Trước thực tế số ca mắc Covid-19 tăng nhanh sau Tết, một số địa phương trên cả nước đã triển khai các biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch. Vậy, số ca mắc liên tục tăng có đáng lo ngại, cần làm gì để giảm thiểu số ca mắc hàng ngày?
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) về vấn đề trên.
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, những ngày qua số ca mắc Covid-19 tại các địa phương trên cả nước tăng với số lượng lớn, theo ông nguyên nhân là do đâu?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Số ca mắc Covid-19 tăng cao trong những ngày qua do người dân đi lại nhiều trong đợt Tết, có sự tiếp xúc nhiều người với nhau. Trong đó, có người nhiễm tiếp xúc với người lành. Nhất là đợt Tết không chỉ đi lại trong một địa phương mà nhiều địa phương với nhau. Cùng với đó, người dân cũng không thể thực hiện tốt quy định “5K” do tụ tập ăn uống, không đeo khẩu trang, tập trung đám đông tiếp xúc gần. Không triệt để được “5K”, có sự tiếp xúc gần là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc bệnh tăng cao.
NĐT: Thưa ông, số ca mắc tăng cao mỗi ngày, liên tục lập đỉnh có nằm trong dự liệu hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây là vấn đề đã được dự báo từ trước. Vì chúng ta xác định sau Tết thì số ca bệnh sẽ tăng. Nhiều người thắc mắc vì sao trước Tết và thời điểm Tết số ca bệnh giảm đi, đến khi quay trở lại làm việc thì số ca bệnh tăng cao? Câu trả lời là do người dân mới nhiễm, chưa phát bệnh, trong Tết cũng không xét nghiệm, không báo cáo thống kê kịp thời. Đến sau Tết, xét nghiệm hàng loạt thì phát hiện ra nhiều ca bệnh.
Chúng ta phải xác định số mắc còn thực tế còn cao hơn con số 3.000-4.000 ca/ngày. Vì, rất nhiều trường hợp không có triệu chứng là nguồn lây âm thầm trong cộng đồng. Ngoài ra, có một bộ phận không nhỏ người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo.
NĐT: Rõ ràng, hiện nay tỉ lệ bao phủ vắc-xin của chúng ta đã cao, tuy nhiên không ít người có tâm lý chủ quan vì đã được tiêm vắc-xin rồi thì không lo, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Phải hiểu rằng, dù tỉ lệ bao phủ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở nước ta đạt tỉ lệ cao. Nhưng việc tiêm vắc-xin hiệu quả bảo vệ không phải đạt 100%. Tiêm vắc-xin rồi nhưng vẫn bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm có triệu chứng không nặng, cho nên không dựa vào tiêm vắc-xin mà chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
NĐT: Như ông nói, hiện có một bộ phận không nhỏ người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo, tự điều trị tại nhà, điều này có đáng lo ngại?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đúng là hiện nay có những trường hợp tự xét nghiệm dương tính nhưng không chịu khai báo, tự điều trị bệnh theo các hướng dẫn trên mạng. Tôi cho rằng, mọi người cần phải khai báo, bởi không khai báo nhỡ khi bệnh nặng lên, không có tư vấn điều trị kịp thời thì bệnh sẽ trở nặng và nguy hiểm. Nhất là việc khai báo y tế còn giúp cho cơ quan y tế biết để chỉ đạo, tư vấn phòng bệnh cho những người khác.
Việc người dân tự ý mua thuốc (ngoài những thuốc thông thường như hạ sốt, giảm đau) để uống cũng là không nên. Vì uống thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc không đúng sẽ dẫn đến kháng thuốc.
NĐT: Bên cạnh số ca mắc tăng cao, số ca bệnh tử vong mỗi ngày cũng đáng chú ý. Ông nhận định như thế nào về con số tử vong thời gian qua?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, cần phân tích, làm rõ những người tử vong do không tiêm là thuộc nhóm chống chỉ định tiêm hay do ý thức của người dân không tiêm. Cần rà soát lại tất cả những đối tượng chống chỉ định, trì hoãn tiêm, đối tượng nào có thể tiêm được thì tiêm ngay. Trước đây, có những người già, có bệnh nền là không chịu tiêm, bản thân cán bộ y tế cũng ngại nên giờ chúng ta phải kiểm tra lại tất cả những trường hợp chống chỉ định trước đó.
Người già, bệnh nền là yếu tố gia tăng nguy cơ tử vong, nhưng nếu không mắc Covid-19 họ sẽ không tử vong. Vì thế, khi đã mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được.
NĐT: Hiện nay, chúng ta đã mở cửa các chuyến bay, thích ứng linh hoạt các hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc số ca mắc sẽ tăng, vậy ông có khuyến cáo gì để vừa đảm bảo thích ứng linh hoạt vừa kiểm soát có hiệu quả các ca nhiễm?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta cần kiểm soát số ca nhiễm. Trước kia 10%, nghĩa là trong 10 ca bị 1 ca, nhưng bây giờ 100 ca bị 1 ca, nghĩa là chỉ 1%. Tỉ lệ giảm nhưng số tuyệt đối không giảm. Hiện, cả nước bình quân mỗi ngày có 80 người tử vong. Hiện nay, đâu có bệnh dịch nào 80 người tử vong/ngày, Hà Nội có 10 người tử vong/ngày. Có bệnh dịch nào từ trước đến nay, ngay cả sốt xuất huyết cũng chỉ có vài chục ca/năm.
Phân tích như vậy để thấy dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp và nguy hiểm, chúng ta không thể chủ quan. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập...
NĐT: Xin cảm ơn ông!
Nhiều tỉnh thành triển khai các biện pháp kiểm soát dịch
Lào Cai: Trước tình hình số ca nhiễm tăng nhanh, tỉnh Lào Cai yêu cầu tạm dừng việc dạy học đối với cấp học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, riêng Tp. Lào Cai sẽ tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn kể từ ngày 19/02/2022 cho đến khi có thông báo mới (gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp). Các địa phương tăng cường điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng nhằm giám sát các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà.
Bắc Ninh: Để hạn chế số ca nhiễm lây lan nhanh sau Tết, tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa và các hoạt động lễ hội tập trung đông người. Yêu cầu các dịch vụ ăn uống trong nhà chỉ phục vụ 50% công suất, không quá 30 người cùng một thời điểm, khuyến khích bán hàng mang về. Hạn chế số người ở các đám hiếu, hỉ, không quá 30 người. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động nhưng không quá 20 người cùng một thời điểm…
Yên Bái: Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Yên Bái diễn biến hết sức phức tạp, cấp độ dịch đã ở cấp độ 4, nguy cơ rất cao. Để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó tạm dừng một số hoạt động từ 00h00 ngày 19/2/2022.
Nam Định: Sau nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 luôn ở con số cao 1.700-1.800 ca mỗi ngày, tỉnh Nam Định đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội; không tổ chức hoạt động tập trung đông người. Yêu cầu người dân hạn chế di chuyển ngoại tỉnh khi không cấp thiết.
Hoàng Thị Bích
Link nội dung: https://doisongnet.vn/so-ca-mac-covid-19-lien-tuc-lap-dinh-moi-vi-dau-nen-noi-a5565.html