Ngày 11/3, phiên xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), cùng 10 bị can khác (gồm nhiều cựu lãnh đạo và nhân viên công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB) trong vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại PVB, đang bước vào phần tranh luận.
Bị cáo buộc là lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC có tỉ lệ góp vốn tại PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với bị can Đỗ Văn Hồng về việc đầu tư mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc của công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC.
Cụ thể, bị can Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng.
Để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, bị can Thanh và Hồng bàn bạc, thống nhất làm các thủ tục để chuyển 21 tỷ đồng tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Với mục đích sở hữu 3.400m2 đất nêu trên, năm 2011, Trịnh Xuân Thanh thành lập công ty Mai Phương và yêu cầu Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá gần 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC bị cáo buộc phạm vào 2 tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Thanh một mực phủ nhận cáo buộc có sai phạm trong việc mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo.
Quá trình thẩm vấn, Trịnh Xuân Thanh đã nhiều lần khẳng định nội dung này: “Bị cáo Hồng mua đất đầu tư dự án, song kinh tế khó khăn đã bán lại. Chính bị cáo là người huy động bạn bè và người thân mua giúp, việc này không liên quan gì đến bị cáo”.
Việc này đã được đối chất với bị cáo Hồng và người này thừa nhận không hề bàn bạc gì với Thanh và Thanh không liên quan.
Căn cứ vào nội dung thẩm vấn, bị cáo Thanh đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên một số tài sản của người nhà.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh cho rằng, VKS đã không căn cứ vào quá trình thẩm vấn, chứng cứ lời khai của bị cáo Thanh và Hồng tại phiên tòa, vẫn nêu trong bản luận tội, kết luận bị cáo Thanh lập công ty Mai Phương và yêu cầu Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá gần 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng, điều này là không có căn cứ.
Liên quan đến nội dung cáo buộc thứ 2 của VKS, cho rằng Trịnh Xuân Thanh đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên, bị cáo Thanh phủ nhận cáo buộc này vì cho rằng “dự án thiếu tiền, còn PVC không thiếu năng lực”.
Bị cáo cũng cho rằng ông Đinh La Thăng không sai khi chỉ định thầu cho PVC vì từ trước công trình nào của tập đoàn PVN, đơn vị của Thanh cũng xin thực hiện, còn được tham gia hay không là của chủ đầu tư.
Trong khi đó, cáo buộc quy kết, mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp của PVN và ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Thanh bị VKS đề nghị mức án từ 11 - 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và 10 – 11 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp mức án đề nghị bị cáo Thanh phải chấp hành là từ 21 – 23 năm tù.
Nguyễn Thị Thúy
Link nội dung: https://doisongnet.vn/trinh-xuan-thanh-phu-nhan-sai-pham-trong-viec-mua-3-400m2-dat-tam-dao-a4459.html