Hàng trăm triệu đồng có nguy cơ mất trắng
Trao đổi với PV, chị Đặng Thi K.E, 37 tuổi, ngụ tại khu phố 5, phường An Bình, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai phản ánh, tháng 10/2019, qua lời giới thiệu của nhân viên kinh doanh bất động sản, chị tới trụ sở công ty Đại Lộc Phát do ông Nguyễn Thành Luân là Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Hoàng Bảo Văn là Giám đốc (tại đường Quốc Chí, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom) để giao dịch mua một mảnh đất (thuộc thửa 25, tờ bản đồ số 14).
Sau khi được tư vấn từ phía công ty, chị đặt cọc 10 triệu đồng để mua đất. Một tháng sau, chị tới công ty Đại Lộc Phát đóng tiếp 130 triệu đồng.
Đến tháng 8/2020, nhân viên công ty Đại Lộc Phát gọi điện cho chị thông báo có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dặn khi đi nhớ mang theo tiền để hoàn tất giao dịch.
Hôm đó, chị đóng thêm 10 triệu đồng còn lại và được nhận một "bìa đất" mang tên Đặng Thị K.E, số CU 266683, thửa đất 113, tờ số 14, diện tích 1314,8m2. Và một bản trích lục và đo tách thửa theo bản đồ địa chính...
Tưởng mọi việc xong xuôi, bất ngờ ngày 21/11, chị nhận được thông báo từ chính nhân viên công ty Đại Lộc Phát cho biết, giấy chứng nhận đồng sở hữu mà chị đang nắm giữ là giấy tờ giả.
Chị gọi điện cho ông Luân nhưng thuê bao tắt máy. Những ngày sau đó, chị tìm tới công ty Đại Lộc Phát, thì phát hiện ra hàng chục người cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Hay như anh Nguyễn Sĩ Luân (ngụ tỉnh Đồng Nai) có giao dịch mua 1 thửa đất của công ty Đại Lộc Phát.
Sau đó, Nguyễn Thành Luân và nhân viên đưa anh tới văn phòng luật sư tại địa chỉ 457A, quốc lộ 1A, xã Đông Hoà, huyện Trảng Bom để giao dịch, làm hợp đồng chuyển nhượng với sự chứng kiến của luật sư Lê Công Chinh.
"Vì tin tưởng vào việc ký kết giao dịch có mặt luật sư nên tôi "xuống tay" chồng đủ 200 triệu đồng cho công ty Đại Lộc Phát.
Thế nhưng, đến tháng 11/2020 tôi như "ngồi trên đống lửa" khi hay tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên tôi (Nguyễn Sĩ Luân) cùng chung 7 người khác , số hiệu CU 266690, thuộc thửa đất 120, tờ bản đồ số 14 mà tôi vừa nhận được vào tháng 10/2020 là sổ giả", anh Luân kể.
Mọi việc được sáng tỏ khi sau nhiều tháng đặt cọc không thấy phía công ty Đại Lộc Phát hoàn tất thủ tục mua bán đất, ngày 13/11, khách hàng Nguyễn Thị Phước và Nguyễn Thị Thúy Hằng tới gặp bà Đ.T. L (nguyên là nhân viên công ty Đại Lôc Phát từng giới thiệu cho khách 2 lô đất thuộc thửa đất trên và đã nghỉ từ giưa năm 2020) để nộp tiền và lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc tờ bản đồ số 11, thửa 537 địa chỉ tại, Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai.
Tại đây, bà L. liên lạc với ông Nguyễn Thành Luân nhưng không được. Sau đó, bà L. liên lạc với ông Trần Hoàng Tuấn (trưởng phòng kinh doanh của Công ty). Ông Trần Hoàng Tuấn trả lời là không biết là ông Nguyễn Thành Luân ở đâu.
Khoảng 13h30 cùng ngày, bà L. tới công ty Đại Lộc Phát gặp khách hàng thì thấy ông Trần Hoàng Tuấn và một người tên Yến (tự xưng là chủ đầu tư) đến giao sổ cho khách hàng và nhận 50.000.000 từ bà Hằng, bà Phước.
