Hàng chục tỷ đồng tồn đọng
Thanh tra TP.HCM vừa công bố Kết luận thanh tra tại sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM, trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và quản lý, sử dụng tài chính.
Về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều khuyết điểm đối với hoạt động thể dục thể thao (TDTT), sự kiện lễ hội và các trung tâm TDTT, nhà thi đấu.
Cụ thể, sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM chậm thực hiện dự toán kinh phí sự nghiệp thể dục thể thao, phát sinh tồn đọng dự toán kinh phí năm 2018 số tiền là 29,833 tỷ đồng và năm 2019 số tiền 17,352 tỷ đồng.
Ngoài yếu tố khách quan, có nguyên nhân chủ quan từ một số bộ môn, đơn vị trực thuộc Sở chậm trễ trong việc đề xuất.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM lập dự toán kinh phí hoạt động thể dục thể thao chưa phù hợp theo tình hình thực tế, dẫn đến phát sinh tồn đọng kinh phí ngân sách Nhà nước là chưa thực hiện đúng Điều 32 luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Tuy việc này đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tại Văn bản số 2419/UBND-KT ngày 18 tháng 6 năm 2019 nhưng Sở cũng cần rút kinh nghiệm, tránh lặp lại.
Ngoài ra, đơn vị này còn sử dụng số tiền 10,865 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thể dục thể thao năm 2019 để thực hiện chi bổ sung cho các hoạt động thể dục thể thao nhưng chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM là cần phải chấn chỉnh.
Công tác sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sự kiện, lễ hội cũng tồn tại hạn chế khi việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu về khối lượng chưa chặt chẽ.
Từ đó dẫn đến phát sinh chi phí thuê thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, sân khấu, bàn ghế của 4 chương trình với số tiền 2,843 tỷ đồng, phát sinh cao hơn so với Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu.
Điều này là chưa thực hiện đúng luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Để xảy ra các thiếu sót trên, trách nhiệm thuộc về Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao, các phòng, đơn vị và cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ tại thời kỳ vụ việc có liên quan.
Chi tiêu vượt mức, sai phạm ngoại tệ
Tại trung tâm Thể dục thể thao Thống Nhất, việc chi tiền ăn trong năm 2018 cho huấn luyện viên là chuyên gia nước ngoài với mức chi 500.000 đồng/ngày, thay vì chỉ là 400.000 đồng/ngày là cao hơn quy định với tổng số tiền 36,5 triệu đồng.
Tức là thực hiện chưa đúng Thông tư số 01/2010/TT-BTC về quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
Vì thế, cần phải xử lý xuất toán, thu hồi số tiền đã chi theo trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm, Kế toán trưởng theo các thời kỳ vụ việc có liên quan.
Chưa hết, tại nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ xảy ra sai phạm trong việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện 3 chuyến đi tập huấn, thi đấu tại nước ngoài.
Cụ thể, chương trình cử huấn luyện viên và vận động viên môn đấu kiếm tham dự tập huấn tại Hàn Quốc; chuyến đi đoàn vận động viên môn đấu kiếm tham gia tập huấn tại Hàn Quốc chuẩn bị ASIAD năm 2018; chuyến đi của huấn luyện viên và vận động viên môn bóng chuyền tham dự giải vô địch các Câu lạc bộ Nam Châu Á năm 2019 tại Đài Loan.
Các chuyến đi này chưa đúng số ngày thực tế về chi tiền ăn, tiền ở, thuê sân tập, sử dụng thiết bị tập luyệ và mức chi tiền di chuyển sân bay đến nơi ở, di chuyển thi đấu giao hữu của một số chuyển đi nước ngoài.
Nghĩa là, không đúng quy định tại Thông tư số 102/2012/TT BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nưới ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
Tổng số tiền 211,905 triệu đồng cần phải xử lý xuất toán và thu hồi.
Các chương trình đi tập huấn, thi đấu tại các nước ngoài trong năm 2018 và năm 2019, nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ đều do các cá nhân là Trưởng đoàn, Trưởng bộ môn tham gia các chuyến đi tập huấn, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt ngoại tệ cho các tổ chức, trung tâm thể dục thể thao của nước ngoài.
Bao gồm: Trung tâm Thể dục thể thao DAEDEOK BUK – GUULSAN (Hàn Quốc), Hiệp hội Bóng chuyền Trung Hoa Đài Bắc - Đài Loan,... với tổng số ngoại tệ thanh toán năm 2018 là 183.400 USD, năm 2019 là 93.540 USD, 3.221 EUR, 286.090 JPY, 402.438 PESO, 72.000 THB.
