Để bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời, đẩy mạnh công tác đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ nhân dân gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Theo kế hoạch, hàng hóa tham gia chương trình bình ổn phải bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn, như: gạo, nếp, thịt các loại, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm...theo kế hoạch của doanh nghiệp được Sở Công Thương xét duyệt.
Các doanh nghiệp tham gia thuộc thành phần kinh tế (gọi chung là doanh nghiệp) thì phải do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xác định lựa chọn. Tiêu chí lựa chọn phải công khai, minh bạch, bình đẳng với mọi thành phần kinh tế để chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.
Bên cạnh đó, giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình phải thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 351,38 tỷ đồng với nhiều mặt hàng bình ổn tại các đơn vị.
Về tổ chức thực hiện, Sở Công Thương Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Bình Thuận, các Ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tham gia chương trình tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường.
Đồng thời đôn đốc việc thực hiện của doanh nghiệp để bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó chú ý đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại để phục vụ nhân dân trên địa bàn với giá hợp lý.
Mặt khác, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
Sở Công Thương chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, trứng gia cầm…bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Vận động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia bình ổn thị trường Tết Nguyên đán.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thông tin, tuyên truyền về các điểm bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp tham gia chương trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.
Đồng thời rà soát các mặt bằng thuận tiện đang quản lý, sử dụng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tham gia chương trình đặt địa điểm bán hàng bình ổn, gắn với việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… tại địa bàn tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường tại địa phương.
Nguyễn Đắc Phú
Link nội dung: https://doisongnet.vn/binh-thuan-du-tru-hang-hoa-binh-on-thi-truong-phuc-vu-tet-nguyen-dan-nham-dan-2022-a5328.html