Vụ “bác sĩ giả” điều trị Covid-19, đối tượng phạm nhiều tội khác nhau

Trước sự việc giả mạo bác sĩ để hành nghề khám chữa bệnh điều trị Covid-19, chuyên gia pháp lý đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 22/2, báo chí phản ánh về sự việc đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm, sinh năm 1996, quê tỉnh Ninh Thuận có hành vi giả mạo sinh viên Trường Đại học Y dược Tp.HCM, giả mạo bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để hành nghề khám chữa bệnh tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực Tp.HCM. Ngay lập tức, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Công an Tp.HCM vào cuộc điều tra.

Xoay quanh câu chuyện này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

Thưa luật sư, dưới góc độ pháp lý ông nhận định như thế nào đối với sự việc đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để hành nghề khám chữa bệnh tại khu cách ly, điều trị Covid-19?

Như thông tin báo chí đã phản ánh, vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm, sinh năm 1996, giả danh là sinh viên Trường Đại học Y Dược Tp.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Điện lực Tp.HCM đang gây lo lắng trong dư luận.

Đây là sự việc với nhiều tình tiết phức tạp, có dấu hiệu vi phạm nhiều tội khác nhau, như: tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác (Điều 339 Bộ luật Hình sự); tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự),…

Hiện, sự việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ. Việc quyết định khởi tố còn phụ thuộc vào kết quả xác minh và quyết định của cơ quan điều tra.

Góc nhìn luật gia - Vụ “bác sĩ giả” điều trị Covid-19, đối tượng phạm nhiều tội khác nhau

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đánh giá, sự việc giả mạo bác sĩ điều trị Covid-19 của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm có nhiều tình tiết phức tạp, cần khẩn trương điều tra làm rõ.

Theo xác minh ban đầu từ Sở Y tế Tp.HCM, từ cuối tháng 9/2021, Trung tâm y tế quận 12 và Trường Đại học Y Dược Tp.HCM đã phát hiện ra sự việc này. Phía Trường Đại học Y Dược Tp.HCM thừa nhận có sự lỏng lẻo trong quản lý khi huy động sinh viên tình nguyện chống dịch chỉ qua thẻ sinh viên mà không kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu học viên nhà trường. Việc này của Trường Đại học Y Dược Tp.HCM được đánh giá ra sao, thưa luật sư?

Mặc dù có những thiếu sót trong công tác quản lý, huy động sinh viên nhưng Trường Đại học Y Dược Tp.HCM không phải là pháp nhân thương mại nên không chịu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Việc xác định lỗi, phạm vi trách nhiệm và phương án xử lý của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi sự việc được điều tra, làm rõ.

Thông tin trên báo chí, đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm cho biết đã ký nhiều bệnh án, hồ sơ, giấy chuyển viện,...dưới danh nghĩa bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy. Hành vi mạo danh này sẽ bị xử lý ra sao?

Đối với hành vi ký nhiều bệnh án, hồ sơ, giấy chuyển viện,...dưới danh nghĩa bác sĩ khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, bản thân Khiêm biết rõ mình không phải là bác sĩ nhưng cố ý dùng thẻ sinh viên giả, tự mạo nhận là bác sĩ và liên tiếp thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác. Thậm chí là việc làm giả giấy khen của Sở Y tế, trên Giấy khen này ghi rõ Khiêm đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy với vị trí là bác sĩ Khoa Tim mạch.

Đây là một trong các chứng cứ quan trọng không chỉ xác định hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức mà còn thể hiện rõ dấu hiệu phạm tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo Điều 339 Bộ luật Hình sự.

Góc nhìn luật gia - Vụ “bác sĩ giả” điều trị Covid-19, đối tượng phạm nhiều tội khác nhau (Hình 2).

Hiện, Sở Y tế Tp.HCM và Công an Tp.HCM đang vào cuộc xác minh làm rõ đối với thông tin đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm giả danh bác sĩ trong khu cách ly, điều trị Covid-19.

Hậu quả của chuỗi hành vi này chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị cho bệnh nhân tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực Tp.HCM. Như vậy, các trường hợp bệnh nhân tại đây này có quyền yêu cầu bồi thường ra sao và đối với cá nhân, tổ chức nào?

Nếu như hậu quả của chuỗi hành vi này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cơ sở trên, khi các bệnh nhân, người nhà F0 đã qua đời tại đây nếu có đủ chứng cứ chứng minh về thiệt hại, tổn thất xảy ra là do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức sai phạm thì có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức này bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp phát hiện và có chứng cứ chứng minh hành vi khác vi phạm pháp luật nghiêm trọng, họ cũng có quyền tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền để đề nghị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm xảy ra.

Đây là vụ việc khá phức tạp, cần làm rõ động cơ, tính chất, mức độ vi phạm cũng như quá trình điều tra cần thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, rất cần thiết phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng giữa nhiều ban ngành như Công an Tp.HCM, Sở Y tế Tp.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, UBND quận 12, Trường Đại học Y dược Tp.HCM và một số đơn vị khác có liên quan để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng bỏ sót hành vi vi phạm, bỏ lọt tội phạm.

Cảm ơn ông!

Trưa 22/2, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM, Trường Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin về trường hợp giả bác sĩ có tên Nguyễn Quốc Khiêm vào làm việc tại khu điều trị F0 tại Trường Cao đẳng Điện lực Tp.HCM từ tháng 7/2021 theo danh sách sinh viên tham gia hỗ trợ khu cách ly của Trường Đại học Y Dược Tp.HCM như thông tin báo chí phản ánh.

Cùng thời điểm, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị xử lý vi phạm của hành vi này dựa trên quy định của pháp luật hiện hành theo Nghị định số 117 của Chính phủ và các văn bản có liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các cơ sở y tế phải kiểm tra, rà soát lại danh sách người hành nghề, sinh viên của đơn vị mình tham gia hỗ trợ khu cách ly để phát hiện các sai sót tương tự.

Qua thông tin ban đầu trên báo chí, từ tháng 7/2021, Nguyễn Quốc Khiêm, sinh năm 1996 giả danh là sinh viên Trường Đại học Y Dược Tp.HCM để có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ ở khu cách ly tập trung.

Tại đây, Khiêm xưng là thạc sĩ, bác sĩ để ra y lệnh, cấp phát thuốc, ký các loại giấy tờ chuyển viện, báo ca tử vong của các F0 tại khu cách ly tập trung và điều trị người bệnh Covid-19 ở Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM trên địa bàn quận 12.
Đối tượng này còn khoe giấy khen giả của Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y Tế Tp.HCM khen thưởng với tư cách là thạc sĩ, bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã "cứu sống một bệnh nhân đang trong tình trạng tử vong". Tuy nhiên, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận không có bác sĩ nào tên Nguyễn Quốc Khiêm thuộc khoa Tim mạch của đơn vị này.

Chiều 22/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) thuộc Công an Tp.HCM đang khẩn trương điều tra làm rõ những nội dung báo chí đã nêu và xử lý nghiêm nếu xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Tổ công tác của Sở Y tế đang khẩn trương liên lạc và mời ông Nguyễn Quốc Khiêm đến Sở Y tế để làm rõ những nội dung được báo chí phản ánh.

Nguyễn Thành Nhân

Link nội dung: https://doisongnet.vn/vu-bac-si-gia-dieu-tri-covid-19-doi-tuong-pham-nhieu-toi-khac-nhau-a5572.html