Sau đó, bà Hằng và bà Phước nhận 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bà Yến.
Tuy nhiên, do linh cảm có bất thuờng với khách hàng cũ của mình (do ông Luân đột ngột vắng mặt, cũng như cho nhân viên công ty Đại Lộc Phát nghỉ việc và có xã hội đen săn lùng, đòi nợ..) bà L. đề nghị ông Văn (Phó Giám đốc công ty) rà soát lại sổ sách, giấy tờ để giải quyết cho khách hàng.
Từ đó, mọi người phát hiện ra 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên khách hàng Nguyễn Thị Phước và Nguyễn Thị Thúy Hằng bản chính đang do bà Nguyễn Thị Xê lưu giữ.
Còn hai sổ chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Tuấn và bà Yến đưa cho bà Hằng, bà Phước vào ngày 13/11 không biết từ đâu ra.
Thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, sau khi liên hệ điện thoại với ông Luân bất thành, mọi người tìm tới nơi ở của vợ ông Nguyễn Thành Luân và vợ là bà Trần Thị Thu Thắm nhưng cả hai đã đi đâu không rõ.
Do nghi ngờ mấy chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng sở hữu của các thửa đất nêu trên là sổ giả, mọi người họp và thống nhất trình báo cơ quan công an và các cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Chiêu lừa ngoạn mục
Theo tìm hiểu của PV, hiện có hơn 30 khách hàng mua đất của công ty Đại Lộc Phát. Người đóng thấp nhất là 150 triệu đồng/lô và người đóng cao nhất là gần 300 triệu đồng. Điều đáng nói, khách hàng sau khi trả đủ tiền đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả.
Đó là 10 khách hàng mua đất từ việc “phân lô, bán nền” tại thửa đất 113, tờ số 14, tại xã Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai do ông Nguyễn Thành Luân đứng tên.
Để tạo lòng tin cho khách hàng khi thương thảo và ký kết hợp đồng, ông Luân thường đưa khách hàng tới ký hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng luật sư Lê Công Chinh Tại Đông Hòa, Trảng Bom Đông Hòa.
Sau đó ra sổ Đồng sở hữu cho 10 khách hàng, hiện tại khách hàng đã nhận sổ Đồng sở hữu và trích lục của thửa đất đó. Nhưng theo tìm hiểu, hiện sổ đó vẫn mang tên Ông Nguyễn Thành Luân, chủ sở hữu. Ông Luân đã đem thế chấp sổ này cho một người khác từ đầu năm 2020.
Tiếp đến là thửa đất 121, tờ số 14, tại xã Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai do ông Nguyễn Như Khoa (chủ đầu tư) đứng tên, đã ký hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng luật sư Lê Công Chinh, Tại Đông Hòa, Trảng Bom.
Sau đó ra sổ Đồng sở hữu cho 8 khách hàng. Thế nhưng hiện nay sổ Đồng sở hữu đang do bà Nguyễn Thị Xê giữ và sổ đó đã sang tên cho Ông N.V.T vào ngày 9/9 là chủ sở hữu.
Số tờ 14 thửa 119 tại xã Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai do ông Nguyễn Hoàng Bảo Văn đứng tên đã ký hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng luật sư Lê Công Chinh, tại Đông Hòa, Trảng Bom.
Sau đó ra sổ Đồng và ra sổ Đồng sở hữu cho các khách hàng, khách hàng đã nhận sổ Đồng sở hữu và trích lục. Nhưng thực tế hiện nay sổ đó lại mang tên bà Nguyễn Thị Xê đang sở hữu.
“Loạn” hơn nữa là thửa đất 376, tờ 07, tại xã Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai do ông Nguyễn Lương Bằng đứng tên được công ty Đại Lộc Phát ký hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng tại văn phòng luật sư Lê Công Chinh.
