“Thay áo mới” sau 5 năm sang tên đổi chủ
Thời gian gần đây, nhiều người nhận thấy những tấm pano có dòng chữ "GO! Việt Nam" lần lượt xuất hiện tại vị trí trước đây đặt biển hiệu của hệ thống bán lẻ "Big C".
Cụ thể, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, các đại siêu thị Big C ở Dĩ An (Bình Dương), Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Thơ (Cần Thơ), Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) và Hạ Long (Quảng Ninh) đã gỡ bỏ biển hiệu có chữ "Big C" để thay bằng tên gọi mới: GO! Dĩ An, GO! Nha Trang, GO! Cần Thơ, GO! Vĩnh Phúc, GO! Hạ Long.
Được biết, động thái đổi tên này nằm trong kế hoạch tái định vị thương hiệu, tạo bước đệm cho chiến lược gia tăng sự hiện diện của “ông chủ” Big C – tập đoàn Thái Lan Central Retail - tại Việt Nam trong thời gian tới. Tiếp sau 5 đại siêu thị nói trên, việc đổi tên cũng sẽ được thực hiện tại các chi nhánh còn lại.
Central Retail là một nhánh và là tài sản lớn nhất của Central Group (thành lập năm 1927), là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Tập đoàn này đã liên tục bơm vốn đầu tư đều đặn trong suốt 18 năm nhằm phát triển công ty con Big C tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên.
Tháng 4/2016, Central Group chi 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỷ USD để thâu tóm Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp). Thời điểm đó, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm.
Để có được Big C Việt Nam, tập đoàn này đã phải vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam)...
Sở dĩ người Thái nhắm đến Big C là bởi Big C Việt Nam đã có thương hiệu tốt sau 13 năm tồn tại ở Việt Nam.
Ngay sau khi sở hữu Big C, Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam với dự định nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm tiếp theo (tức đến năm 2021).
5 năm “sóng gió” trước khi đổi tên của Big C
Sau màn “chạy đua” với nhiều đối thủ và thành công trong thương vụ thâu tóm Big C Việt Nam, đại gia Thái Lan có phần hụt hơi trong năm đầu tiên tiếp quản.
Nguyên nhân vì những “tế bào” mạnh nhất chuỗi bán lẻ như Big C Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), Big C An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), Big C Hải Phòng (gồm Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương và Big C Đồng Nai đều chỉ ghi nhận doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang.
Cụ thể, tổng kết năm 2017, doanh thu Big C An Lạc còn 1.300 tỷ đồng, trong khi con số này vào năm 2012 là 2.600 tỷ đồng; doanh thu Big C đạt khoảng 2.700 tỷ đồng trong các năm 2016, 2017, giảm 800 tỷ đồng/năm so với mức 3.500 tỷ đồng vào năm 2012.
Ngay năm trước thời điểm bị bán, năm 2015, Big C Việt Nam với 43 cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm và đã đạt được doanh thu chưa bao gồm thuế là 586 triệu euro (khoảng 665 triệu USD).
Những năm gần đây, nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại đã được ghi nhận tại Big C. Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail cho thấy chuỗi bán lẻ này mang về doanh số 27.650 triệu bath (hơn 20 nghìn tỷ đồng) cho công ty mẹ.
Thị phần của “ông lớn” bán lẻ này cũng được cải thiện tại thị trường hơn 90 triệu dân. Đầu năm 2020, Big C nắm giữ khoảng 3,8% (chỉ đứng sau Co.op Mart 5,4%) “miếng bánh” thị phần bán lẻ ở Việt Nam.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cùng chính sách giãn cách xã hội, Big C vẫn ghi nhận trung bình 70.000 - 90.000 lượt khách/ngày, sau đó tăng lên 140.000-150.000 lượt. Đây cũng là thời điểm Big C có được mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua.
Sau khi thành công với Big C, Central Retail mạnh tay thâu tóm thêm các thương hiệu bán lẻ khác của Việt Nam như Nguyễn Kim, Lanchi Mart, cửa hàng đồng giá Komonoya, trung tâm mua sắm Robins, Marks and Spencer,…
Đến tháng 6/2020, Central Retail Việt Nam sở hữu 35 khu mua sắm, 230 cửa hàng tại 39 tỉnh thành cả nước.
Chia sẻ trên tờ Nikkei Asian Review, CEO của Central Retail - ông Yol Phokasub – cho biết, DN coi Việt Nam là thị trường trọng điểm trong thời gian tới, với kỳ vọng nâng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ 17% lên 25% trong vòng 5 năm tới.
Big C “đổ bộ” vào Việt Nam như thế nào?
Nói về Big C Việt Nam thì đây là chuỗi bán lẻ có tiền thân là hệ thống siêu thị Cora của tập đoàn Bourbon (Pháp). Năm 1998, tại Đồng Nai, cùng với một phần vốn của Casino Group, Bourbon thành lập công ty Vindémia và khai trương siêu thị Pháp đầu tiên ở Việt Nam mang tên Cora.
Năm 2003, Bourbon thông báo hệ thống siêu thị Cora tại Việt Nam sẽ đổi tên do chủ sở hữu thương hiệu này tại Pháp ngừng ký kết hợp đồng cho mượn tên. Từ đó, Cora đổi tên thành Big C và thuộc sở hữu của Casino Group.
Sau khi Casino tiếp quản, Big C Việt Nam đã tăng trưởng 45% mỗi năm và tăng trưởng 55 lần sau 13 năm tồn tại.
Cuối năm 2003, Vindémia quyết định Bắc tiến với thương hiệu mới và khởi công siêu thị thứ 4 của mình có tên gọi Big C Thăng Long (Hà Nội). Đây là liên doanh giữa đơn vị này và công ty Thăng Long GTC với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2015, Casino ghi nhận doanh số của Big C Việt Nam đạt 312 triệu euro (khoảng 7.700 tỷ đồng), tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng của tập đoàn tại châu Á (23%) và đây chính là một trong những lý do khiến Casino lựa chọn Việt Nam để bán lại
Minh Minh
Link nội dung: https://doisongnet.vn/big-c-lam-an-ra-sao-sau-5-nam-ve-tay-nguoi-thai-a4388.html