, cầu bình an, tiền tài, danh vọng.
Phong Linh - Hữu Thắng
Link nội dung: https://doisongnet.vn/tu-tran-thang-long-ky-3-huyen-bi-vi-nhan-than-va-nhung-dieu-it-biet-a2756.html