Cưỡng chế nhà dân không có quyết định?
Về Dự án khu dân cư (KDC) theo quy hoạch phường Phước Tân (gọi tắt là KDC Phước Tân, có quy mô khoảng 10,4ha tại khu phố Vườn Dừa, Tp.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) mà Người Đưa Tin đăng tải thông tin trong bài viết: “Nghịch lý giá đất thị trường trên 20 triệu đồng/m2, giá bồi thường chỉ hơn 2 triệu/m” đang xuất hiện nhiều vấn đề được đặt ra cần được làm rõ.
Điển hình như ngày 17/7, một số hộ dân bỗng nhận được giấy thông báo nhận tiền bồi thường từ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh Biên Hòa (TTPTQĐĐN-BH) gửi đến nhưng đa số chưa đồng thuận với mức giá này.
Ông Nguyễn Thành Được (người dân có đất tại dự án) thuộc tổ 47, khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân cho rằng: “Giá bồi thường chỉ hơn 2 triệu đồng/m2 thì người dân thuộc diện giải tỏa sẽ sống ra sao? Cuộc sống đã khó khăn, nếu Nhà nước bồi thường chỉ hơn 2 triệu đồng/m2, tương đương mỗi hộ dân chỉ được hơn 200 triệu đồng/100m2, thời buổi vật giá leo thang, khó khăn đủ bề, người dân làm sao chịu được”.
Một điều khá lạ lùng, như ông Nguyễn Xuân Anh, tổ 47, khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân cho biết: “Hầu hết thư tín, thông báo, thư mời… của ngành chức năng tỉnh Đồng Nai hay Tp. Biên Hoà đều do… nhân viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Cường Thuận (chủ đầu tư dự án) gửi qua Zalo trước hoặc giao đến tay người dân. Hơn nữa, các thư này đều không dán, và đã được nhân viên của họ mở xem, gửi trước nội dung”?.
Thêm vào đó, một số hộ dân chưa đồng ý với mức bồi thường, chưa nhận được quyết định cưỡng chế… bỗng dưng bị xe cuốc, xe ủi vào san bằng nhà, khiến họ rơi vào cảnh… không nhà. Điển hình như, ông Trương Văn Phó, ông Nguyễn Thế Nhân (đều ngụ tổ 47, khu phố Vườn Dừa) cho biết, không nhận được bất cứ quyết định cưỡng chế nào nhưng nhà đã bị san ủi bằng phẳng. Ghi nhận thực tế tại khu đất của họ, PV chỉ thấy thửa đất với đống hoang tàn, cỏ dại mọc đầy.
Để có thông tin khách quan về dự án PV đã liên hệ UBND Tp.Biên Hòa, ông Huỳnh Tấn Lộc Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị PV liên hệ Giám đốc Trung Tâm Phát triển quỹ đất Tp.Biên Hòa để nắm thông tin. Ngày 21/7, tại trụ sở HĐND-UBND Tp.Biên Hòa, PV làm việc với ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Biên Hòa, Đồng Nai (TTPTQĐ BH- ĐN).
Ông Hoàng cho biết: “Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư (BT-HTTĐC) tại Dự án KDC theo quy hoạch tại phường Phước Tân, đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 1103 ngày 4/5/2011, sau đó tại Quyết định số 3114 ngày 22/11/2021. Rồi tiếp đến, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 2262 phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500…”.
Ông Hoàng thông tin thêm: “Tài liệu pháp lý liên quan dự án là chủ trương của tỉnh Đồng Nai, công tác BT-HTTĐC thực hiện theo quy định pháp luật của Luật đất đai 2013, có việc thành lập Hội đồng bồi thường, có những trường hợp giải quyết tái định cư thì được giải quyết theo quy định.
Tiêu chí xác định tái định cư của dự án được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, người bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn phường/xã thì phải xác minh hiện nay họ có còn ở đó hay không, có đủ điều kiện cấp tái định cư hay không…”.
Về những phản ánh của người dân liên quan đến việc thu hồi đất, ông Hoàng cho hay: “Trình tự thủ tục thu hồi đất, BT-HTTĐC cho dân, hiện nay Thành phố làm rất chặt chẽ, đều căn cứ theo quy định pháp luật (cụ thể theo điều 70, 71 luật Đất đai).
