Xử lý cán bộ vi phạm Luật tố cáo: “Bảo kiếm” đã có mà họ sợ đâu…

Nghị định 31/NĐ–CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, thể hiện rõ những biện pháp xử lý từ khiển trách, cảnh cáo tới cách chức đối với cán bộ vi phạm Luật tố cáo. Đây dường như là thanh “bảo kiếm” để đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc Luật tố cáo. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, vẫn có những cán bộ tỏ ra coi thường “bảo kiếm”.

 

Việc giải quyết tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các nhân có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình được quy định rõ trong Luật Tố cáo, văn bản hướng dẫn của Nhà nước.

Đây là một nội dung rất quan trọng của mỗi tổ chức, người được giao trách nhiệm phải thực hiện với mục đích bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc thực hiện tốt công tác giải quyết tố cáo còn giúp cho việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, góp phần xây dựng chế độ pháp quyền hướng tới xây dựng nước Việt Nam công bằng, dân chủ và văn minh.

Trên thực tế việc giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, giải quyết chưa thấu đáo gây nên sự bất bình cho người tố cáo và dư luận xã hội

Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết tố cáo còn nhiều hạn chế, như việc các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ giải quyết tố cáo còn né tránh, còn e ngại, đôi khi còn giải quyết chưa thấu đáo, làm sai lệch hồ sơ vụ việc dẫn đến việc giải quyết tố cáo không đúng người, không đúng việc gây nên sự bất bình cho người tố cáo và dư luận xã hội.

Theo luật tố cáo 2008, tại Điều 4, nguyên tắc giải quyết tố cáo phải đảm bảo một số nội dung như sau:

1. Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Ví dụ, trường hợp vợ chồng ông Lê Văn Tâm và bà Nguyễn Thị Dung ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội gửi đơn tố cáo đến UBND xã Thọ An về việc: Ông bà Dung Tâm có một thửa đất ở Cụm 5, xã Thọ An, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Một nhóm người đã công khai chiếm đoạt, xây dựng trái phép trên thửa đất này. Ông bà Dung Tâm gửi đơn tố cáo đến CA huyện Đan Phượng và UBND xã Thọ An từ tháng 5/2020. Phía CA thụ lý đơn đúng quy định và có thông báo chuyển đơn về UBND xã Thọ An giải quyết theo thẩm quyền. Như vậy, ngoài việc CA huyện chuyển đơn, UBND xã Thọ An cũng nhận được đơn tố cáo của công dân từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay UBND xã Thọ An do chủ tịch Nguyễn Trần Quyết đứng đầu, cũng không có thông báo nào tới công dân về việc thụ lý hay không thụ lý đơn, và đến nay cũng chưa ban hành kết luận nội dung tố cáo. Việc này vi phạm nghiêm trọng Luật tố cáo.

Ông bà Dung Tâm gửi đơn tố cáo đến CA huyện Đan Phượng và UBND xã Thọ An từ tháng 5/2020.

Tuy nhiên, từ đó đến nay UBND xã Thọ An  cũng chưa ban hành kết luận nội dung tố cáo

Theo quy định, những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định cụ thể tại Nghị định 31/NĐ–CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành luật Tố cáo.

Theo quy định, những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định cụ thể tại Nghị định 31/NĐ–CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ

Điều 22 Nghị định này nêu rõ hình thức xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo với các hình thức xử lý cụ thể từ khiển trách, cảnh cáo đến cắt chức.

Trong đó, điểm a, Khoản 2 Điều 22 quy định: Kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi “Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo”.

Khoản 3 thì nêu chi tiết việc kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

b) Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;

c) Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

Người đứng đầu UBND xã có dấu hiệu “Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo”

Trở lại vụ việc ở xã Thọ An, người đứng đầu UBND xã có dấu hiệu “Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo”.

Người có trách nhiệm xử lý cán bộ của mình là ông Nguyễn Hữu Hoàng, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng.

Người có trách nhiệm xử lý cán bộ của mình là ông Nguyễn Hữu Hoàng, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng

Cũng cần lưu ý rằng, ngày 4/8/2020, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 92/KL-UBND đối với ông Nguyễn Hữu Hoàng, trong đó kết luận ông Hoàng có vi phạm Luật Tố cáo. Việc này chúng tôi sẽ nêu ở một bài báo khác.

Không hiểu chủ tịch UBND huyện Đan Phượng sẽ áp dụng Nghị định 31 của Chính phủ vào thực tiễn ở địa phương thế nào, quyết liệt và cứng rắn với sai phạm, hay “thông cảm” với cấp dưới vì cùng “cảnh ngộ”?

Lê Thảo

Link nội dung: https://doisongnet.vn/xu-ly-can-bo-vi-pham-luat-to-cao-bao-kiem-da-co-ma-ho-so-dau-a2959.html