Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Thứ hai, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 luật Việc làm 2013; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 luật Việc làm 2013.
Thứ ba, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 luật Việc làm 2013.
Thứ tư, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.
- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Chết.
Đi nghĩa vụ quân sự trong thời gian bao lâu?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo đó, Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 nêu rõ: Thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp sau đây, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ có thể được kéo dài:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Đáng chú ý, thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Đặc biệt, theo quy định tại khoản 2 Điều 43 luật Nghĩa vụ quân sự, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn trong một số trường hợp như:
- Được kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ của Hội đồng giám định y khoa quân sự.
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80%.
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ…
Như vậy, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự thông thường là 24 tháng và có thể kéo dài thêm 6 tháng (đến 30 tháng) trong một số trường hợp như trên.
Trong đó, thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân. Riêng trường hợp không có giao nhận quân tập trung thì thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận cho đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Đi nghĩa vụ quân sự được tính đóng BHXH
Theo điểm I khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự, khi đang phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ BHXH.
Theo đó, Điều 7 Thông tư số 95/2016 của bộ Quốc phòng cũng khẳng định, thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Như vậy, theo quy định này, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian đóng BHXH. Không chỉ vậy, Thông tư này cũng hướng dẫn thêm về chế độ BHXH của người tham gia nghĩa vụ quân sự:
- Trước khi nhập ngũ có thời gian đóng BHXH bắt buộc mà xuất ngũ: Được cộng nối thời gian đóng BHXH trước đó vào thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ BHXH.
- Trước khi nhập ngũ có đóng BHXH bắt buộc, sau đó xuất ngũ và đóng tiếp BHXH: Được cộng thời gian đóng BHXH trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian đóng BHXH sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Như vậy, tổng thời gian tính hưởng BHXH được quy định cụ thể theo công thức sau:
Tổng thời gian tính hướng BHXH = Thời gian đóng BHXH trước khi nhập ngũ + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng BHXH sau khi xuất ngũ
Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
- Ốm đau.
- Thai sản.
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Hưu trí.
- Tử tuất.
Ngoài ra tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP có quy định, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).
Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:
- Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
- Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của bộ luật Lao động.
- Thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương.
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
- Thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của bộ luật Lao động.
Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, thời gian đi nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định. Tuy nhiên, theo các quy định trích dẫn trên thì thời gian đi nghĩa vụ quân sự không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, chỉ khi nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương mới tính đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Hoàng Mai
Link nội dung: https://doisongnet.vn/co-duoc-nhan-tien-tro-cap-that-nghiep-sau-khi-xuat-ngu-a3026.html