Những khoản chi này không có giấy xác nhận, văn bản chấp thuận của tổ chức tín dụng được phép hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho phép các cá nhân mang tiền mặt ngoại tệ ra nước ngoài.
Cũng không thanh toán qua ngân hàng là sai phạm, căn cứ Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ, quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiến mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ chỉ căn cứ 3 báo giá của các công ty để mua vé máy bay cho các chuyến đi tập huấn, thi đấu nước ngoài nhưng không có ít nhất một đại lý chính hãng của hàng không quốc gia Việt Nam cũng là chưa đúng hướng dẫn của bộ Tài chính.
Do đó, Chủ nhiệm, Kế toán trưởng nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ theo các thời kỳ vụ việc có liên quan phải chịu trách nhiệm.
Hay tại Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, việc thực hiện ký biên bản ghi nhớ ngày 8/1/2016 với Câu lạc bộ bóng đá Olympic Lyonais nhưng nội dung hợp đồng không thể hiện về nghĩa vụ thuế (thuế Nhà thầu) của họ khi phát sinh thu nhập tại Việt Nam.
Dẫn đến không kê khai, nộp thuế theo quy định là thiếu sót nghiêm trọng của Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao, Chủ nhiệm Liên đoàn Bóng đá TP.HCM.
Chưa có tiền vẫn bắn pháo hoa
Sở Văn hoá - Thể thao được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đóng góp tài trợ bắn pháo hoa thành phố từ nguồn xã hội hóa. Nhưng đến nay, các công ty chưa thực hiện đúng theo cam kết, chưa nộp số tiền là 73,880 tỷ đồng.
Trong đó, công ty TNHH Đầu tư phát triển Bất động sản Bình Minh (27,010 tỷ đồng), công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Viễn Đông (46,020 tỷ đồng), công ty Megacom Việt Nam (500 triệu đồng) và công ty Cổ phần I Sáu Mươi Tám (350 triệu đồng).
Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã ban hành các văn bản đôn đốc thu nợ nhưng chưa có biện pháp xử lý, để phát sinh nợ đọng kéo dài từ năm 2018. Cơ quan này báo cáo UBND TP.HCM về các nội dung thu, chi và công nợ của các công ty nhưng chưa đề xuất hướng xử lý.
Để xảy ra các thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở, cá nhân và các công ty có liên quan đến vụ việc.
Đối với công tác giải quyết tố cáo, khiểu nại thì có 1 trường hợp công dân rút tố cáo nhưng chỉ được Thanh tra Sở ghi nhận bằng biên bản, không yêu cầu người tố cáo lập đơn rút tố cáo nêu rõ lý do, là thực hiện chưa đúng theo quy định luật Tố cáo năm 2018.
Ngoài ra, Thanh tra Sở giải quyết khiếu nại về xử phạt vi phạm hành chính với công ty TNHH Savill nhưng không thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng do mình ban hành.
Việc thừa nhận nội dung khiếu nại đúng nhưng lại chưa có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm cá nhân, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở để phát sinh hành vi hành chính, quyết định hành chính bị khiếu nại là thực hiện chưa đúng Điều 30 luật Khiếu nại năm 2011.
Về quản lý, sử dụng tài sản nhà đất, Sở đã có Công văn số 4887/SVHTT-KHTC ngày 19/8/2020 về phương án xử lý nhà đất thuộc sở Văn hóa - Thể thao.
Bao gồm 35/65 địa chỉ nhà đất giữ lại tiếp tục sử dụng, 5/66 địa chỉ nhà đất điều chuyển, 10/66 địa chỉ nhà đất kiến nghị thu hồi và 16/66 địa chỉ nhà đất đề nghị loại khỏi phương án xử lý (do đã chuyển giao cho các đơn vị khác của thành phố quản lý, sử dụng hoặc chuẩn bị thực hiện dự án).
Trung tâm Thể dục thể thao Thống Nhất, nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ có sử dụng mặt bằng nhà đất để cho thuê trong năm 2018, 2019 nhưng chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định.
Kết luận Thanh tra được thực hiện trong thời kỳ năm 2018 và 2019. Vì vậy, trách nhiệm cao nhất thuộc về Giám đốc sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM lúc đó là ông Huỳnh Thanh Nhân (nay là Giám đốc sở Nội vụ).
Từ những kết luận của Thanh tra TP, UBND TP.HCM chỉ đạo Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (ông Trần Thế Thuận giữ chức từ tháng 9/2020) tổ chức chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót.
Nguyễn Thành Nhân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/tp-hcm-doanh-nghiep-no-tai-tro-hon-73-ty-dong-tien-ban-phao-hoa-a4096.html