Vượt lũ cứu người
Khoảng 8h ngày 12/9, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, cơn bão số 5 (Conson) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và hầu như ít di chuyển. Ứng với thời gian trên, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km, đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Như vậy mối lo về cơn bão số 5 tạm thời giảm xuống.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau bão, người dân miền Trung nơm nớp với những mối hiểm họa khác từ thiên tai. Đó là sạt lở, lũ quét ở miền núi; ngập lụt ở đô thị và đồng bằng.
Tại bờ biển Nguyễn Tất Thành, TP.Đà Nẵng, sóng vẫn đánh rất cao dù gió đã giảm nhiều so với ngày 11/9. Toàn TP.Đà Nẵng trời vẫn mưa như trút nước. Nhiều tuyến đường như Tôn Đức Thắng, Tiểu La, Nam Cao bị ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu nửa bánh xe máy. Mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn được cảnh báo ở cấp độ 3.
Tại xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, các lực lượng chức năng vẫn đang hoạt động với 100% quân số nhằm chủ động ứng phó với hậu bão.
Trung úy Nguyễn Trung Chính, cán bộ Công an xã Hòa Bắc chia sẻ, mới nhất, lực lượng chức năng xã nhận được tin báo 8 người dân, trong đó có 2 em nhỏ đang bị mắc kẹt trong trang trại ở rừng. Mưa lớn, nước chảy xiết đã chia cắt con đường duy nhất nối vào trang trại.
Ngay lập tức, Công an xã Hòa Bắc cùng các lực lượng khác khẩn trương ứng cứu. Anh Chính cùng anh Lê Trọng Tùng, cán bộ dân quân thường trực đã vượt dòng nước xiết vào thôn Lộc Mỹ đưa cả 8 người dân về vùng an toàn.
Nỗi lo sạt lở, lũ quét hậu bão
Ngay gần xã Hòa Bắc, người dân xã Hoà Liên cũng đang nơm nớp với nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao sau bão số 5. Đơn cử như khu vực sạt lở đồi Lệ Mỹ, thôn Quan Nam 3 có chiều dài khoảng 600m, có độ chênh cao so với mặt đường ĐT601 từ 35 - 50m. Mưa lớn sau bão dễ xảy ra sạt lở và đá tảng lăn ảnh hưởng tới 17 hộ dân với 54 nhân khẩu.
Tại tỉnh Quảng Nam, hậu quả sau bão là nỗi hiện diện đau thương nhất của địa phương này, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Năm 2020, Quảng Nam xảy ra 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, đã có đến 30 người chết, 17 người mất tích.
Tại huyện Tây Giang, sáng 12/9, mưa vẫn như trút nước. Nhiều con đường độc đạo dẫn vào các xã như từ xã Lăng và đỉnh Quế bị ngập nước, nước chảy xiết như lũ rất nguy hiểm. Đặc biệt, mưa lớn kéo dài khiến nước sông dâng cao đột ngột, nhiều diện tích hoa màu, ao cá của người dân bị hư hại. Nhiều điểm bắt đầu xảy ra hiện tượng lũ quét.
Tại huyện Đông Giang, nước sông Kon bắt đầu dâng cao. Đoạn sông qua cầu sông Vàng cũ nước dâng ngập đến bụng người. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn cố băng qua sông rất nguy hiểm.
Do ảnh hưởng bão số 5, nhiều đoạn cầu, đường trên địa bàn xã Kà Dăng, huyện Đông Giang cũng đã bị ngập sâu, hư hỏng. Ban Công an xã Kà Dăng phát đi thông báo đề nghị người dân không qua lại để tránh nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, Quảng Nam đã di tản hàng ngàn hộ dân để phòng chống thiên tai. Đây đa phần là các huyện miền núi thường trực nguy cơ lũ quét, sạt lở sau bão. Tại huyện Nam Trà My di dời 28 hộ/116 khẩu, huyện Đông Giang 91 hộ/328 khẩu, huyện Phước Sơn 278 hộ/1.116 khẩu, huyện Tây Giang 42 hộ/151 khẩu, huyện Bắc Trà My 66 hộ/266 khẩu...
Lê Nhâm Thân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/mien-trung-sau-bao-nom-nop-noi-lo-lu-quet-sat-lo-dat-a5042.html