Trên thế giới, một số nước đã triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 3 để tăng khả năng bảo vệ con người trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
“Virus SARS-CoV-2 có thể có nhiều biến thể trong tương lai, nhằm chống lại vắc-xin của con người. Đơn cử như biến thể phụ của Delta là AY.4.2 lây lan nhanh và xuất hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, nhiều quốc gia đang khẩn trương tiêm mũi thứ 3 bảo vệ người dân”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM) cho biết.
Một số nước ở châu Âu, Israel … cũng đã triển khai tiêm mũi 3 cho người dân nhằm giảm số ca mắc và chuyển nặng khi quyết định thích ứng với Covid-19. Các chuyên gia nhận định, 6-12 tháng là khoảng cách tiêm vắc-xin mũi 3 an toàn, hiệu quả cao. Việc tiêm đúng thời gian quy định sẽ giúp Covid-19 dần trở thành bệnh cúm thông thường.
Trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng vắc-xin ngừa Covid-19, có giai đoạn Bộ Y tế phê duyệt tiêm khác loại vắc-xin. Đơn cử, người tiêm vắc-xin Astrazeneca mũi 1 thì mũi 2 có thể tiêm vắc-xin Pfizer. Mục tiêu nhằm nhanh chóng tạo hệ miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh nguồn vắc-xin khan hiếm, dịch bệnh căng thẳng.
Thời điểm này, để tiêm mũi 3 an toàn, tránh những biến chứng xảy ra, các chuyên gia cho rằng, trên lý luận khoa học chặt chẽ muốn biết loại mũi tiêm tăng cường nào là phù hợp thì phải dựa trên nghiên cứu thực nghiệm.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược Tp.HCM cho biết: "Nghiên cứu cho thấy có thể tiêm vắc-xin tăng cường (mũi 3) cùng loại vắc-xin cơ bản (mũi 1 và mũi 2) như vắc-xin Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, do tiên liệu việc cung ứng vắc-xin có thể khó khăn và dựa trên các lý thuyết miễn dịch, hiện một số nhà khoa học đã thăm dò khả năng sử dụng loại vắc-xin khác để tiêm mũi tăng cường".
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường đại học Y Dược Tp.HCM kiêm Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) - cho biết trước đó, nếu tiêm 2 mũi đầu là vắc-xin AstraZeneca hoặc vắc-xin khác loại được phép tiêm thì có thể tiêm Moderna hoặc Pfizer. Ví dụ, mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 Pfizer hoặc mũi 1 Moderna mũi 2 Pfizer thì mũi 3 cũng có thể tiêm chéo 2 loại vắc-xin này (vì hiện được phép tiêm trộn 2 loại này).
Cũng theo PGS.Phùng Nguyễn Thế Nguyên, các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 sẽ là những phản ứng phổ biến như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng.
Các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho hay tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 liều thứ 3 gần như giống cảm giác sau mũi 1 và 2. Cụ thể, các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất sau khi tiêm mũi thứ ba vắc-xin mRNA (Moderna và Pfizer) bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và sốt, sau đó là ớn lạnh và buồn nôn. Hầu hết đều nhẹ hoặc trung bình và hết sau vài ngày.
Ngoài ra, sưng hạch bạch huyết ở vùng dưới cánh tay cũng là phản ứng phụ có thể gặp phải sau khi mũi thứ 3 vắc-xin Pfizer. Mặc dù phản ứng này rõ rệt hơn mũi 1 và 2, nó vẫn vô hại và không quá nghiêm trọng.
Mặc dù các tác dụng phụ thường tồn tại thời gian ngắn và tự hết trong vài ngày, CDC Mỹ khuyên người dân nên hỏi ý kiến của bác sĩ về thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau hoặc khó chịu.
Minh Hoa (T/h)
Link nội dung: https://doisongnet.vn/tiem-mui-3-vac-xin-covid-19-co-the-gap-tac-dung-phu-gi-a5140.html