Sau đó ra sổ Đồng sở hữu cho khách hàng, còn 1 sổ giao cho chủ đất cũ là ông P.T.N. Thế nhưng giờ không hiểu sao thửa đất này có tới… 3 cuốn sổ. Hai sổ do ông Nguyễn Lương Bằng đứng tên, còn 1 sổ do ông V.Q.H đứng tên. Bản thân ông Nguyễn Lương Bằng cũng không biết được sổ nào là sổ thật.
Ngoài việc làm sổ đỏ giả, Nguyễn Thành Luân và đồng bọn còn nguỵ tạo, làm giả các trích lục lô đất để giao cho khách hàng.
Các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên và trích lục photo mà khách hàng nhận được là giả. Vì đến nay, mỗi một thửa đất nêu trên đều chỉ có 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và do 1 người đứng tên chủ sở hữu.
Làm dư sổ đỏ, chiếm đoạt tài sản
Bên cạnh việc làm sổ giả ở xã Đông Hoà, lợi dụng những kẽ hở của việc cấp sổ đồng sở hữu cho khách hàng, Nguyễn Thành Luân – công ty Đại Thành (trước khi đổi thành công ty Đại Lộc Phát) và chủ đất (chủ đầu tư) còn “ăn gian” làm dư sổ đỏ nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Cụ thể, năm 2019, công ty Đại Lộc Phát (Đại Thành) được uỷ quyền từ chủ đầu tư là bà Cương rao bán một số “lô, nền” đất mà họ tự phân ra từ đất trồng cây, thuộc thửa đất 185 thuộc tờ bản đồ số 26, xã Sông Trầu.
Ban đầu bà Cương là chủ đầu tư đã phân ra 9 lô đất, mỗi lô có diện tích từ 100 m2 trở lên.
Nhận thấy những sơ hở của khách hàng, sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng, quy trình làm sổ chung... Khách hàng không tham gia giám sát, bà Cương đã cùng Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Hoàng Bảo Văn và Đại Thành làm ra 10 cuốn sổ đồng sở hữu cho thửa đất 185 tờ số 26.
Do khi bán và Luân và bà Cương đã làm ra "trích lục" cho từng “lô, nền” nên khi làm dư ra 1 sổ đồng sở hữu. Nhóm người trên đã chọn lô đất số 49 (khu này do nhiều chủ đất chung nhau và phân ra gần 100 lô đã bán gần hết) để cho ông Trần Đình Huế, Trần Thị Đào sở hữu.
Điều đáng nói là lô đất này Nguyễn Thành Luân đã bán cho bà Đào và giao tiền cho bà Cương. (bà Đào nhận được sổ đồng sở hữu thật với 9 người khác và một giấy trích lục photo giả). Vậy mà, giờ bà Cương lại đang đi rao bán lô đất 49 bằng sổ chung do ông Trần Đình Huế đứng tên.
Theo điều tra của PV, việc dư sổ ở xã Sông Trầu với việc sổ giả ở xã Đông Hoà tuy ở 2 vị trí khác nhau, cách thức khác nhau nhưng lại có liên hệ mật thiết giữa công ty Đại Lộc Phát với những người là chủ đầu tư – chủ đất.
Đáng nói, khi ký hợp đồng, nhóm người này thường đưa khách hàng tới văn phòng luật sư Lê Công Chinh ký kết dưới sự chứng kiến của luật sư khiến nhiều người mắc bẫy.
Ngoài ra, để ra sổ chung cho khách hàng, Luân và các đối tượng chủ đất đã dụ khách hàng ký khống, lăn tay khống trên giấy A4 để trống và sau đó đem đi làm hồ sơ.
Trong khi, theo quy định việc chuyển nhượng, ký kết và làm các thủ tục sang tên phải diễn ra ở phòng công chứng có đủ thẩm quyền.
Như vậy, có thể nói văn phòng luật sư ở địa chỉ 457A chính là một trong những địa điểm để Nguyễn Thành Luân giao dịch, giở trò lừa đảo khách hàng và “tiếp tay” cho việc làm ra hơn 30 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả.
Thái Bình (t/h)
Link nội dung: https://doisongnet.vn/lat-tay-chieu-lua-cua-duong-day-phan-lo-ban-nen-va-lam-so-do-gia-a3256.html