Thanh Hóa: Vì sao gói thầu 15B không đấu thầu qua mạng?

Bất chấp các quy định về việc đấu thầu qua mạng, UBND thành phố Thanh Hóa vẫn tiến hành thực hiện đấu thầu trực tiếp gói thầu nạo vét gia cố bờ hữu sông Quảng Châu.

Có làm đúng quy định?

Cụ thể, gói thầu xây lắp số 15B – nạo vét và gia cố phía bờ hữu sông Quảng Châu đoạn từ K11+028 đến K11+ 528.3 thuộc dự án Hệ thống tiêu úng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số thông báo mời thầu: 20200878445-00, bên mời thầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 thành phố Thanh Hóa, giá gói thầu 6.940.528.000 đồng, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ do bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Dự án nạo vét gia cố bờ hữu sông Quảng Châu được tiến hành từ năm 2009 nhưng bị bỏ dang dở, khi tiến hành tái khởi động dự án, UBND TP Thanh Hóa đã có tờ trình số 626/TTr-UBND gửi bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)về việc xin điều chỉnh quy mô gói thầu và xin phép Bộ được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế cho gói thầu này.

Xã hội - Thanh Hóa: Vì sao gói thầu 15B không đấu thầu qua mạng?

BQL dự án xây dựng số 2 thành phố Thanh Hóa có làm trái quy định khi triển khai gói thầu số 15B? 

Phúc đáp lại tờ trình của UBND TP Thanh Hóa, NN&PTNT đã có chỉ đạo tại quyết định số 2670/QĐ-BNN-XD ngày 15/7/2020 đồng ý cho thay đổi quy mô của dự án. Tuy nhiên, trong quyết định này bộ NN&PTNT không đồng ý việc đấu thầu bằng hình thức hạn chế mà nêu rõ hình thức lực chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Quy định tại Điều 29, Thông tư 11/2019/TT ngày 16/12/2019 của bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ 01/02/2020 nêu rõ: Từ năm 2020, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Theo đó, tại quyết định số 373/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 01 năm 2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020 trên địa bàn tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và các đơn vị hữu quan phải tổ chức thực hiện việc đấu thầu đúng quy định của pháp luật.

Phớt lờ các quy định nêu trên, ngày 22/09/2020, UBND TP Thanh Hóa vẫn ra quyết định số 7901/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp số 15B nói trên, do ông Lê Mai Khanh - Phó chủ tịch UBND thành phố ký theo hình thức đấu thầu trực tiếp. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Lộc Dương, có trụ sở tại số 99 Trường Thi, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa với giá trúng thầu là 6.927.952.000 đồng.

Bộ lấp lửng nên khó thực hiện?

Để tìm câu trả lời vì sao UBND thành phố Thanh Hóa không thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định? Ngày 22/12/2020 phóng viên có buổi làm việc với ông Cao Hữu Tuệ - Phó Giám đốc BQL dự án xây dựng số 2 thành phố (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án).

Ông Cao Hữu Tuệ cho biết, gói thầu xây lắp, nạo vét bờ hữu sông Quảng Châu được triển khai từ năm 2009 đến năm 2012 thì dừng lại. Cụ thể vì lý do gì thì ông Tuệ không năm rõ, vì thời gian đó không quản lý dự án này. Trong khi, BQL dự án xây dựng số 2 thành phố Thanh Hóa mới được thành lập từ tháng 10/2017.

Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành dự án trong tháng 12/2020 theo chỉ đạo của bộ NN&PTNT, UBND thành phố Thanh Hóa đã đề xuất với bộ NN&PTNT chấm dứt hợp đồng với Công ty Hùng Vinh, là đơn vị thực hiện dự án thời điểm 2009 - 2012.

Xã hội - Thanh Hóa: Vì sao gói thầu 15B không đấu thầu qua mạng? (Hình 2).

Quyết định phê duyệt gói thầu 15B của UBND thành phố Thanh Hóa.

"Ban đầu, Bộ (NN&PTNT-PV) cho phép chỉ định thầu, nhưng do gói thầu trước đó nhiều hạng mục còn dở dang, đơn giá của năm 2009 (3,7 tỷ đồng) điều này khiến các nhà thầu không mặn mà", ông Tuệ thông tin.

Sau khi điều chỉnh quy mô dự án và giá gói thầu cũng được điều chỉnh từ 3,7 tỷ lên hơn 6.9 tỷ đồng, do đó việc đấu thầu hạn chế, hay đấu thầu chỉ định đều không đúng quy định của Luật đấu thầu. Gói thầu này bắt buộc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm tăng tính cạnh tranh, lựa chọn được nhà thầu có chất lượng và tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Biết rõ quy định, nhưng không hiểu vì lý do gì mà BQL dự án xây dựng số 2 thành phố vẫn thực hiện hình thức đấu thầu truyền thống. Lý giải điều này, ông Cao Hữu Tuệ trần tình: "Bộ (NN&PTNT-PV) chỉn chu quá, người ta lấp lửng nên bọn tôi rất khổ vì trong văn bản của Bộ yêu cầu đấu thầu rộng rãi trong nước, nhưng nói gì đến đấu thầu qua mạng hay trực tiếp...".

Với cách biện bạch trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi phải chăng BQL dự án xây dựng số 2 đang cố ý làm trái quy định trong công tác tổ chức đấu thầu, làm mất đi tính cạnh tranh giữa các nhà thầu? Công ty TNHH Lộc Dương trúng thầu sát giá 6.927.952.000 đồng (giá gói thầu là 6.940.528.000 đồng) với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, chỉ tiết kiệm hơn 12 triệu đồng cho ngân sách liệu có khách quan, minh bạch?

Xuân Hân

Link nội dung: https://doisongnet.vn/thanh-hoa-vi-sao-goi-thau-15b-khong-dau-thau-qua-mang-a3224.html