Người dân bị cắt hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất
Thời gian qua, nhiều người dân đã gõ cửa các cơ quan chức năng để phản ánh về việc bị cắt chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết để thực hiện dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An (phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Theo phản ánh của người dân với Người Đưa Tin, từ những năm 1995, hàng chục hộ dân ký hợp đồng giao khoán, liên kết sản xuất cà phê với Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột (viết tắt là Công ty cà phê Buôn Ma Thuột).
Dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An.
Đến năm 2017, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột bị giải thể, phá sản. Lúc này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 4/1/2017 thu hồi hơn 500ha đất tại các phường Thành Nhất, Tân Lợi, Tân An, Tân Lập, Tân Hòa và xã Ea Tu của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột để giao về cho địa phương quản lý. Trong đó, giao cho UBND Tp.Buôn Ma Thuột quản lý hơn 400ha.
Trong tổng diện tích thu hồi nói trên, vào tháng 7/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định về việc chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An (phường Tân Lợi), với tổng diện tích hơn 21,7ha do Công ty cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành (trụ sở tại Tp.Đà Nẵng) làm chủ đầu tư.
Người dân cho hay, khi triển khai thực hiện dự án, 100% các hộ dân nơi đây đều thống nhất chủ trương của nhà nước về thu hồi đất. Theo đó, người dân đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột đẩy nhanh tiến độ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.
Người dân cho biết, khi chưa làm rõ các thắc mắc, phản ánh của dân thì các cơ quan chức năng đã cưỡng chế, san ủi chòi rẫy để giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của các hộ giao khoán, liên kết với Công ty cà phê Buôn Ma Thuột để thực hiện dự án, cơ quan chức năng Tp.Buôn Ma Thuột đã không xem xét hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân có đất bị thu hồi.
Giải thích về điều này, ông Hoàng Thanh Tuấn, trú tại xã Cư Êbur, Tp.Buôn Ma Thuột cho biết, theo quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ) thì hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất do nhận giao khoán khi thu hồi đất được xem xét hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Thế nhưng, quy định này không được áp dụng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị dịch vụ cụm công nghiệp Tân An.
Người dân cho biết đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
“Chúng tôi đồng ý giao đất nhưng chính quyền phải trả lời thỏa đáng, làm rõ vì sao lại cắt các chính sách hỗ trợ. Điều đáng nói, khi chưa làm rõ các thắc mắc, phản ánh của dân thì các cơ quan chức năng đã cưỡng chế, chặt hết vườn cây, san ủi chòi rẫy để giải phóng mặt bằng”, ông Lê Khắc Đệ, SN 1973, trú tại phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột bức xúc.
Sau khi bị thu hồi đất, san ủi chòi rẫy, cuộc sống của gia đình ông Trần Xuân Rãng gặp nhiều khó khăn.
Việc không được áp dụng các chính sách hỗ trợ nói trên khiến cho người dân gặp không ít khó khăn, vất vả mưu sinh.
Ông Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ: “Sau khi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đa số các hộ dân nhận khoán, liên kết đều không còn đất sản xuất, cũng không có đủ tiền để mua đất đi nơi khác ở. Mặt khác, hầu hết người dân chúng tôi đã lớn tuổi, không có trình độ chuyên môn nên rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc sau khi bị thu hồi đất. Đây là lý do đến thời điểm hiện nay, gia đình tôi vẫn bám đất, tiếp tục sản xuất duy trì cuộc sống cho đến khi cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng”.
Không có nơi ở khác sau khi bị thu hồi đất, nhiều tháng nay ông Trần Xuân Rãng, 70 tuổi, hiện ở tại Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột cùng con trai phải thuê một căn chòi tạm trong rẫy cà phê của người dân để tá túc.
Ông Rãng cho biết: “Khi thu hồi đất, họ phê duyệt đền bù, hỗ trợ cho gia đình tôi 670 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó họ trừ tiền công nợ với công ty cà phê, tôi chỉ còn được nhận 540 triệu đồng. Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm của tôi và nhiều nhộ dân khác cũng bị cắt. Tôi bực lắm nên chưa nhận tiền đền bù”.
Ở cái tuổi 70, ông Rãng mang trên mình đủ thứ bệnh nhưng để có cái ăn, mỗi ngày ông phải lội bộ, đi xe đạp lượm ve chai về bán. Thế nhưng, số tiền ít ỏi thu được từ việc lượm lặt ve chai cũng chẳng đủ để mua gạo ăn.
“Cái ăn không đủ, mỗi tháng bố con tôi không có nổi 500.000 đồng để trả tiền thuê nhà. Đến nay, gia đình tôi đã nợ tiền thuê nhà hơn 2 tháng nhưng cũng chưa thể xoay sở để trả”, ông Rãng nghẹn lời.
Do vướng luật?
Trước những phản ánh của người dân như trên, PV Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột.
Sau khi bị thu hồi đất, san ủi chòi rẫy, cuộc sống của gia đình ông Trần Xuân Rãng gặp nhiều khó khăn.
Ông Thái cho biết, Thành phố này đã nắm được tình hình này và cũng đã có báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Lắk. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản tham mưu để thực hiện tất cả các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người dân có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, sau đó các văn bản này không thực hiện được do quyết định thu hồi đất có trước Nghị định 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ. Trước tình hình này, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND Tp.Buôn Ma Thuột (đơn vị phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất) đã có những báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Thái, hiện nay, chưa có cơ sở để lập phương án hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi cho người dân.
Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột đã báo cáo UBND Tp.Tp.Buôn Ma Thuột. Về phía UBND Thành phố này cũng cảm thấy có gì đó thiệt thòi cho người dân khi thu hồi đất nên sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh để hỗ trợ các nội dung trên cho các hộ
Trong căn nhà tạm mà bố con ông Rãng thuê để ở không có tài sản gì giá trị ngoài những đồ vật cũ.
“Về phía Trung tâm Phát triển quỹ đất, chúng tôi rất muốn hỗ trợ cho bà con nhưng quy định pháp luật không cho phép thì không thể nào làm được. Tuy nhiên, được biết tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát lại các quy định để có phương án hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục báo cáo kiến nghị, xin ý kiến của UBND tỉnh để tháo gỡ, xử lý các kiến nghị của người dân", ông Thái nói.
Ông Thái cũng khẳng định, thời gian qua, nhiều người dân đã khởi kiện ra tòa và đã thắng kiện.
Sau các bản án này, trực tiếp Chủ tịch UBND Tp.Tp.Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột lập phương án bổ sung các khoản hỗ trợ cho người dân theo phán quyết của tòa.
Đối với dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tp.Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục báo cáo UBND Thành phố này, trình thêm một số kiến nghị của bà con.
(còn nữa...)
Khánh Ngọc