Giải pháp nào để có thể tiếp tục sản xuất khi nhiều nhà máy vỡ trận kế hoạch "3 tại chỗ"?

Sau một thời gian thực hiện "3 tại chỗ", nhiều nhà máy có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Doanh nghiệp và người lao động càng thêm khó khăn.

Nhiều nhà máy gặp khó khăn khi thực hiện "3 tại chỗ"

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến hết sức nguy hiểm. Ngoài TP.HCM, một số tỉnh như Bình Dương, Long An ghi nhận số ca nhiễm tăng và chưa thể khống chế.

Trong tình hình đó, để đảm bảo vừa chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, một số nhà máy đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" (ăn - ở - sản xuất tại công ty).

Tại tỉnh Bình Dương có hơn 3.100 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”  với khoảng 400 nghìn lao động đăng ký làm việc.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, khoảng 1/3 công ty, nhà máy phát hiện công nhân dương tính với SARS-CoV-2 khi tiến hành test nhanh.

Điển hình, công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (công ty Long Việt) TP.Dĩ An, Bình Dương có 300 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Ngày 21/7, công ty Long Việt xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân. Kết quả, có 248 người dương tính với SARS-CoV-2.

Tối cùng ngày, cơ quan chức năng TP.Dĩ An đã đến công ty, tổ chức đưa F0 đi điều trị. Riêng 40 người F1 có kết quả âm tính, cơ quan y tế TP.Dĩ An yêu cầu tiếp tục thực hiện 5K và tiến hành phun khử khuẩn toàn công ty.

Đại diện công ty Long Việt cho biết, công ty đã yêu cầu công nhân có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được đăng ký ở lại sản xuất 3 tại chỗ.

Trong quá trình sản xuất, các biện pháp phòng chống dịch được tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng ngày 20/7, một công nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sự kiện - Giải pháp nào để có thể tiếp tục sản xuất khi nhiều nhà máy vỡ trận kế hoạch '3 tại chỗ'?

Công ty Long Việt.

Cũng tại Bình Dương, mới đây, qua sàng lọc kết quả ghi nhận có hơn 18 doanh nghiệp tại khu công nghiệp VSIP có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Những công ty phát hiện F0 đều yêu cầu phong tỏa, ngừng sản xuất, tách F0 ra cách ly riêng tại nhà máy, chờ cơ quan y tế giải quyết.

Trước tình hình trên, ngày 29/7, UBND tỉnh Bình Dương phát công văn chỉ đạo các địa phương nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, nhấn mạnh hoạt động ở các công ty.

Theo đó, chỉ những doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện tổ chức hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm" mới được phép hoạt động, nếu không đảm bảo điều kiện thì phải cương quyết cho ngừng hoạt động.

Các doanh nghiệp cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và xét nghiệm sàng lọc để đưa công nhân lao động về địa phương.

Đến ngày 28/7, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có công văn gửi các doanh nghiệp trên địa bàn muốn tạm dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" yêu cầu những doanh nghiệp này phải tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người lao động trước khi đưa người lao động trở về nơi cư trú ở địa phương.

Tại Đồng Nai, đến ngày 1/8, ngành y tế ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 qua xét nghiệm sàng lọc tại công ty FRIWO ở khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa.

Lãnh đạo sở Y tế Đồng Nai cho biết, tình hình lây nhiễm tại một số công ty “3 tại chỗ” khá phức tạp, đặc biệt tại công ty BOE, huyện Nhơn Trạch phát hiện 50 ca mắc Covid-19.

Qua test nhanh toàn bộ nhân viên, có trên 50% trong tổng số hơn 700 công nhân đang làm việc tại công ty cho kết quả dương tính với  SARS-CoV-2 và đang tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Mặc dù, các doanh nghiệp đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc và thực hiện “3 tại chỗ” nhưng do xét nghiệm bằng test nhanh, xét nghiệm tỷ lệ ngẫu nhiên nên nguy cơ bỏ sót ca mắc Covid-19 khá cao.

Một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhưng nơi ở đông công nhân, không bảo đảm giãn cách nên đã ghi nhận nhiều ca mắc mới.

Hay tại công ty TNHH Nội thất New Fortune, KCN Nam Tân Uyên mở rộng, TX.Tân Uyên, từ khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” đến nay, công ty phát hiện 37 ca dương tính với Covid-19. 

Doanh nghiệp có đơn gửi UBND TX.Tân Uyên và ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, để sớm đưa các trường hợp F0 đi điều trị và F1 đi cách ly theo hướng dẫn.

Đến chiều 28/7, ngành chức năng đã đến đưa những công nhân mắc Covid-19 đi điều trị.

