Ứng xử khi có F0 trong trường
Tại chương trình “Dân hỏi thành phố trả lời” tối 26/11, trước thắc mắc của phụ huynh, khi học trực tiếp, những học sinh không thể tiêm được vắc-xin sẽ nghỉ hay vẫn được tới trường học chung với học sinh đã được tiêm?
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cho hay ngành giáo dục xem tất cả học sinh đều có quyền lợi đến trường bình thường như các bạn khác.
Theo ông Dũng, thầy cô giáo phải xem những học sinh này là đối tượng quan tâm đặc biệt, ngoài hỗ trợ học tập phải chú ý đến quá trình sinh hoạt tại nhà trường để an toàn nhất. Những học sinh này thuộc nhóm dễ tổn thương nên ngành giáo dục sẽ có phương án, các trường sẽ phải tập trung đối với những đối tượng học sinh này.
Trước ý kiến này, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng, bởi hiện nay bệnh viện dã chiến ở Tp.HCM lại đang kín giường, kín bệnh nhân Covid. Vậy học sinh không tiêm vẫn đi học bình thường thì có nguy hiểm quá không?
Nhìn nhận dưới góc độ y tế, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM) cho rằng, trẻ khi đã được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 vẫn có thể mắc Covid-19 bình thường.
“Nếu nói một đứa trẻ không tiêm vắc-xin không được đến trường thì không hiểu về vắc-xin. Tôi chỉ hỏi một câu là có chắc rằng tất cả mọi người được tiêm thì không có F0?”, bác sĩ Khanh bày tỏ.
Theo bác sĩ Khanh, dù có tiêm phòng đầy đủ thì vẫn có F0, điều quan trọng là mình ứng xử khi có F0.
“Theo tôi, trẻ không tiêm vẫn có thể đi học bình thường. Nhưng, đi học phải chấp nhận là có F0 và có biện pháp xử lý hợp lý khi mở cửa và có F0 trong trường, chứ không phải đã tiêm đủ thì không có F0”, bác sĩ Khanh nói.
Có biện pháp dự phòng cho trẻ chưa tiêm vắc-xin
Trong khi đó, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, số ca F0 tại Tp.HCM không những quá tải mà tỉ lệ trẻ mắc Covid cũng bắt đầu tăng dần.
Theo TS.BS Thái, người lớn được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thì triệu chứng rất nhẹ hoặc không cần phải can thiệp y tế. Tuy nhiên, trẻ em chưa được tiêm vắc-xin sẽ có những biểu hiện nặng. Rõ ràng, khi có biểu hiện nặng thì đó là nguy cơ, nếu không được tiêm thì sẽ không được bảo vệ.
“Thế nhưng, sẽ có những đối tượng trẻ em không thể tiêm được như có tiền sử phản vệ… Như vậy, không thể ép tiêm mà sẽ phải chờ một loại vắc-xin khác phù hợp hơn. Trong hoàn cảnh phải chờ như vậy, căn cứ vào tình hình dịch tễ của địa phương thì sẽ quyết định trẻ không được tiêm được đi học hay không”, TS.BS Thái nói.
TS.BS Thái cũng cho rằng, về cơ bản dịch đang bùng phát thì không mở trường, chỉ khi nào dịch lắng xuống, khống chế được dịch thì trẻ em được đến trường. Khi đó, trẻ không tiêm vẫn đến trường bình thường, đồng thời có những biện pháp dự phòng cho những trẻ đó.
“Cố gắng làm sao để các em tiếp cận sớm nhất với vắc-xin để đi học là an toàn, chứ không đặt nặng vấn đề phải có vắc-xin mới được đi học”, TS.BS Thái nhấn mạnh.
TS.BS Thái cũng khuyến cáo phụ huynh khi lo ngại thì phải biết giữ gìn cho con, cách tốt nhất vẫn là tiêm vắc-xin.
Ngoài ra, liên quan đến các ca F0 ngoài cộng đồng xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành bác sĩ Khanh cho rằng điều này không quan trọng nữa. Bởi, đã tiêm phòng, đã mở cửa thì chắc chắn có F0, thậm chí F0 tăng. Vấn đề ở chỗ là có bệnh nặng hay không.
Bác sĩ Khanh cũng đưa ra khuyến cáo, người dân vẫn cần có ý thức tuân thủ 5K, 5K cục bộ là chơi với ai, tiếp xúc với ai trong phạm vi hẹp.
Tính từ 16h ngày 26/11 đến 16h ngày 27/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.063 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.048 ca ghi nhận trong nước (giảm 46 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.160 ca trong cộng đồng).
Trong ngày 26/11 đã có 1.359.412 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://doisongnet.vn/chuyen-gia-noi-ve-viec-hoc-sinh-tp-hcm-khong-tiem-vac-xin-duoc-di-hoc-a5240.html