Lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Dịp nghỉ lễ tết Nguyên đán là khoảng thời gian nghỉ lễ dài ngày, người dân cũng như các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội nói chung và trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng sẽ về quê, đi du xuân, không có mặt tại nhà hoặc tại cơ quan. Do vậy mà các đối tượng tội phạm thường lợi dụng sơ hở này để phạm tội điển hình như: Tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Để giúp quần chúng nhân dân tự bảo vệ tài sản của mình và người thân, của cơ quan, doanh nghiệp… đồng thời đề cao cảnh giác, phát hiện tội phạm, phối hợp với cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, Công an quận Hoàng Mai có thống kê các thủ đoạn thường gặp và đưa ra một số khuyến cáo phòng ngừa.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thường xuyên có các hình thức sau: Các đối tượng gọi điện thoại đến nhà người dân giả danh là công an, viện kiểm sát, tòa án. Sau đó, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Một số đối tượng người nước ngoài làm quen với các nạn nhân trong nước thông qua mạng xã hội, sau đó thông báo gửi quà về Việt Nam và yêu cầu nộp tiền làm thủ tục hải quan rồi chiếm đoạt.
Các đối tượng thông qua mạng xã hội tiến hành giao dịch mua bán hàng hóa rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Các đối tượng lừa đảo qua hình thức trúng thưởng yêu cầu bị hại nộp trước một khoản tiền để làm thủ tục rồi chiếm đoạt.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn đăng tin mua, bán xe máy cho người dân trên các trang mạng xã hội, sau đó nói với người mua, bán xe là đi tới người quen để lấy tiền, mượn xe của người mua hoặc người bán để đi lấy tiền rồi chạy mất.
Tội phạm lừa đảo xin việc làm vào các cơ quan tổ chức nhà nước. Các đối tượng sử dụng phần mềm harck tài khoản facebook và mật khẩu sau đó tiến hành nhắn tin yêu cầu vay tiền, chuyển tiền vào tài khoản.
Tội phạm cướp, cướp giật tài sản
Đối với loại tội phạm này, các đối tương thường hay sử dụng những thủ đoạn như: Quan sát lựa chọn “con mồi” thường là phụ nữ, đi một mình, đối tượng điều khiển xe áp sát bị hại, rồi đối tượng ngồi sau cướp giật tài sản; Một số thủ đoạn khác như các đối tượng giả làm khách đến khu vực ngân hàng, cây ATM, các cửa hàng bán điện thoại, vàng bạc để xem, sau khi chủ cửa hàng đưa tài sản, đối tượng lợi dụng sơ hở, chủ cửa hàng không để ý, cầm tài sản chạy ra xe máy đã có đối tượng nổ máy chờ sẵn để tẩu thoát, thậm chí còn tạo ra va chạm giao thông, hoặc lợi dụng bị hại bị tai nạn giao thông để lấy tài sản….
Các đối tượng thường đi xe máy loại Wave, Dream không đeo biển kiểm soát, chọn thời điểm đường vắng, ít người đi lại, dễ dàng tẩu thoát sau khi gây án.
Các đối tượng đi bộ để bắt xe ôm, xe grab dọc đường, dẫn đi lòng vòng đến những nơi vắng, không có đèn điện hoặc hệ thống chiếu sáng hỏng hay tối, ít người qua lại, không có hệ thống camera rồi giả vờ đi vệ sinh hoặc dùng dao, vật sắc nhọn dí vào người cướp xe, tài sản đi mất.
Tội phạm trộm cắp tài sản
Theo Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán dài ngày, các cơ quan doanh nghiệp và các hộ gia đình về quê hoặc đi du xuân dài ngày, dẫn tới kẻ gian lợi dụng đột nhập vào để trộm cắp tài sản với thủ đoạn như: Kẻ gian thường lợi dụng đêm tối, các gia đình ngủ say, quên hoặc chủ quan không đóng cửa ra vào ban công, cửa sổ, cửa tum để đột nhập từ tầng 2 qua cửa sổ, qua cửa thông gió của bếp hoặc nhà vệ sinh, cửa tum, sân thượng.
