Nhức nhối tệ nạn
Trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, chúng tôi vượt gần 300 km từ TP.Vinh lên xã Hữu Kiệm, huyện biên giới Kỳ Sơn. Khác với tưởng tượng, các ngả đường vào bản đã được đổ bê tông sạch sẽ, mọi người đang chuẩn bị đón năm mới.
Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm - cho biết, trước đây địa phương là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. “Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 8 km và nằm ngay trên Quốc lộ 7A, nhưng năm 2011 tỉ lệ hộ nghèo của xã lên đến 72%”, ông Lượng nói.
Một trong những nguyên nhân là do tổng diện tích tự nhiên của xã có gần 7.600 ha thì chủ yếu là đồi núi. Dân số toàn xã có 1.072 hộ với 4.893 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Khơ Mú, Mông, Kinh, Thái cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Khơ Mú và Thái đã chiếm 88,32% dân số. Nhân dân chủ yếu sinh sống bằng lao động nông nghiệp và các ngành nghề dịch vụ nhỏ lẻ.
Bởi vì quá khó khăn, nhận thức lại hạn chế nên ngay tại xã Hữu Kiệm đã xuất hiện tình trạng phụ nữ mang thai bị một số kẻ lừa đưa sang Trung Quốc sinh xong rồi bán. Ban đầu chỉ xuất hiện vài trường hợp ở bản Đỉnh Sơn 1, sau đó lan dần đến Đỉnh Sơn 2, Huồi Thợ và nhiều xã khác trên địa bàn huyện. “Không ít người mẹ thiếu tình mẫu tử, bán con chỉ vì cần tiền. Họ đưa ra cái lý vì nghèo đói, không đủ ăn, nhưng thực ra họ muốn đổi đời, sắm xe máy, làm nhà chứ không hẳn chỉ muốn có cái ăn. Phần nữa, những đối tượng dụ dỗ bảo bán cho người khác nuôi những đứa con ấy sẽ có cuộc sống tốt hơn nên người mẹ tin”, ông Lượng nói.
Trung tá Lô Văn Thao - Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn -cho biết thêm, vào năm 2018, riêng tại Hữu Kiệm, qua thống kê có ít nhất 22 phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán con. Vào cuộc điều tra, khởi tố nhiều đối tượng cầm đầu đường dây, cùng với sự phối hợp, vận động của nhiều ban ngành thì đến năm 2020 tình trạng này đã giảm mạnh. “Ý thức của nhiều phụ nữ ở đây cũng đã có tiến bộ. Từ đầu 2020 đến nay, tình hình còn đỡ hơn do dịch bệnh xảy ra, biên giới được phong tỏa chặt. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang hết sức cảnh giác, bởi chưa ai dám khẳng định nạn bán bào thai qua biên giới đã đến hồi kết thật sự”, Trung tá Thao nói.
Điều đáng nói, người dân buôn bán bào thai với mục đích để kiếm tiền, thế nhưng trong thời gian ngắn sau khi trở về thì đã tiêu hết toàn bộ. Cái đói cái nghèo tiếp tục trở thành vòng xoáy luẩn quẩn bám riết lấy họ. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Kiệm phải đặt việc thay đổi ý thức người dân lên hàng đầu. Khi phát hiện ra những trường hợp buôn bán bào thai, huyện, xã đã họp lên phương án tìm mọi cách ngăn chặn. Lực lượng công an địa phương phối hợp cùng cán bộ được cử đến giám sát rất chặt chẽ từ khi thai phụ mang thai ở tháng đầu cho đến khi sinh. Nhiều người có dấu hiệu muốn đi bán con là công an sẽ đến để kiểm tra và tuyên truyền.
Nói thêm về việc này, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết: “Để thay đổi nhận thức của người dân, chúng tôi đã phân công các cán bộ trực tiếp phụ trách từng bản, để “cầm tay chỉ việc”. Quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, tất cả thành viên bất chấp địa hình hiểm trở, thường xuyên bám cơ sở để nắm bắt và kịp thời phát huy lợi thế, khắc phục tồn tại, khó khăn. Từ đó, địa phương đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản”.
Xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới
Vui vẻ nói về cuộc sống hiện nay, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết diện mạo nông thôn ở đây đã được nâng lên tầm mới, khang trang, xanh - sạch - đẹp hơn. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 72.8% (năm 2010) xuống còn 4,66% (quý I/2020); 7/9 bản đạt bản văn hóa, 3 bản được huyện công nhận bản nông thôn mới.
“Đến nay, hệ thống giao thông từ đường xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Các công trình phúc lợi trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng khang trang. Chúng tôi tự hào khi Hữu Kiệm là xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn cán đích nông thôn mới”, ông Nguyễn Hữu Lượng nói.
Ông Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn - cho biết thêm, không giống như các địa phương khác, đối với huyện Kỳ Sơn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên do bởi hầu như các xã nơi đây đều có xuất phát điểm rất thấp. Vì vậy, ban Thường vụ huyện ủy xác định không phát triển ồ ạt mà chọn các xã điển hình để tập trung. “Hữu Kiệm là xã điển hình trong việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân và sự chung tay của toàn xã hội để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nhìn lại để thấy rằng, tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Hữu Kiệm đã được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia và trở thành phong trào quần chúng sôi động, mạnh mẽ, lan tỏa đến tận từng người, từng nhà…”, ông Hòe nói.
“Tuy là xã đặc biệt khó khăn, nhưng sau chặng đường gần 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Hữu Kiệm đã chính thức trở thành xã đầu tiên của huyện biên giới Kỳ Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Kỳ Sơn nói chung và xã Hữu Kiệm nói riêng”, ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nghệ An nói.
Nguyễn Anh Ngọc
Link nội dung: https://doisongnet.vn/buoc-chuyen-minh-noi-tung-la-diem-nong-buon-ban-bao-thai-a2948.html