Lao động về quê thiếu việc làm
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Khương, ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau làm công nhân ở tỉnh Bình Dương trở về địa phương tránh dịch đã hơn 1 tháng qua.
Sau thời gian dài ở nơi đất khách quê người không có việc làm, vợ chồng anh Khương trở về quê với hai bàn tay trắng. Trong thời gian cách ly theo quy định, gia đình anh nhận được hỗ trợ của địa phương để trang trải khó khăn.
Hoàn thành cách ly, anh muốn kiếm việc để gồng gánh gia đình nhưng không có. Anh Khương đi bán bánh mì để nuôi 4 miệng ăn nhưng đồng lời từ việc làm tạm bợ này không đủ để đảm bảo đời sống gia đình.
Tại xã Hòa Mỹ, từ đầu tháng 10 tới nay, địa phương đã tiếp nhận hơn 400 công dân trở về quê tránh dịch. Đến thời điểm này, hầu hết người dân đã hoàn thành cách ly y tế và trở lại cuộc sống bình thường. Chính quyền địa phương đang gặp phải khó khăn trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho những người trở về.
Ông Hà Phương Đông, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ chia sẻ: “Trước làn sóng di cư của người dân về địa phương, đặc biệt, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tp.Hồ Chí Minh. Đã qua, xã đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người trở về.
Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều hộ khó khăn, do về địa phương chưa có điều kiện làm việc. Xã đang rà soát lại các đối tượng này để có chương trình giới thiệu, tư vấn việc làm cho họ”.
Tương tự xã Hòa Mỹ, xã Tân Hưng Đông của huyện Cái Nước cũng đang gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho gần 800 công nhân đi lao động từ các tỉnh vùng trên trở về.
Ông Lê Kha Nưa, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông cho biết, xã đã phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, giới thiệu người dân cho các sàn giao dịch lao động để họ tìm được việc làm.
Tuy nhiên, có một khó khăn rất lớn là ngành nghề của lao động trở về không phù hợp nhu cầu ở địa phương. Còn việc đào tạo nghề, giải quyết lao động trong điều kiện hiện nay sẽ gặp những khó khăn.
Toàn huyện Cái Nước có hơn 4.000 người đi lao động ở các tỉnh trở về quê tránh dịch. Đa số trong số này đều đang cần việc làm để giúp gia đình. Còn trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh Cà Mau con số này lên tới hàng chục ngàn người.
Khắc phục thực trạng nơi thừa, chỗ thiếu lao động
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh sau giãn cách do dịch bệnh Covid-19”.
Phát biểu trong hội thảo, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau nêu thực trạng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường lao động của tỉnh bị biến động mạnh.
Từ khoảng đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Cà Mau có trên 54.800 người lao động trở về địa phương. Qua rà soát, tỉnh có khoảng 44.000 người cần được giải quyết việc làm. Cùng cảnh ngộ với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, vấn đề giải quyết việc làm cho người về quê đang là một bài toán khó với Cà Mau.
Để giải quyết việc làm cho người lao động, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quản trị (Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch Covid-19 đã đặt ra cho mọi người vấn đề phải thích nghi. Người lao động và doanh nghiệp cũng phải thích nghi như vấn đề làm việc từ xa, làm việc tại nhà.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam lưu ý, người lao động trong điều kiện dịch bệnh không chỉ phải có trách nhiệm với công việc mà còn nặng vấn đề chăm sóc sức khỏe gia đình, cha mẹ già. Người lao động hiện nay đi làm cũng không phải chỉ để kiếm sống mà còn là cống hiến, đóp góp cho xã hội.
Doanh nghiệp cần lưu ý tới tâm lý người lao động để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc đào tạo lao động luôn là vấn đề quan trọng nhưng cũng phải đào tạo theo hướng thích ứng.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam nêu rõ: "Từ xưa tới giờ đến giờ, doanh nghiệp có rất nhiều ngành nghề, vị trí khác nhau thì doanh nghiệp cứ chia đều khoản tiền đào tạo ra để đào tạo. Bây giờ thì phải thay đổi, đào tạo theo chiến lược, trong chiến lược đó thì lao động nào là mấu chốt, là sống còn?.
Như tại ĐBSCL nói chung, tại Cà Mau là sản xuất thủy sản như vậy đối với doanh nghiệp thủy sản lao động nào là chủ chốt, quan trọng tạo ra giá trị gia tăng cao thì tập trung vào".
Thiết nghĩ, để có giải pháp lâu dài, bền vững, cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần có những kế hoạch, sự đầu tư, đào tạo phù hợp để nguồn nhân lực có thể thích nghi với những tình huống phát sinh.
Hữu Việt Tâm
Link nội dung: https://doisongnet.vn/ca-mau-bai-toan-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-ve-que-tranh-dich-a5193.html