Tiếng nói "người trong cuộc"

Đại diện công ty TNHH ECOWIND, 858 Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên công ty buộc ngưng hoạt động từ đầu tháng Bảy đến nay.

Công ty ECOWIND chuyên sản xuất mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Mặc dù quy mô khoảng 20 đến 30 công nhân lúc cao điểm. Tuy nhiên, công ty vẫn không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” do vấn đề đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đại diện công ty này cho biết, tất cả những đơn hàng trong nước cũng như xuất khẩu đã bị ngưng dẫn đến hủy. Mặt khác, nhiều đơn hàng được gửi đến công ty cũng không thể nhận.

Khó khăn thời điểm này là chung của nhiều nhà máy, công ty và toàn xã hội. Vấn đề khi hết dịch, các công ty vực dậy thế nào khi công nhân đã nghỉ vệc, nguồn cung cấp nguyên liệu chậm hoặc khó khăn, đầu ra bị đứt gãy.

Công ty TNHH Kim Thịnh, khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” từ 18/7 đến nay.

Theo ban Giám đốc công ty, các phương án đảm bảo phòng, chống dịch được áp dụng thực hiện triệt để, từ ban giám đốc công ty, nhân viên văn phòng đến công nhân đều bắt buộc đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Luôn đảm bảo giữ khoảng cách.

Ngoài ra, đến chủ nhật mỗi tuần, công ty này đều test Covid-19 cho toàn bộ người trong nhà máy. Riêng tài xế công ty, 3 ngày test 1 lần.

Vấn đề sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, giặt giũ, ăn nghỉ cho công nhân được đảm bảo đúng yêu cầu khoảng cách, khử khuẩn. Công nhân, nhân viên văn phòng được tắm, giặt tại từng khu vực riêng, ăn uống 3 bữa tại nhà ăn.

Tuy nhiên, với việc sản xuất “3 tại chỗ”, việc công nhân ngủ nghỉ tại chỗ cũng làm nảy sinh bất tiện do bụi, vì công ty sản xuất phụ kiện bàn ghế sofa.

Để ứng phó tình hướng xấu nhất trong trường hợp có ca mắc Covid-19, công ty Kim Thịnh đã xây sẵn 2 phòng cách ly riêng biệt, xử lý nhanh các trường hợp F0.

Theo tìm hiểu, công ty Kim Thịnh thời điểm bình thường có gần 300 cán bộ, công nhân viên làm việc. Tuy nhiên, từ khi áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, công ty này chỉ giữ lại 174 người ở lại làm việc.

Hiện tại phương án sản xuất “3 tại chỗ” được cho là đang thành công tại công ty Kim Thịnh.

Công nhân được đảm bảo công việc, tăng ca ngoài giờ và các khoản phụ cấp khi ở lại làm việc trong mùa dịch. Ngoài ra, công nhân có thể được nhận đồ thiết yếu từ người thân gửi vào qua cổng bảo vệ và được khử khuẩn.

Tuy nhiên, không hẳn công ty nào cũng thuận lợi như công ty Kim Thịnh.

Công ty Nội thất Lees, 93/1 khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đang đối diện nguy cơ phá sản, khi chưa có tiền chi trả lương hơn 1 tháng cho công nhân.

Công ty phải tính phương án bán máy móc, thiết bị mới có tiền chi trả. Tuy nhiên thời điểm dịch, nên phương án này cũng không khả thi.

Theo nhân viên công ty này, công nhân vẫn muốn công ty hoạt động tiếp, thực hiện phương án "3 tại chỗ" vì số lượng người làm chỉ hơn chục người. Tuy nhiên, phía ông chủ Hàn Quốc cũng khó khăn do ảnh hưởng dịch, không còn vốn rót sang nên không thể duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Giám đốc công ty cho biết, công ty không thể thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” do không đảm bảo. Hiện, một số ít công nhân đã nghỉ việc về quê, số còn lai đang trụ lại chờ công ty giải quyết.

Theo liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, hiện còn một số doanh nghiệp đang gặp khó trong việc đưa các trường hợp F0 đi điều trị. Từ đó, công tác thực hiện “3 tại chỗ” trong doanh nghiệp có F0 gặp nhiều khó khăn.

Hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này,  theo TTXVN, ngày 31/7, ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã gửi công văn khẩn tới Thủ tướng Chính phủ, đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đề xuất, chỉ nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. 

Mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, một số nhà máy có ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày dẫn đến đổ vỡ mô hình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế (IBLA - International Business and Law Academy, gọi tắt là Viện IBLA) cho rằng, cần hiểu bản chất của khái niệm “3 tại chỗ”. Từ đó, phân tích những khó khăn bên trong khi doanh nghiệp triển khai.