Sau khi hộ dân không đồng ý với các quyết định thì vận động lần 1, lần 2, còn phải thông qua Hội đồng bồi thường để thông qua quyết định cưỡng chế mới thực hiện cưỡng chế. Do đó, nếu nói người dân không có ở nhà mà đi cưỡng chế là không có”.
Ngoài ra, Tp.Biên Hoà đã có quyết định thành lập Hội đồng BT-TĐC thực hiện dự án (số 1467 ngày 5/4/2012) do ông Trịnh Tuấn Liêm (Quyền Chủ tịch UBND Tp. Biên Hòa thời điểm đó) làm Chủ tịch hội đồng. Còn hiện nay, trả lời câu hỏi: Ai là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, có quyết định hay không thì ông Hoàng nói: “Chủ tịch Hội đồng bồi thường của dự án hiện là ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND Tp.Biên Hòa, còn quyết định số bao nhiêu, ký ngày nào thì chưa tìm thấy, sẽ phản hồi PV sau.
Dự án có cần đấu thầu hay không?
Cũng theo tìm hiểu của PV, tại Quyết định số 2262/QĐ-UBND do ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 2/7/2021, về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KDC Phước Tân, tại khoản 9, Điều 1 ghi rõ: “Tổ chức thực hiện là Công ty Cổ phần Đầu tư Cường Thuận (giao Công ty Đồng Thuận – thuộc Cường Thuận thực hiện). Nguồn vốn lập quy hoạch: Vốn chủ đầu tư”.
Rõ ràng Dự án được thực hiện theo chỉ định của UBND tỉnh Đồng Nai. Còn theo quy trình, chủ đầu tư có phải tham gia đấu thầu hay không, việc thu hồi đất được thực hiện như thế nào… là những câu hỏi đặt ra.
Về những nội dung này, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng: “Với những thông tin theo hồ sơ thì rõ ràng có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là: Giá đền bù chưa thỏa đáng, dân chưa đồng thuận và thứ hai là trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù chưa đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, hộ dân nào đã đồng ý nhận tiền đền bù thì không có quyền ý kiến. Còn những hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù, giao đất, có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại. Nếu kết quả giải quyết khiếu nại mà chưa thỏa đáng thì dân có quyền khởi kiện ra tòa về vụ án hành chính”.
Cũng theo luật sư Tuấn, với dự án này, dĩ nhiên cần có thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp khác. “Đối với việc người dân đang sinh sống và có tài sản trên đất, nếu Nhà nước cưỡng chế mà không có thông báo, không có quyết định cưỡng chế nhưng tiến hành san ủi đất của dân là việc làm trái quy định pháp luật. Thẩm quyền xử lý việc này là Công an Tp. Biên Hòa”.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư Tp.HCM phân tích thêm: “Theo quy định khoản 03 điều 62 Luật Đất đai 2013, các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất, bao gồm các dự án xây dựng khu đô thị mới, KDC nông thôn mới… thì việc thu hồi đất do các cơ quan ở địa phương có thẩm quyền thực hiện, dựa trên căn cứ dự án đã được chấp thuận chủ trương, kế hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, UBND cấp tỉnh, trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm”.
Luật sư Cường cho rằng, việc công khai dự án được UBND cấp có thẩm quyền tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án BT-HT-TĐC và phối hợp UBND cấp phường/xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án BT-HT-TĐC theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Đồng thời, niêm yết công khai phương án BT-HT-TĐC tại trụ sở UBND cấp phường/xã, địa điểm sinh hoạt chung của KDC nơi có đất thu hồi.
“Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp phường/xã, đại diện UBMTTQVN cấp phường/xã, đại diện những người có đất thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án BT-HT-TĐC; phối hợp với UBND cấp phường/xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án BT-HT-TĐC; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền”, luật sư Cường cho biết thêm.
Để có câu trả lời khách quan, phản ánh đúng bản chất, PV đang chờ đợi câu trả lời từ ngành chức năng tỉnh Đồng Nai. Ngày 19/7, trả lời PV qua điện thoại, ông Ngô Kim Long, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, đã phân công người phản hồi bằng văn bản, để PV thông tin kịp thời.
Nhóm PV
Link nội dung: https://doisongnet.vn/du-an-kdc-theo-quy-hoach-tai-phuong-phuoc-tan-co-thuoc-dien-phai-thong-qua-dau-thau-a6004.html