Ai phá vỡ hợp đồng?
Sáng 15/12, TAND quận 10, TP.HCM tiếp tục xét xử vụ kiện “tranh chấp hợp đồng dịch vụ” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hưng và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Theo hồ sơ, Grab cho rằng tài xế đối tác là Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần vi phạm Bộ Quy tắc ửng xử về tỉ lệ huỷ cuốc nên tiến hành khoá tài khoản của ông Hưng.
Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Hưng khởi kiện, cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử Grabcar do Grab tự ý ban hành đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vi phạm về quyền của các chủ thể giao kết hợp đồng vận tải để thực hiện hành vi ép buộc đối tác thực hiện các nghĩa vụ do Grab đơn phương áp đặt.
Phía nguyên đơn cho biết, Grab đã tự ý thay đổi Bộ Quy tắc ứng xử nhiều lần mà không thảo luận với đối tác, không có căn cứ, tự ý sửa đổi tuỳ tiện.
Ông Hưng nhìn nhận, Grab vi phạm nghiêm trọng quyền từ chối vận chuyển của đơn vị vận tải, tài xế được quy định trong luật Giao thông đường bộ. Do đó, việc Grab tự ý đưa tỷ lệ huỷ cuốc xe tối đa làm căn cứ chấm dứt dịch vụ kết nối là sai thẩm quyền, trái pháp luật.
“Grab nhiều lần vi phạm luật Giao dịch điện tử, tự ý thay đổi dữ liệu, công thức tính toán trên ứng dụng. Hệ thống Grab đã nhiều lần xảy ra lỗi, kết quả tính toán không chính xác”, ông Hưng nói.
Bên nguyên đơn nhìn nhận rằng, phía Grab đơn phương khóa tài khoản của đối tác tài xế là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tài xế.
Vì thế, ông Hưng đề nghị TAND quận 10 buộc Grab phải thực hiện kết nối lại tài khoản của ông Hưng trên ứng dụng gọi xe.
Thứ hai, loại bỏ căn cứ vi phạm tỷ lệ huỷ cuốc xe ra khỏi Quy tắc ứng xử Grabcar nhằm đảm bảo tài xế được quyền từ chối vận tải theo quy định của luật Giao thông đường bộ 2008.
Thứ ba, buộc Grab phải bồi thường khoản thiệt hại là toàn bộ thu nhập trong 6 tháng, mà đáng lẽ nguyên đơn có được nếu Grab không đơn phương ngắt kết nối là hơn 92,4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bên nguyên đơn cũng yêu cầu Grab cung cấp chứng từ như hoá đơn thuế, biên lai đóng tiền hộ từ tháng 1 năm 2018 đến ngày 14/11/2018.
Dấu hỏi về sự can thiệp vào phần mềm
Tại phiên xét xử sáng 15/12, luật sư Hà Hải (đoàn Luật sư TP.HCM) đại diện cho phía bị đơn (công ty Grab Việt Nam) khẳng định, các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ.
Cụ thể, luật sư Hải nhấn mạnh, Bộ Quy tắc ứng xử là một phần trong hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác tài xế. Khi có yêu cầu gọi xe từ khách hàng, trên phần mềm của tài xế sẽ hiện giao diện để tài xế có quyền lựa chọn có nhận cuốc xe hay không.
Vì thế, không hề có sự áp đặt từ Grab đối với tài xế.
Luật sư Hải cũng phân tích, các chứng cứ phía nguyên đơn trình bày là không có cơ sở pháp lý, không đúng thủ tục quy định.
“Grab không có nghĩa vụ phải bồi thường cho ông Hưng vì thực tế không có thiệt hại. Ông Hưng vẫn tìm được công việc khác sau khi dừng hợp tác với công ty Grab Việt Nam”, luật sư Hải nêu rõ.
Ngoài ra, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Grab cũng cho rằng, cách tính bồi thường của nguyên đơn là không có căn cứ.
Vì lẽ, trung bình thu nhập trong thời gian hợp tác, mỗi ngày ông Hưng nhận được khoảng 200 nghìn đồng. Thế nên yêu cầu đòi bồi thường, tính ra khoảng 1 triệu đồng/ngày là không hợp lý.
Đáng chú ý, vào phiên xét xử trước đó ngày 1/12, phía Grab khẳng định phần mềm của Grab không có ai can thiệp, đều là tự động. Dữ liệu tỷ lệ huỷ cuốc của ông Hưng vượt quá quy định nên tài xế bị khóa tài khoản là hoàn toàn chính xác.
Thế nhưng trong phiên tòa sáng 15/12, cũng chính đại diện của Grab nói rằng “phần mềm có sự điều chỉnh để đảm bảo chính sách cho toàn hệ thống”.
Mâu thuẫn vì tài liệu không khớp nhau
Ngược lại, người đại diện pháp lý cho ông Nguyễn Văn Hưng là luật sư Nguyễn Đào Tơ (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã đưa ra nhiều câu hỏi sắc bén đối với đại diện của công ty Grab Việt Nam tham dự phiên tòa.
“Dựa vào các tài liệu mà phía Grab gửi đến HĐXX, tôi nhận thấy có nhiều mâu thuẫn. Trong tờ tự khai, phía Grab cho biết ông Hưng đã hủy 36 cuốc xe. Nhưng trong bảng thống kê được Grab in sao từ phần mềm chỉ là 33 cuốc. So sánh kỹ hơn từng cuốc, tôi còn phát hiện có 10 cuốc xe không giống nhau giữa 2 tài liệu”, luật sư Tơ chỉ ra.
Nữ luật sư còn chất vấn phía bị đơn, rằng phần mềm Grab có phát sinh lỗi hệ thống hay không. Sau phần trả lời chung chung, người đại diện công ty này phải thừa nhận là có.
Luật sư Tơ tiếp tục hỏi: “Vì sao các tài liệu sao chụp tỷ lệ hủy cuốc của ông Hưng do Grab trích xuất từ phần mềm để gửi đến HĐXX là không lập vi bằng thừa phát lại hay đóng con dấu công ty”. Phía Grab trả lời rằng “không cần thiết vì tài liệu vẫn ở trên hệ thống chứ có mất đâu”.
Bên cạnh đó, phía nguyên đơn còn gay gắt khi đề cập đến trách nhiệm của hợp tác xã vận tải.
“Các anh nói rằng tài xế có quyền khiếu nại. Nhưng khi xảy ra sự việc, các anh ra một văn bản để nói rằng mình không liên quan đến tranh chấp giữa tài xế và ứng dụng. Như vậy là vô trách nhiệm với thành viên của mình”, luật sư Tơ chia sẻ.
Đại diện VKSND quận 10 nêu quan điểm: “Chứng cứ các bên đưa ra chưa đầy đủ, hợp lý. Cả bên nguyên đơn lẫn bị đơn đều chưa đảm bảo tính chính xác của tài liệu chứng minh tỷ lệ hủy cuốc trong lúc thực hiện hợp đồng hợp tác”.
Vì thế, phía VKSND quận 10 đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa để thực hiện giám định chứng cứ để làm rõ nguồn gốc, tính chính xác của các tài liệu.
Chủ tọa phiên tòa cũng đồng ý với nhận định đó. HĐXX quyết định tạm dừng, phiên tòa sẽ mở lại vào sáng 12/1/2021.
Nguyễn Thành Nhân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/vu-tai-xe-kien-grab-vi-bi-khoa-tai-khoan-bat-dong-chung-cu-trinh-toa-a2836.html