Thứ nhất, về lao động sản xuất phải thực hiện 5K, trong đó có khoảng cách ngồi làm việc của công nhân.

Điều này khó thực hiện ở những dây chuyền sản xuất tự động.

Các máy móc được lập trình và gắn cố định theo băng chuyền sản xuất. Nếu giãn cách thì các máy không vận hành tự động được, công suất của nhà máy và năng suất lao động sẽ bị tắc nghẽn ở nhiều công đoạn. Từ đó, sản lượng và doanh thu thấp không đủ trang trải các chi phí sản xuất.

Thứ hai, việc ăn, ở, ngủ, nghỉ, sinh hoạt cá nhân… là trở ngại lớn với công nhân. Công nhân không chỉ ngủ mỗi người mỗi lều. Họ phải được tắm rửa, vệ sinh sau một ngày làm việc, và đảm bảo được sinh hoạt vệ sinh cá nhân.

Tuy nhiên, nhà máy không thể có đủ nhà tắm, nhà vệ sinh cho họ. Nếu làm thêm, xây mới sẽ vi phạm quy định trong quy hoạch nhà ở, nhà sinh hoạt cá nhân bên cạnh những cơ sở, xưởng sản xuất và vấn đề an toàn PCCC của nhà máy.

Thứ ba, việc xét nghiệm Covid-19 cho công nhân mỗi tuần một lần đã phát sinh chi phí ngoài sản xuất.

Một số công ty không thể lấy lỗ bù lãi. Công tác hậu cần, cung ứng thực phẩm không đảm bảo, thiếu hụt nguyên vật liệu, công nhân hoang mang, không tập trung làm việc cũng là những nguyên nhân khiến sản xuất "3 tại chỗ" đứt gãy.

Chính vì thế, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải tính bài toán tạm thời đóng cửa nhà máy để công nhân nghỉ việc.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cắt lỗ, đóng cửa nhà máy có lý do chính đáng, công nhân được hưởng trợ cấp, nhận tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp để về quê.

Với những người lao động giản đơn, làm việc theo thời vụ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thì tùy theo sự giải quyết linh động của chủ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra, dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu để các nhà máy hoạt động, công nhân quay trở lại làm việc? Những khu công nghiệp, những nhà máy sản xuất sẽ khôi phục sản xuất như thế nào?.

Sự kiện - Giải pháp nào để có thể tiếp tục sản xuất khi nhiều nhà máy vỡ trận kế hoạch '3 tại chỗ'? (Hình 2).

Chỉ nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”.

Trao đổi với PV TTXVN, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động.

Vì vậy, các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi triển khai hoạt động vẫn có thể gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh.

Hạn chế tối đa các tình huống doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch thì chính quyền hoặc chậm trễ trong việc kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ, khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy.

Sự kiện - Giải pháp nào để có thể tiếp tục sản xuất khi nhiều nhà máy vỡ trận kế hoạch '3 tại chỗ'? (Hình 3).

Sản xuất "3 tại chỗ" tại công ty Kim Thịnh.

Trao đổi về vấn đề này với PV, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp “3 tại chỗ” tối đa.

“Thị xã đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp để hướng dẫn công tác phối hợp xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19. Trường hợp doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”, đề nghị người lao động phải có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính mới cho về nơi cư trú”, ông Tươi nói. 

Công ty TNHH Quốc tế Chutex (số 18, đường Thống Nhất, khu công nghiệp Sóng Thần 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), từ giữa tháng Bảy, qua xét nghiệm nhanh ghi nhận hơn 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó công ty này phải ngưng sản xuất 14 ngày (từ 17/7 đến hết 31/7).

Theo kế hoạch, ngày 2/8 công ty này sẽ hoạt động lại theo phương án "3 tại chỗ". Phiếu tự nguyện đi làm cũng đã được phát cho công nhân đăng ký. Tuy nhiên sau đó, TP.Dĩ An tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nên kế hoạch này không thực hiện được.

Theo thông báo của công ty Chutex, người lao động sau khi hưởng đủ lương của 14 ngày ngưng việc, hai bên sẽ thỏa thuận sắp xếp nghỉ phép năm. Khi hết phép sẽ chuyển sang nghỉ không hưởng lương.

Được biết, công ty TNHH Quốc tế Chutex thuộc nghành hàng may mặc, quy mô hơn 6.000 công nhân. Việc tạm ngưng hoạt động không những ảnh hưởng đến công ty mà khoảng 6.000 công nhân mất việc cũng điêu đứng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoàng Văn Việt

Link nội dung: https://doisongnet.vn/giai-phap-nao-de-co-the-tiep-tuc-san-xuat-khi-nhieu-nha-may-vo-tran-ke-hoach-3-tai-cho-a4987.html