Chiều 25/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM, Thành phố này cố gắng nhiều biện pháp nhưng số F0 có chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian qua.
Liên quan đến số ca tử vong, bà Mai cho biết, qua thống kê thì nhiều trường hợp F0 tử vong liên quan đến người trên 65 tuổi, hoặc đối tượng chưa được chích ngừa vắc-xin phòng Covid-19.
Sở Y tế Tp.HCM đã xây dựng và trình UBND Tp.HCM về chiến lược y tế thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả Covid-19, cũng như quy chế phối hợp trong việc quản lý chăm sóc F0 tại nhà và các cơ sở thu dung điều trị F0 trên địa bàn các quận huyện và Tp.Thủ Đức.
“Đặc biệt, trong tuần qua Sở Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, hướng dẫn cụ thể trường hợp F0 trong tình hình mới, cũng như cách sử dụng gói thuốc A, B, C trong tình hình mới”, bà Mai nói.
Các giải pháp khác được Sở Y tế Tp.HCM triển khai là lập tổ kiểm tra các hoạt động tại 22 quận, huyện, Tp.Thủ Đức để nắm bắt tình hình đối với nhu cầu của người dân…
Cùng với đó, là túc trực đường dây nóng, củng cố lại đường dây 1022 với sự tham gia của 200 bác sĩ để tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà. Đồng thời, tái lập lại hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ tốt nhất cho các F0 trong thời gian tới.
Sở Y tế Tp.HCM cũng có văn bản chấn chỉnh lại những cơ sở y tế không tiếp nhận bệnh nhân, hay không trả lời kịp thời phản ánh của người dân gọi tới.
Việc điều động tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng và bổ sung cho các trạm y tế lưu động, cũng như các khu vực có F0 gia tăng như huyện Hóc Môn, Bình Chánh…được ngành y tế Tp.HCM thực hiện khẩn trương.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho hay, sau 3 ngày (22-24/11) triển khai tiêm mũi 2 cho trẻ em 12-17 tuổi, tổng số trẻ tại Tp.HCM được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là hơn 324.000. Trước đó đã có 670.642 trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm mũi 1.
“Tiến độ tiêm đợt 2 diễn tiến khá tốt. Theo kế hoạch, công tác tiêm chủng diễn ra trong 7 ngày nhưng hiện 3 ngày đã tiêm được 1/2 số lượng trẻ”, ông Tâm nhận định.
Ông Tâm cũng cho biết, trong quá trình tiêm chủng mũi 2 cho trẻ, ngành y tế Tp.HCM ghi nhận 284 trường hợp trẻ hoãn tiêm do mắc bệnh cấp tính, hoặc bệnh nền lâu năm, hoặc có tiền sử sốc phản vệ.
Về việc muốn giảm tỷ lệ tử vong, đại diện HCDC cho rằng, cần phải giảm tỷ lệ nhập viện, tầm soát F0 ngay từ ban đầu hay còn gọi là “chiến lược đánh trận từ xa” để hạn chế số F0 phải nhập viện, cũng như hạn chế số ca tử vong.
Ngành y tế Tp.HCM đặt mục tiêu tất cả F0 đều được trạm y tế, chính quyền địa phương quản lý. Theo yêu cầu, các cơ sơ y tế, trạm y tế phải tiếp cận được với F0 trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời, cũng như hướng dẫn, phát gói thuốc…
"Mặt khác, phải chăm sóc đầy đủ F0 phù hợp với tình trạng của F0, tăng cường gói thuốc C mà qua thời gian thí điểm cho thấy có tác dụng làm giảm triệu chứng, nguy cơ tử vong”, ông Tâm nói.
Khi quản lý F0 tại nhà, trạm y tế và chính quyền phường xã phải đảm bảo thông tin thông suốt. Các đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh, đường dây nóng của trạm y tế phải hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch.
Nguyễn Thành Nhân
Link nội dung: https://doisongnet.vn/tp-hcm-nang-cao-chat-luong-dieu-tri-phoi-hop-quan-ly-f0-tai-nha-a5222.html