Mấy ngày qua, hình ảnh công trình khách sạn Panorama đứng ở vị trí trung tâm dòng Nho Quế, nhìn thẳng xuống vực Tu Sản (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) tiếp tục được cộng đồng mạng chia sẻ sau gần 1 năm “im ắng”. Trong khi UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu phải đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất thì công trình hiện tại lại vẫn có hai tầng nổi trên mặt đất và thêm một tầng áp mái.
Xuất hiện trở lại thành tâm điểm của mạng xã hội thời điểm cuối năm, Panorama được cho là “hoành tráng, bề thế hơn” trước khi có yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.
Chiều 24/12, cục Di sản Văn hoá (bộ VH,TT&DL) đã gửi công văn tới sở VH,TT&DL Hà Giang về vấn đề này. Công văn cho biết, Cục nắm được những thông tin liên quan đến công trình Panorama - Mã Pí Lèng, Cục đề nghị sở VH,TT&DL Hà Giang cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cải tạo công trình nêu trên. Cục Di sản Văn hoá lưu ý việc cải tạo công trình cần thực hiện theo đúng ý kiến của bộ VH,TT&DL (tại Công văn số 414/BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2019) và phương án đã có sự đồng thuận của các cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cũng cho hay: "Công trình Panorama ở Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, việc xử lý thuộc trách nhiệm UBND tỉnh và huyện Mèo Vạc. Trong nhiều văn bản trước đó, Bộ cũng nêu ý kiến về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình không phù hợp cảnh quan thiên nhiên truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ đề nghị Hà Giang cải tạo công trình phù hợp cảnh quan, kiến trúc truyền thống, không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn toàn cảnh của không gian di sản, hài hòa với thiên nhiên, không tác động tiêu cực đến môi trường".
Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cho biết, trong cuộc góp ý kiến chỉnh trang Panorama Mã Pì Lèng hồi tháng 3/2020, các cơ quan quản lý và chuyên gia kiến trúc đều thống nhất quan điểm giữ công trình và cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không kinh doanh lưu trú. “Bộ sớm có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thông tin rõ về công trình sau chỉnh sửa”, ông Trần Đình Thành cho biết.
Hồi đầu tháng 3/2020, bà Vũ Thị Ngọc Ánh, chủ đầu tư công trình khách sạn Panorama, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách. Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoá.
Sau đó, tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học và đồng ý chủ trương cải tạo nhà hàng, thay vì phá dỡ toàn bộ.
Tòa nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay lúc đó công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
"Xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức, công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước", bộ VH,TT&DL nêu quan điểm về công trình này.
Đinh Lạc Thành
Link nội dung: https://doisongnet.vn/bo-vhttdl-len-tieng-ve-khach-san-panorama-o-deo-ma-pi-leng-a3097.html