Giật mình nơi thủ phủ than
Ngược sông Thu Bồn, từ cầu Giao Thủy, nhóm PV điều tra có mặt tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam buổi sáng cuối tháng Ba.
7h sáng! Quán cà phê lụp xụp đầu bến đò Cà Tang đã túm tụm người hàn huyên. Câu chuyện ngày mới nhưng thực ra chẳng khác gì hôm qua, hôm trước đó và nhiều hôm nữa.
Than - quanh đi quẩn lại vẫn là than. Đó là than đá – một loại khoáng sản quý giá của đất nước. Thế nhưng ở Nông Sơn, nguồn tài nguyên này đã bị tận diệt vô tội vạ bởi vấn nạn trộm cắp, mua bán lậu.
Huyện Nông Sơn là nơi duy nhất Quảng Nam có mỏ than trữ lượng lớn. Mỏ than này được khai thác lộ thiên nhằm phục vụ nhà máy nhiệt điện do công ty Than điện Nông Sơn quản lý.
Song song với quản lý của công ty Than điện Nông Sơn, từ lâu nay một bộ phận người dân bản địa đã lợi dụng địa hình, lén lút trộm cắp than.
“Từ một vài người rồi lâu dần thành cả trăm người. Ban ngày thì ngủ ban đêm vào mỏ than xúc trộm. Tôi cũng không nhớ chuyện than “thổ phỉ” ở Nông Sơn có từ bao giờ. Lâu lắm rồi”, một cao niên làng Trung Thượng, xã Quế Trung nói.
Ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho hay, người tham gia làm than “thổ phỉ” ở Nông Sơn thực chất chính là người dân bản địa. Vì lý do mưu sinh nên họ bất chấp quy định, lén lút vào bãi trộm than.
Như một quy luật bất thành văn, cứ đêm đến họ vượt sông qua mỏ than công ty Than điện Nông Sơn để khai thác trái phép than.
Cũng theo ông Thương, chỉ riêng 2 thôn Trung Thượng và Nông Sơn (xã Quế Trung) đã có đến 70 – 80 người theo nghề than “thổ phỉ”.
Chưa nói đến con số người tham gia làm than “thổ phỉ”, một chi tiết khác mà PV ghi nhận được cũng khiến nhiều người giật mình trước vấn nạn này nơi đây. Đó là, than “thổ phỉ” ở Nông Sơn khai thác một cách rất ngang nhiên.
Ngoài đêm, các buổi trưa thứ Bảy và Chủ nhật, bộ phận than “tặc” này cũng hành nghề. Về cách thức, than “thổ phỉ” không lén lút mà dùng xe máy chạy vào tận bãi khai thác.
“Có nhiều đêm anh em đi truy quét mà phát hiện cả đoàn xe máy của than “tặc” chạy. Đêm thì tối chỉ thấy ánh đèn pin họ đội trên đầu. Cả đoàn xe nối đuôi nhau nhìn từ xa thấy cả một chuỗi phát sáng...”, ông Thương kể lại.
Tận mắt mục sở thị những con “ngựa sắt” của than “thổ phỉ” càng khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Đây là những chiếc xe máy đã chế độ đủ kiểu nhằm phục vụ cho quá trình vận chuyển than nơi rừng núi.
Loại xe này không phanh, không biển số, giấy tờ. Xe được gia cố sườn khung bằng thép vô cùng chắc chắn, phanh xe cũng được nới dài giúp than “tặc” dễ dàng điều khiển khi chở các bao than cồng kềnh.
“Chiến mã” than “tặc” cũng không có đèn đóm gì. Thứ giúp họ soi sáng chỉ là chiếc đèn pin đội trên đầu.
Mỗi đêm, một than “tặc” có thể đột nhập vào mỏ than khai thác, vận chuyển nhiều lần. Mỗi lần “ngựa sắt” có thể chở được 3 bao (khoảng gần 2 tạ).
Số than lậu này được đưa về bán cho các điểm tập kết, thu mua trên địa bàn. Hoặc nếu thấy “động” thì họ đem về cất giấu ở các con đường hẻm nhỏ quanh làng, chờ có cơ hội thì đi bán.
Theo bật mí của một người dân, chúng tôi tiến sâu vào 1 con hẻm dọc theo tuyến đường ĐT610 mang tên hẻm “nhà nghỉ suối Mơ”.
Quả thực, tại đây than lậu được bỏ vào bao tải đang chất đống khắp nơi. Vài ba tấm bạt được phủ lên chẳng đủ sức che giấu hết khối lượng than lậu “khủng” nơi đây.
Tính trung bình mỗi bao than nặng 50kg thì số lượng la liệt tại hẻm “nhà nghỉ Suối Mơ” có thể lên hàng trăm tấn. Điều này cho thấy, than “thổ phỉ” hoạt động ngang nhiên một thời gian rất dài và quy mô của nó chẳng thua kém gì hoạt động của công ty Than điện Nông Sơn.
Lộ diện 3 bãi tập kết than trái phép?!
Theo người dân xã Quế Trung, trên địa bàn có 3 đầu nậu chuyên mua bán than “thổ phỉ”. Sau khi than được khai thác trộm từ mỏ than Nông Sơn ra ngoài, than “tặc” sẽ bán cho các đầu nậu này tại các bến bãi tập kết. Hoạt động thu mua diễn ra lén lút từ 22h đêm trở đi đến rạng sáng.
Vì sao than “tặc” ngày một nhiều và hoành hành ngang nhiên. Đó cũng vì nguồn lợi lớn “khủng” từ than.
Mỗi đêm một than “tặc” có thể khai thác được từ non nửa đến cả 1 tấn than tùy sức khỏe. Với giá bán khoảng 80.000 đồng/tạ than, các than “tặc” có thể thu về cả triệu đồng mỗi đêm. Đây là số tiền lớn ở miền núi rừng xa xôi.
Tuy nhiên, con số lợi nhuận “khủng” thực chất phải nói đến các chủ bãi tập kết, thu mua than lậu.
Với số lượng gần 100 than “tặc” hoành hành mỗi đêm, ước tính các đầu nậu thu về ngót nghét gần 100 tấn than mỗi đêm. Số than này sẽ được tuồn đi bán cho các lò gạch, giúp đầu nậu thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi đêm.
Lãnh đạo UBND xã Quế Trung thông tin rằng, trên địa bàn có 3 điểm tập kết trái phép. Đó là, điểm của bà Vi (Anh Vi), điểm của ông Phan Thanh Phước và điểm bà Trần Thị Yến. Trong đó, bà Yến là vợ của ông N.Q.L, nguyên là công an viên xã Quế Trung.
Một cán bộ xã Quế Trung thông tin thêm rằng, mới đây, UBND xã phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nông Sơn tiến hành kiểm tra 3 điểm tập kết than trái phép này. Đoàn đi kiểm tra rất bí mật nhưng đến bãi nào cũng đóng cửa, không hoạt động. Đoàn liên hệ qua điện thoại cũng không được.
“Riêng bãi bà Vi khi đoàn đến thì có 1 người điều khiển xe xúc lật đang cố san gạt khối than tập kết bằng phẳng xuống đất. Ý đồ của họ là không để đoàn thấy khối than tập kết trong bãi. Đoàn đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ tất cả các bãi tập kết trái phép này”, một cán bộ xã Quế Trung thông tin.
Còn tiếp…
Lê Nhâm Thân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/than-tho-phi-quang-nam-ky-1-tan-diet-than-a4635.html