Về làng chọi trâu cổ xưa xem nghệ nhân dạy trâu hiểu tiếng Việt

Trò chuyện với các “nghệ nhân” nuôi trâu làng Hải Lựu (xã Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc) mới hình dung phần nào những khó khăn công phu của công việc này.

Đặc sắc của làng chọi trâu cổ xưa

Anh Hà Hữu Đức, người gần 20 năm nuôi trâu chọi và từng đoạt giải vô địch của xã Hải Lựu cho biết: “Mỗi con trâu chọi được mua về thường có tuổi đời 10 năm. Trâu chọi ở Hải Lựu có nhiều nguồn gốc, từ Tuyên Quang, Nghệ An hay Tây Nguyên, trong nước hoặc nước ngoài như: Từ Lào, Myanmar, Campuchia và Thái Lan, giá mỗi con khoảng 100 triệu đồng.

Chi phí và công bỏ ra nuôi 1 năm lên tới cả chục triệu đồng, do đó nếu không giành giải nhất (được thưởng 50 triệu đồng) thì người nuôi sẽ lỗ, bởi lẽ mổ trâu chọi ra bán giá thịt 500 – 600 đồng/kg. Còn với trâu chiến thắng thì có thể bán vài triệu đồng/kg”.

Tin nhanh - Về làng chọi trâu cổ xưa xem nghệ nhân dạy trâu hiểu tiếng Việt

Anh Hà Hữu Đức.

Nói là vậy, nhưng anh Đức quả quyết: “Đam mê nó ngấm vào máu mình rồi, không ai cản được. Người nuôi thực sự vì khao khát phát huy giá trị truyền thống của làng bản từ xa xưa. Nếu trâu được giải Nhất sẽ được cúng ở Thành Hoàng làng, đó là niềm vinh dự rất lớn. Nếu không giành giải thì bản thân đã góp phần phát huy giá trị văn hóa quê hương. Nhờ có chọi trâu mà nhiều người dân cả nước mới biết đến Hải Lựu”.

Làng chọi trâu Hải Lựu có đặc sắc riêng, bởi trước tiên nó gắn với truyền thống lịch sử. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước nước ta, nhà Triệu tan rã, Thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về Hải Lựu để tổ chức đánh giặc. Trâu sau khi chọi được giết để khao quân.

Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành Hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Đến thời hiện đại, đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, mãi tới năm 2002, lễ hội chọi trâu Hải Lựu mới được khôi phục trở lại.

Khác với chọi trâu ở Đồ Sơn hay Phù Ninh, trâu chọi được cá nhân nuôi dưỡng thì trâu Hải Lựu được cả dòng họ nuôi. Một gia đình trong họ sẽ đứng ra đảm nhận nuôi trâu, đó phải là gia đình có văn hóa, kinh tế khá. Tuy nhiên, theo anh Đức vài năm trở lại đây ngày càng nhiều hộ đứng ra nuôi riêng.

Tin nhanh - Về làng chọi trâu cổ xưa xem nghệ nhân dạy trâu hiểu tiếng Việt (Hình 2).

Con trâu mang số 18 của anh Đức có trọng lượng 700kg, đây là trọng lượng tối thiểu theo quy định.

Anh Thanh, một “nghệ nhân” nuôi trâu khác chia sẻ, hội chọi trâu Hải Lựu đã có một số nét thay đổi. Anh Thanh cho biết: “Những năm đầu của lễ hội, người dân cứ sẵn trâu cày ruộng mang ra sân đấu, khi chọi xong, làng nào có trâu mang về mổ liên hoan.

Gần đây, điều kiện kinh tế khá lên, dân chơi trâu chọi vì thế đầu tư lớn hơn, trâu chọi được nhập ngoại và đào tạo bài bản. Đơn cử, ban tổ chức cũng đưa ra tiêu chuẩn khắt khe hơn như vòng ngực mỗi trâu chiến phải đủ 2,1m trở lên, tương ứng với trọng lượng khoảng 700kg mỗi con trâu trở lên”.

"Nghề chơi cũng lắm công phu"

Mỗi người một mẹo, nhưng dân trong nghề vẫn đúc rút ra một số đặc điểm cơ bản. Một con trâu chọi tốt phải có cặp sừng chắc, dài, nhọn. Mắt phải nhỏ và sâu, được con mắt đỏ lên thì càng tốt, mí mắt dày, cổ to, ngực nở, lưng thẳng, da dày, lông cứng như cước, móng sò, chân to chắc, xoáy đẹp.

Đặc biệt, chọn được trâu có xoáy đóng giữa tam tinh (ở giữa 2 mắt và trán), dân trong nghề gọi là “tam tinh tóc trát” thì loại trâu này rất lì đòn. Đặc biệt là trán phải phẳng, bởi vì nếu trâu chọi trán dô thì chỉ cần một cú húc mạnh sẽ khiến trâu choáng váng phải bỏ chạy, còn những đòn như “hổ lao” thì sẽ khiến trâu vỡ sọ chết ngay tại sân.

Về chế độ chăm sóc cũng quan trọng, các tập luyện cho trâu cũng là yếu tố quyết định. Trâu chọi được mua về phải áp dụng chế độ ăn, uống tập luyện rất khắt khe, mỗi thời điểm lại khác nhau. Mỗi ngày mỗi người nuôi trâu đều dậy sớm để cho trâu chạy thể dục, cho húc đất để luyện thể lực rồi cho tắm bùn. Anh Đức vẫn hay nói đùa rằng cho trâu “dưỡng da”.

Tin nhanh - Về làng chọi trâu cổ xưa xem nghệ nhân dạy trâu hiểu tiếng Việt (Hình 3).

Trâu chọi thường được chọn với cặp sừng dài và nhọn. 

Về thức ăn cũng có sự thay đổi khẩu phần từ cỏ, ngô xay, mía mật...Mỗi giai đoạn khác nhau trâu sẽ được cho ăn tương ứng. Anh Đức dí dỏm: “Mỗi lần thay đổi thức ăn do lạ miệng “cụ” lại sút cân”.

Anh Đức cho biết, bài học vỡ lòng đầu tiên là phải dạy trâu hiểu một số ngôn ngữ tiếng Việt cơ bản như (đứng lên, nằm xuống, rẽ trái, rẽ phải) để điều khiển được trâu. Ngày xưa dùng tiếng lóng để giao tiếp nhưng ngày ngày nay người dân cũng ít dùng để “giao tiếp” với trâu. “Nhiều con trâu lạ chủ, lại “bất đồng ngôn ngữ” mà chủ nhân cố ép chúng làm theo mệnh lệnh sẽ khiến trâu nổi điên lên”, anh Đức cho hay.

Một điểm đáng lưu ý là gần đến thời điểm diễn ra lễ hội, người nuôi thường dẫn trâu ra chợ cho làm quen với chỗ đông người, rồi dùng trống, chiêng đánh bên tai để khi thi đấu giữa hàng vạn người hò reo, trâu không sợ mà bỏ chạy.

“Nhìn trâu chiến dũng mãnh trên sân đấu là vậy nhưng kỳ thực chúng khá hiền lành. Chúng chỉ dữ tợn khi thấy trâu đực khác. Tuy nhiên, một số trâu được chủ nuôi kín, ít tiếp xúc với người lạ thì không nên tới gần vì chúng có thể bất ngờ hung dữ”, anh Thanh, một người nuôi trâu tại Hải Lựu cho biết.

Đặng Ngọc Thủy

Link nội dung: https://doisongnet.vn/ve-lang-choi-trau-co-xua-xem-nghe-nhan-day-trau-hieu-tieng-viet-a4162.html