Công ty cổ phần Công nghệ Y tế BMS (gọi tắt là công ty BMS) có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm các cổ đông góp vốn là Phạm Đức Tuấn góp 50 tỷ đồng (62,5% vốn điều lệ), bà Cao Thị Chuyên (mẹ Tuấn) góp 29,5 tỷ đồng (bằng 36,88% vốn điều lệ) và ông Phạm Hồng Nghĩa (bố Tuấn) góp 500 triệu đồng (bằng 0,63% vốn điều lệ). Người đại diện theo pháp luật của công ty là Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Theo kết quả điều tra, công ty BMS thực chất là công ty gia đình, do Phạm Đức Tuấn điều hành, chỉ đạo toàn diện các hoạt động, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nhập khẩu, mua bán thiết bị, vật tư y tế…
Ngô Thị Thu Huyền được Phạm Đức Tuấn nhận vào làm việc tại công ty BMS từ tháng 9/2006, đến năm 2011 được Tuấn cho giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách dự án, đấu thầu…
Ngoài ra, để hình thành các đại lý cấp 2, phát hành thông báo giá thiết bị y tế, hỗ trợ cho hoạt động của công ty BMS, Phạm Đức Tuấn còn cùng với nhân viên công ty BMS đứng tên cổ đông sáng lập một loạt các công ty khác nhau như: công ty CP Khoa học sức khỏe Health Sciences (vốn điều lệ 4 tỷ đồng; Phạm Đức Tuấn góp 51% cổ phần, Chủ tịch HĐQT; Ngô Thị Thu Huyền góp 10% cổ phần, Giám đốc); công ty CP Công nghệ Y tế kỹ thuật (vốn điều lệ 4 tỷ đồng; Phạm Đức Tuấn góp 55% cổ phần, là Chủ tịch HĐQT và Ngô Thị Thu Huyền góp 30% cổ phần)…
Đáng nói, công ty BMS là đơn vị có thế mạnh trong nhập khẩu và phân phối các thiết bị y tế, là đối tác lâu năm trong việc cung cấp thiết bị và vật tư tiêu hao ngành y cho các bệnh viện lớn, trong đó có bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi biết chủ trương phát triển ngoại khoa của bệnh viện Bạch Mai, khoảng tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn đến gặp Giám đốc của bệnh viện Bạch Mai là Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh viện.
Tuấn giới thiệu về công ty BMS là đơn vị phân phối hệ thống robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối. Tuấn đề nghị được cung cấp 2 hệ thống này cho bệnh viện Bạch Mai, trong đó, robot Rosa với giá 39 tỷ đồng, robot Mako với giá 44 tỷ đồng.
Cơ sở để Tuấn đưa ra giá bán các thiết bị này là đối với robot Rosa dự kiến giá nhập khoảng 16 tỷ đồng (trước khi đàm phán được hãng giảm giá), chi phí đào tạo khoảng 15 tỷ đồng, chi phí rủi ro, lợi nhuận dự kiến khoảng 8 tỷ đồng; đối với robot Mako dự kiến giá nhập khoảng 24 tỷ đồng, chi phí đào tạo khoảng 8 tỷ đồng, chi phí rủi ro, lợi nhuận dự kiến khoảng 12 tỷ đồng trong vòng đời các thiết bị từ 7 – 10 năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh không đồng ý cho bệnh viện Bạch Mai mua mà đề nghị Tuấn tham gia đề án đặt máy theo hình thức liên doanh liên kết, còn giá robot do Tuấn đưa ra đối với robot Rosa 39 tỷ đồng và robot Mako 44 tỷ đồng cần phải tìm đơn vị cấp chứng thư thẩm định giá.
Sau một số cuộc gặp, trao đổi tiếp theo, ông Tuấn và ông Quốc Anh đã thống nhất triển khai liên doanh, liên kết với giá thiết bị robot do Tuấn đưa ra, công ty BMS liên hệ với phòng Tài chính - Kế toán bệnh viện Bạch Mai để hoàn thiện thủ tục liên quan và giới thiệu đơn vị thẩm định giá thiết bị.
Việc thỏa thuận về hình thức liên doanh, liên kết và giá thiết bị chỉ có ông Tuấn và ông Quốc Anh trao đổi, thống nhất.
Sau khi ký hợp đồng liên doanh liên kết, xác định giá trị đầu tư hệ thống robot Rosa là 39 tỷ đồng với bệnh viện Bạch Mai, Tuấn chỉ đạo nhân viên cung cấp hồ sơ nhập khẩu robot nhưng xóa giá trị trên tờ khai hải quan nhập khẩu cho bệnh viện Bạch Mai, không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của công ty BMS trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh giá trị và tính hợp pháp của máy theo các điều khoản của hợp đồng liên doanh, liên kết.
Tuấn thừa nhận, tổng giá trị hệ thống robot Rosa cộng chi phí vận chuyển, lắp đặt cho đến khi vận hành tại bệnh viện bạch Mai chỉ hơn 7,4 tỷ đồng; nhưng bằng thỏa thuận, thống nhất với Quốc Anh và việc hợp thức hóa thủ tục định giá robot Rosa 39 tỷ đồng, công ty BMS đã được bệnh viện Bạch Mai cho hưởng số tiền khấu hao thiết bị không đúng thực tế là hơn 23 triệu đồng/ca.
Với kết quả thẩm định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng xác định giá trị robot Rosa (bao gồm vốn nhập khẩu, chi phí, lợi nhuận, thuế) là hơn 11 tỷ đồng, tương ứng chi phí khấu hao thiết bị tính theo phương pháp đường thẳng quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC là hơn 6,6 triệu đồng/ca; chênh lệch thấp hơn so với cơ cấu giá dịch vụ do bệnh viện Bạch Mai phê duyệt, thu của người bệnh để thanh toán cho công ty BMS là hơn 16,5 triệu đồng/ca.
Với 551 ca đã được bệnh viện Bạch Mai thanh toán, Tuấn và công ty BMS đã được hưởng lợi số tiền khấu hao chênh lệch không đúng quy định hơn 9,1 tỷ đồng.
Hường - Thúy
Link nội dung: https://doisongnet.vn/su-that-ve-cong-ty-cung-cap-robot-cho-benh-vien-bach-mai-a4703.html