Khẳng định chủ quyền, độc lập
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Người xác định phải có một đồng tiền riêng có ý nghĩa khẳng định chủ quyền, độc lập của Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định người Pháp không còn xâm chiếm nước ta.
Từ những ngày đầu tiên, việc triển khai thiết kế đồng tiền do các họa sĩ: Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh… thực hiện vẽ chân dung một lãnh tụ còn sống, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng tiền đó được lưu hành từ Bắc vào Nam. Những đồng tiền kháng chiến Nam Bộ cũng in chân dung Bác. Người dân gọi những đồng tiền đó với cái tên trìu mến, thân thương: Tiền Cụ Hồ. Khi nhân dân nhìn thấy chân dung Bác trên tiền biết rằng đây là vị lãnh tụ đang cùng với dân tộc, lãnh đạo toàn dân, toàn quân kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng tiền đảm nhiệm hai vai trò, làm phương tiện thanh toán và tuyên truyền chính trị.
Từ năm 1946 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 6 bộ tiền, 53 mệnh giá tiền in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trước:
Đồng tiền tài chính phát hành từ 1946 - 1951; bộ tiền phát hành từ 1951 - 1959; bộ tiền phát hành từ 1959 - 1978; bộ tiền phát hành từ 1985 - 1987; bộ tiền phát hành từ 1987 và bộ tiền polymer phát hành năm 2003.
Xuyên suốt các bộ tiền đều có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây không chỉ tôn vinh một lãnh tụ có công với đất nước mà hình ảnh Bác còn như một hình tượng nhận diện cho người nước ngoài. Trước ý nghĩa to lớn, quan trọng như vậy, PV đã trò chuyện với một số họa sĩ để thấy được những khó khăn, thách thức cũng như những kỷ niệm đáng nhớ và năng lực của người họa sĩ thiết kế tiền.
Yếu tố chống giả cực kỳ quan trọng
Ông có thể chia sẻ thách thức lớn nhất đối với ông khi vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh in trên đồng tiền?
Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng (Nguyên phó phòng thiết kế Ngân hàng Việt Nam, người thiết kế mẫu tiền: Trước tiên, tôi cần nói đôi chút về công việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc này rất cầu kỳ, tỉ mỉ, công phu. Vì vậy, có bản vẽ phải làm tới 6 tháng, 12 tháng. Trên chân dung có vạn nét, người họa sĩ phải tổ chức một hệ thống nét như thế nào để thể hiện được hình ảnh Bác trọn vẹn, hoàn chỉnh nhất.
Do đó, vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tôi hay họa sĩ Việt Nam nào cũng là một thách thức lớn. Thách thức ở chỗ Bác là người Á Đông. Ở phương Tây, chân dung dễ thể hiện hơn ở chỗ khối mảng, đường nét rõ ràng, mũi cao, mắt sâu, tóc đen, quần áo đậm, độ tương phản giữa các hình khối rõ ràng…
Còn hình ảnh Bác đẹp theo kiểu nhẹ nhàng như một ông tiên, chòm râu lơ thơ, miệng cười tủm tỉm, mắt sáng như sao, trán rộng mênh mông. Tất cả hình khối chân dung Bác có độ tương phản ít, mảng khối nhẹ nhàng, không phải mảng đậm, nhạt. Do đó, khi vẽ phải tôn lên được hình ảnh đẹp, sinh động của Bác. Không những vậy, chân dung Bác vẽ chính diện sẽ khó khăn hơn nhiều so với vẽ theo góc nhìn 3/4, 4/5.
Ông đánh giá thế nào về những bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền từ bộ tiền năm 1946 đến nay?
Hệ thống chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền từ Cách mạng tháng 8 đến trước hệ thống tiền polymer trải qua nhiều giai đoạn và được nhiều họa sĩ trong, ngoài nước vẽ.
Giai đoạn kháng chiến, vì máy móc, công cụ thô sơ, các họa sĩ vẽ chủ yếu thể hiện tấm lòng kính trọng của mình với Bác Hồ kính yêu và coi như đó là một bảo chứng đối với đồng tiền Việt Nam. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống tiền từ năm 1946 đến năm 1951 thô sơ và thiên về nghệ thuật tạo hình nhiều hơn là kỹ thuật in ấn.
Giai đoạn sau năm 1951 đến trước năm 2003 tiếp cận được kỹ thuật in ấn tinh vi hơn nhưng có nhược điểm, nghệ thuật tạo hình yếu.