Các đối tượng cũng có thể đột nhập cửa phụ sau nhà bằng cách dùng tuốc nơ vít vặn ốc khung hoa cửa sổ, cửa thông gió hoặc dùng xà cầy cậy mép cánh cửa, bẻ cắt khóa để đột nhập, lục soát lấy trộm tài sản.
Tại trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ chỉ trực cổng mà không đi tuần tra xung quanh và bên trong hoặc không có hệ thống bảo vệ, để đột nhập vào trộm cắp tài sản.
Đặc biệt, các đối tượng trộm cắp đột nhập thường gây án trong khoảng thời gian từ 0h đến 05h, từ 09h đến 11h và từ 14h30 đến 17h hàng ngày. Chúng thường có từ 2 đến 6 đối tượng, độ tuổi từ 18 đến 40, sử dụng phương tiện có thể bằng ô tô loại taxi nhỏ hoặc xe máy.
Khi gây án, các đối tượng thường tổ chức 1 đến 2 tên đột nhập vào nhà, số đối tượng còn lại ngồi trên xe cảnh giới. Chúng thường mang theo ba lô, túi du lịch hay túi đựng dụng cụ câu cá tối màu, bên trong có đèn pin nhỏ, xà cầy, tuýp nước làm tay công, cưa sắt, dũa nhọn, tuốc nơ vít, cà lê to, khoan điện, mỏ khò, bình gas… để gây án và các tài sản nhỏ nhẹ khi lấy được.
Kẻ gian thường nhằm vào lấy trộm các tài sản gồm tiền Việt Nam đồng, tiền ngoại tệ, vàng, kim khí quý, đá quý (kim cương), điện thoại di động, máy tính xách tay, ipad, máy ảnh, két sắt…và ô tô, xe máy đắt tiền tại khu vực trụ sở cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, UBND nằm xa khu dân cư, thiếu ánh sáng, các khu đô thị mới, khu phân lô, biệt thự liền kề ít có người dân ở, các khu dân cư đang đi vào hoạt động.
Cảnh giác phòng ngừa!
Để tăng cường phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản, Công an quận Hoàng Mai đề nghị lãnh đạo các cơ quan doanh nghiệp: Bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách, các tổ dân phòng tự quản, bảo vệ khu tập thể trong ca trực phải thường xuyên kiểm tra những khu vực được phân công, tăng cường tuần tra vào những giờ đối tượng thường gây án, nhất là vào ban đêm, đặc biệt chú ý vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, tế để kịp thời pháp hiện những đối tượng nghi vấn.
Không để lượng tiền lớn trong két qua đêm trong trụ sở; Gia cố hệ thống cổng cửa và lắp đặt các thiết bị cảnh giới, báo động để kịp thời phát hiện đối tượng gây án như camera an ninh, cảm biến hồng ngoại…; Kịp thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện đối tượng nghi vấn trộm cắp để phối hợp giải quyết.
Đối với các hộ dân, cơ quan công an khuyến cáo: Nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm, trước khi đi ngủ phải kiểm tra và khóa cổng, khóa cửa ra vào ban công, cửa sổ, cửa tum; Lắp đặt các thiết bị bảo vệ như chuông báo động, camera….
Thông báo cho hàng xóm hoặc những người thân cận, tin tưởng xung quanh biết, chú ý trong trường hợp đi nghỉ dài ngày vào các ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần để khi phát hiện thấy đối tượng nghi vấn hoặc bất thường thì báo ngay cho cơ quan công an địa phương kịp thời giải quyết.
Không che nắng bằng cách dùng mành che kín hay vải che kín cửa ra vào ban công vì khi kẻ gian đột nhập cậy phá cửa hay phá khóa cửa ban công sẽ khó bị phát hiện.
Không để nhiều tiền, ngoại tệ, vàng, đá quý tại tủ và két sắt ở nhà; Khi có các cuộc điện thoại gọi đến thông báo trúng thưởng, nhận quà hoặc tự xưng là cán bộ công an, viện Kiểm sát, tòa án nói rằng đang có liên quan đến tội phạm yêu cầu phải chuyển khoản tiền thì phải cảnh giác và thông báo ngay cho cơ quan công an.
Nguyễn Thị Hường
Link nội dung: https://doisongnet.vn/canh-giac-voi-nhung-thu-doan-cua-toi-pham-tet-nguyen-dan-tan-suu-2021-a3961.html