Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/2/2021.
Theo đó, tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP nêu rõ, việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Đồng thời, sẽ xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong bốn trường hợp dưới đây.
Thứ nhất, người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm.
Thứ ba, người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Thứ tư, người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Bên cạnh đó, tại nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán cũng hướng dẫn chi tiết việc xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra, cụ thể:
Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.
Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
Một là, trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.
Hai là, trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.
Ba là, trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.
Việc xem xét trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, việc xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng cũng được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP.
Cụ thể, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Tòa án xem xét, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc buộc trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật đối với tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, bao gồm: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Tiền, tài sản bị chiếm đoạt; Của hối lộ; Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Khoản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội; Lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có; Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách nhà nước không còn tại thời điểm giải quyết vụ án thì Tòa án quyết định tịch thu trị giá tài sản theo kết luận định giá của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp tài sản có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ đã được nhập vào khối tài sản thuộc sở hữu chung thì Tòa án chỉ tịch thu hoặc buộc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với phần tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Lợi nhuận thu được từ khối tài sản chung này cùng được chia theo tỷ lệ để tịch thu hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Mai
Link nội dung: https://doisongnet.vn/4-truong-hop-nguoi-pham-toi-tham-nhung-duoc-xem-xet-mien-hinh-phat-a3734.html