Sai phạm tại Sadeco: Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 12 – 14 năm tù

Được xác định vai trò đầu vụ, các bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị từ 12 – 14 năm tù; Tề Trí Dũng bị đề nghị từ 20 – 22 năm tù về hai tội danh bị truy tố.

9 triệu cổ phần của Sadeco được bán rẻ thế nào?

Sáng 4/1/2022, TAND Tp.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 19 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn Nhà nước) với phần tranh luận.

Dòng chảy pháp luật - Sai phạm tại Sadeco: Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 12 – 14 năm tù

Bị cáo Tất Thành Cang.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND Tp.HCM thực hành công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo VKS, IPC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, góp vốn và nắm quyền chi phối tại Sadeco với tỉ lệ 74,8%.

Năm 2015, trong đề án tái cơ cấu, UBND Tp.HCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn. Tuy nhiên, IPC đã không thực hiện yêu cầu, giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8% thông qua phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.

Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và sau đó được dàn lãnh đạo IPC biểu quyết thông qua với tỉ lệ 100%.

Ngày 16/5/2017, bị cáo Tất Thành Cang có bút phê ký “Đồng ý” vào Tờ trình 1148-TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM với giá phát hành cổ phần được xác định là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp.

Ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Thông báo 495-TB/VPTU do nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM Tất Thành Cang ký, truyền đạt ý kiến chỉ đạo “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Bị cáo Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ, nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định.

Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco đã gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là Công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.

Ngày 14/8/2018, Sadeco họp Đại hội cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để hủy hợp đồng hợp tác đầu tư.

Ngày 17/10/2019, Sadeco ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với đối tác với Công ty Nguyễn Kim, hoàn trả lại cho Công ty Nguyễn Kim 360 tỷ đồng, còn Sadeco được nhận lại 9 triệu cổ phần.

Cáo trạng xác định, bị cáo Tề Trí Dũng đóng vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy Tp.HCM tại Sadeco (16,7%) là 184 tỷ đồng.

Dù hậu quả của vụ án đã được khắc phục, nhưng do hành vi phạm tội của Tất Thành Cang và đồng phạm đã hoàn thành nên việc truy tố là có căn cứ.

Ngoài các hành vi nêu trên, các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp còn vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong việc chi tiền của Công ty Sadeco cho nhiều cá nhân không thuộc diện đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát, học tập” trái quy định, gây thiệt hại cho Công ty Sadeco gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại vốn Nhà nước gần 2,2 tỷ đồng.

Tề Trí Dũng và một số bị cáo còn có hành vi tham ô tài sản qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng với số tiền chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đầu vụ

Căn cứ hồ sơ vụ án cùng diễn biến tại tòa, đại diện VKS xác định các bị cáo mắc nhiều sai phạm suốt quá trình chuyển nhượng cổ phần Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim.

Theo đại diện VKSND Tp.HCM, bị cáo Tất Thành Cang với cương vị là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM, bị cáo phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy Tp.HCM (chủ sở hữu vốn Thành ủy Tp.HCM tại IPC), nắm rõ mọi quy định liên quan đến vấn đề phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ tại Sadeco. Dù vậy, bị cáo Tất Thành Cang bút phê “đồng ý” chủ trương phát hành cổ phần mà không chỉ đạo cấp dưới triển khai đấu giá, định giá cổ phần. Từ đó, Nhà nước thiệt hại khoảng 669,6 tỷ đồng, gồm: vốn thuộc sở hữu UBND Tp.HCM là hơn 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy Tp.HCM là hơn 184 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang thừa nhận bản thân có bút phê “đồng ý”. Tuy vậy, bị cáo lập luận hành vi đó không sai. Tuy nhiên, đại diễn VKS bác bỏ lời khai này và khẳng định đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo cang về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

“Cáo trạng truy tố bị cáo Tất Thành Cang với vai trò đầu vụ là đúng người, đúng tội. Bị cáo phải chịu trách nhiệm đầu vụ”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Quá trình xét hỏi tại tòa, nhận thấy bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội, khai báo không thành khẩn, đại diện cơ quan công tố cho rằng pháp luật cần có mức án nghiêm khắc.

Dòng chảy pháp luật - Sai phạm tại Sadeco: Bị cáo Tất Thành Cang bị đề nghị 12 – 14 năm tù (Hình 2).

Bị cáo tề Trí Dũng bị đề nghị tổng mức án từ 20 - 22 năm tù giam về hai tội danh.

Ngoài sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần trái luật, đại diện VKSND Tp.HCM chỉ rõ bị cáo Tề Trí Dũng (nhận sự giúp sức từ nhiều thuộc cấp) thực hiện thủ đoạn duyệt chi nhiều khoản tiền trái luật định. Nhờ đó, bị cáo chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ đồng. Đại diện VKS nhận định, bị cáo Dũng giữ vai trò chính và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng theo dại diện cơ quan công tố, nhóm 18 bị cáo đồng phạm còn lại giữ vai trò tham mưu, giúp sức các bị cáo đầu vụ trong quá trình phạm tội, cũng cần thiết có mức án tương xứng.

Từ các nhận định trên, đại diện VKS thực hành công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang mức án từ 12 – 14 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cũng bị truy tố về tội danh trên, VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng từ 20-22 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo Dũng phải chịu trách nhiệm về tội Tham ô tài sản. VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo mức án từ 9 – 10 năm tù giam về tội danh này. Tổng hình phạt mà VKS đề nghị với bị cáo Dũng là từ 20 – 22 năm tù giam.

Là đồng phạm, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Sadeco bị đề nghị từ 19-21 năm tù về hai tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Tham ô tài sản.

Đối với 17 bị cáo còn lại, đại diện VKSND Tp.HCM đề nghị tòa tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 15 năm tù.

Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…

Võ Công Thư

Link nội dung: https://doisongnet.vn/sai-pham-tai-sadeco-bi-cao-tat-thanh-cang-bi-de-nghi-12-14-nam-tu-a5441.html