Một bức chân dung trên đồng tiền khác với một bức chân dung trên ảnh là phải tạo được hai yếu tố quan trọng: Nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật in ấn.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền là một mảng lớn, chiếm một vị trí quan trọng trong bố cục, thể hiện hồn của đồng tiền cũng như chứa đựng yếu tố chống giả. Ví dụ, đối tượng làm giả có thể sao chụp bản nội dung phong cảnh ở mặt sau rất đơn giản nhưng để sao chụp chân dung rất khó khăn bởi vì chân dung tinh tế về mặt kỹ thuật, nghệ thuật. cũng như tầng số sắc độ. Có những nét thô trong nghề tính độ đậm, rộng bằng micron. Do đó, ngoài yếu tố thể hiện được cái hồn của đồng tiền thì yếu tố chống giả cũng rất quan trọng.
Thể hiện tầng sâu văn hóa
Thưa họa sĩ, đâu là điểm khác biệt của chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền Việt Nam?
TS Hồ Trọng Minh - Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật, họa sĩ trẻ nhất trong số những người thiết kế đồng tiền: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất tồn tại xuyên suốt trên đồng tiền Việt Nam. Không những vậy, trên thế giới chỉ có hai chân dung vẽ cho người còn sống là Bác Hồ và Nữ hoàng Anh Elizabeth. Qua đó cho thấy được vị trí, vai trò quan trọng của Bác trong quá trình hình thành đất nước.
Trong toàn bộ hệ thống tiền, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 dạng: Nhìn nghiêng, góc nhìn 3/4 còn lại hầu hết là chân dung nhìn chính diện.
Vậy, tại sao chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng vẽ chính diện chứ không phải 3/4 như các nước khác?
Đó là sự khác biệt về mặt hình thức, quan điểm văn hóa của người Việt Nam với nước ngoài thông qua chân dung. Tất cả tiền đô-la Mỹ không có chân dung nào là chính diện, đồng bảng Anh cũng vậy, hầu hết tất cả đều ở góc nhìn 3/4. Trong mỹ thuật, góc nhìn 3/4 là góc nhìn tiêu chuẩn vẽ chân dung.
Để lý giải tại sao Việt Nam lại sử dụng nhiều chân dung chính diện, theo tôi có một điểm cần chú trọng trong tâm thức của người Việt là chấp nhận, yêu thích cái nhìn chính diện. Điều này cũng nằm xuyên suốt trong vấn đề văn hóa. Nhìn vào hệ thống tượng chẳng hạn. Ở nước ngoài có thể thấy tượng từ thời Phục Hưng nhiều góc độ đưa vào hình khối thể hiện dáng vẻ, động tác hoạt động, còn ảnh chụp cũng hầu hết góc nhìn 3/4 là chuẩn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong hệ thống tượng tôn giáo ở đình chùa bao giờ cũng có khái niệm trục thần đạo. Điều này có nghĩa là trong tư duy người Việt cần có một trục thẳng và sự cân đối hai bên, kết thúc trục thẳng phải là vật linh thiêng nhất. Tư duy đó cũng thể hiện trên đồng tiền Việt Nam, cho thấy diễn biến tâm thức của người Việt nằm trên đồng tiền.
Nhìn nhận lại, xâu chuỗi tất cả, tôi có một vài lời ngắn gọn về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồng tiền Việt Nam. Chân dung Bác trong tiềm thức, nhận thức của họa sĩ Việt Nam đều mong muốn thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ kính yêu từ tận đáy lòng, vị cha già dân tộc.
Xin cảm ơn các họa sĩ về những chia sẻ!
“Bộ tiền polymer do họa sĩ Việt Nam làm rất hiện đại. Bộ tiền này đưa được hết các yếu tố kỹ thuật, yếu tố bảo an, chống giả cao. Sau 17 năm phát hành, có thể nói đây là một trong bộ tiền tốt nhất thế giới về an ninh. Suốt 17 năm qua, tôi luôn theo dõi tất cả đối tượng làm giả. Họ tìm mọi cách để phá bộ tiền polymer nhưng đều thất bại. Chúng có thể mô phỏng hình thức nhưng khi cầm vào đồng tiền sẽ biết ngay là giả” - Họa sĩ Trần Tiến - Nguyên trưởng phòng Thiết kế Ngân hàng Nhà nước.
“Đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu phát hành năm 1946. Có thể nói đấy là đồng tiền Việt Nam gắn với chế độ trải qua 75 năm tồn tại phát triển, thăng trầm trong thời kỳ khá dài phải phụ thuộc vào việc in ấn ở nước ngoài. Đồng tiền biểu trưng cho chế độ, giữ đồng tiền như giữ hình ảnh chế độ mặc dù trong hoàn cảnh rất nhiều biến đổi” - Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam.
Phong Linh
Link nội dung: https://doisongnet.vn/chuyen-it-biet-ve-chan-dung-chu-tich-ho-chi-minh-trong-cac-bo-tien-a4228.html