Cụ thể, qua công tác quản lý địa bàn và nguồn tin báo từ người dân, đội QLTT số 1 phối hợp với phòng Cảnh sát Kinh tế, chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Kiên Giang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Lê Thanh Tâm, địa chỉ: Ấp Đập Đá II, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở đang tổ chức đưa tạp chất agar vào tôm nguyên liệu. Ngay lập tức, đoàn đã làm việc với đại diện hộ kinh doanh và 3 người được thuê trực tiếp bơm tạp chất vào tôm, tất cả đều thừa nhận hành vi vi phạm.
Hiện, Đội QLTT số 1 đang tạm giữ tang vật gồm 79,5 kg tôm nguyên liệu và một số dụng cụ dùng để bơm chích tạp chất vào tôm như kim bơm, máy nén khí. Vụ việc đang được Đội tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.
Đây không phải lần đầu tiên tôm bơm tạp chất agar bị phát hiện. Agar là một trong những chất thường được sử dụng để làm tăng trọng lượng của tôm do nó có giá thành rẻ.
Thực chất, agar là bột thạch để làm thạch. Nó không có độc. Dùng bột agar hòa với nước rồi bơm vào tôm chỉ làm tăng trọng lượng và tôm phồng, trông béo hơn nên bắt mắt hơn, chứ nó không hề có tác dụng làm tôm tươi trở lại.
Tuy nhiên, nếu tôm chết, ươn, hỏng mà được bơm tạp chất để trông tươi ngon hơn rồi người tiêu dùng ăn phải thì ít nhiều cũng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Khi thủy hải sản bị bơm tạp chất, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Cụ thể là: vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả; vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu; vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra, nếu người bán sử dụng các chất bảo quản độc hại như hàn the, ure... thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Người ăn phải có khả năng bị ngộ độc cấp tính. Sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ra rối loạn hoạt động của tuyến giáp, hệ thần kinh...
Tào Đạt
Link nội dung: https://doisongnet.vn/kien-giang-bat-qua-tang-co-so-dang-to-chuc-bom-tap-chat-vao-tom-a3169.html