Nhiều sinh hoạt bị đảo lộn
Dự án thủy điện Đắk Re được xây dựng trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) do công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư. Thủy điện có công suất thiết kế 60 MW, tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng. Dự án bắt đầu được triển khai xây dựng từ năm 2016 và đến nay vẫn trong giai đoạn hoàn thiện.
Để đơn vị chủ đầu tư triển khai dự án thủy điện Đắk Re, UBND tỉnh Kon Tum đã có 3 đợt thu hồi, chuyển đổi với tổng cộng 109,87 ha đất rừng. Điều mà chính quyền địa phương và người dân đang rất lo ngại, là khi thủy điện vận hành đi vào hoạt động, sẽ khiến nguồn nước tưới, sinh hoạt bị cạn kiệt. Bởi khi vận hành, thủy điện sẽ gom nước từ tỉnh Kon Tum sau đó chuyển dòng để phục vụ nhà máy phát điện tại tỉnh Quảng Ngãi.
Lo lắng về vấn đề này, ngày 4/1, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Đạo - Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu (Kon Plông) - cho biết: “Dự án thủy điện Đắk Re thu gom nước ở từ sông suối ở tỉnh Kon Tum, sau đó chuyển dòng để phục vụ nhà máy phát điện tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ ảnh hưởng đến lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất tại một xã thuần nông là xã Hiếu. Về lâu dài đây là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, quá trình thủy điện thi công khiến hàng chục hộ dân không canh tác được, bởi đất đá vùi lấp hoàn toàn nhiều phần diện tích đất của họ”.
Sáng 4/1, dẫn PV đi trên phần ruộng bị đất đá vùi lấp, bà M. (ngụ thôn 1, xã Hiếu) ngậm ngùi: “Mọi năm thời điểm này, gia đình tôi đang tất bật chuẩn bị cho vụ lúa mới. Tuy nhiên, năm nay, đơn vị thi công thủy điện bỏ ống cống ở giữa suối. Khi lũ về, nước thoát không kịp gây tràn bờ và sạt lở, đất đá vùi lấp không thể sản xuất được”.
Tương tự, ông A Let (ngụ thôn 1) rầu rĩ cho biết, quá trình thi công thủy điện làm nước suối không thoát được, nước chảy đổi dòng và cuốn trôi hơn 1.000 gốc đương quy của gia đình. Nghiêm trọng hơn, đất đai của nhà ông cũng bị nước cuốn trôi hết, không còn đất sản xuất nhưng chưa thấy ai nói gì đến chuyện đền bù thiệt hại. "Không còn đất thì không thể canh tác. Lo nhất là không có cái ăn cho cả gia đình”, ông A Let nói.
Giải pháp đang được nghiên cứu, xem xét
Theo ông Đạo, khi người dân phản ánh, UBND xã đã kiểm tra, đo đếm, xác định có gần 11 ha lúa nước của người dân bị sạt lở. Nhiều vị trí bị cát vùi lấp hoàn toàn, khối lượng đất, cát, đá lớn nhiều nên nhân dân không thể tự khắc phục để canh tác mùa vụ 2021, ảnh hưởng trực tiếp đến 73 hộ dân trên địa bàn. Ngoài diện tích trồng lúa nước, nhiều ao cá, đất rẫy của người dân cũng bị sạt lở hoặc ngập úng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Nghiêm trọng nhất là thôn Kon Plinh ở gần suối Đắk Re bị sạt lở sâu vào tận khu dân cư; điểm trường mầm non, tiểu học thôn Kon Plinh bị sạt lở nghiêm trọng phần chân móng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt cũng như gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình thi công san ủi các hạng mục kênh thông hồ, tuyến đường công vụ và khu vực đập, lòng hồ thuộc công trình thủy điện Đắk Re gặp mưa gây bồi lấp, ngập úng, thay đổi dòng chảy làm sạt lở đất và vùi lấp ruộng, ao cá của nhân dân trên địa bàn.
Chiều 4/1, trao đổi với PV, ông Lê Như Nhất - Giám đốc sở Công Thương tỉnh Kon Tum - cho biết: “Sở đã nắm được thông tin và dự kiến sẽ mời sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kon Plông kiểm tra. Bên cạnh đó, Sở sẽ có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án thuỷ điện Đắk Re để có hướng xử lý”.
“Theo văn bản của bộ Công Thương, đối với công trình thủy điện đang thi công thì phải rà soát lại. Hiện, kênh thông hồ của thủy điện Đắk Re đang trong giai đoạn thi công. Nếu không ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân cư tại vùng dự án thì cho tiếp tục. Nếu trong trường hợp ảnh hưởng lớn đến dân cư, môi trường trong vùng dự án, thì sẽ phải nghiên cứu, xem xét, có thể loại bỏ phần kênh thông hồ”, ông Nhất nói.
Cũng trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết, đã ký văn bản thống nhất danh mục các công trình thủy điện vừa và nhỏ cần tiến hành thanh, kiểm tra trong năm 2021 về việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư trong việc xây dựng, quản lý, vận hành công trình theo đề nghị của sở Công Thương.
Có 16 dự án thủy điện được UBND tỉnh thống nhất thanh tra trong năm 2021 theo đề nghị của sở Công Thương. Trong đó, có thủy điện Đắk Re. Nội dung đề cương thanh tra gồm các vấn đề như: Tình hình triển khai thực hiện đầu tư dự án, công tác quản lý chất lượng, kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tận thu khoáng sản; thực hiện phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án, công tác phòng chống lụt bão.
Hỗ trợ gặp khó vì mưa to
"Sau thông tin báo chí phản ánh xã phối hợp với đơn vị chủ đầu tư thủy điện tiến hành đo đạc, xác minh diện tích ruộng rẫy, hoa màu bị sạt lởi, bồi lấp để tiến hành hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho những hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên những ngày qua thời tiết mưa to khiến công tác thực hiện việc hỗ trợ người dân phải tạm hoãn. Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư cũng đã cảm kết sớm khắc phục những tồn tại đang tồn đọng trong thời gian sớm nhất", ông Hoàng Văn Đạo Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu
Hồ Hải Nam
Link nội dung: https://doisongnet.vn/nguoi-dan-khon-kho-vi-thuy-dien-a3482.html