Chậm thi hành các bản án dân thắng kiện vì chờ kinh phí
Liên quan đến loạt bài viết “Bất cập áp dụng chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” đăng tải trên Người Đưa Tin, tại cuộc họp báo định kỳ ngày 10/11 vừa qua, ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có những thông tin liên quan.
Theo ông Lê Đại Thắng, thời gian qua, UBND Tp.Buôn Ma Thuột đã và đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện một số dự án có nguồn gốc đất của Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột đã được UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi theo Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 4/1/2017 giao về địa phương quản lý, lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Trong quá trình lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có một số quy định pháp luật còn bất cập, chưa thống nhất như các bài viết đăng trên Người Đưa Tin phản ảnh, nhất là liên quan đến đất thu hồi nguồn gốc của các nông, lâm trường giao về địa phương quản lý.
Bên cạnh đó, do chưa có sự thống nhất nhận thức về quy định pháp luật dẫn đến một số người dân chưa đồng thuận, làm đơn khiếu kiện và khởi kiện.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột cho hay, tại thời điểm UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định thu hồi đất, Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột đã giải thể từ ngày 30/9/2016.
Đây là trường hợp thu hồi đất đối với tổ chức đã bị giải thể, thuộc quy định tại Điều 65 Luật Đất đai năm 2013, không phải trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, dân sinh xã hội theo quy định pháp luật.
Hơn nữa, toàn bộ diện tích của Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột đã được UBND tỉnh thu hồi tại Quyết định số 07 ngày 4/1/2017, trước thời điểm Nghị định 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột phản hồi về loạt bài viết đăng trên Người Đưa Tin.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột giải thể từ ngày 30/9/2016 thì hiệu lực hợp đồng liên kết sản xuất cà phê giữa công ty cà phê với các hộ đã chấm dứt, mặc dù hợp đồng vẫn còn thời hạn thực hiện.
Trên cơ sở nói trên, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột khẳng định, việc các hộ dân yêu cầu hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại Nghị định số 01 của Chính phủ là không có cơ sở, không phù hợp với quy định pháp luật.
Không chỉ vậy, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột cũng cho rằng, việc UBND Thành phố này căn cứ các quy định pháp luật phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ là đúng và phù hợp với quy định pháp luật.
Tuy nhiên, có bất cập về nhận thức và quy định pháp luật giữa cơ quan nhà nước và Tòa án nhân dân các cấp.
Theo đó, cái mấu chốt là hiệu lực của hợp đồng, theo quy định, khi nhà nước thu hồi đất thì hợp đồng chấm dứt.
Thế nhưng, khi người dân làm đơn khởi kiện thì một số tòa án nhân dân các cấp đã căn cứ một số quy định pháp luật như Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47 ngày 15/5/2014 và Nghị định 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ, đặc biệt là tình hình thực tế.
Từ đó, Tòa án đã nhận định, khi công ty giải thể, thu hồi đất bàn giao về địa phương nhưng cơ quan có thẩm quyền không tiến hành thanh lý hợp đồng, kiểm kê và ký lại hợp đồng mà người dân tiếp tục thực hiện thì đương nhiên người dân dược hưởng các chính sách hỗ trợ để đảm bảo ổn định cuộc sống.
Sau khi bị thu hồi đất giao khoán, liên kết, nhiều người dân gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột thông tin, khi các bản án của TAND các cấp đã có hiệu lực pháp luật, UBND Tp.Buôn Ma Thuột đã chấp hành theo quy định và chỉ đạo các cơ quan chức năng phê duyệt phương án bổ sung hỗ trợ các chính sách cho các hộ dân. Sau khi được phê duyệt, đã bồi thường theo bản án và người dân không có khiếu nại, khiếu kiện.
Liên quan đến thông tin phản ánh, người dân thắng kiện, ngành chức năng vẫn lúng túng, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột khẳng định: “Thực ra, không có lúng túng nhưng ở đây có chậm. Vì khi một số dự án hoặc một số công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thì phải xác định được nguồn kinh phí trước khi phê duyệt.
Do đó, có những dự án phải chờ kinh phí bổ sung, thậm chí có những trường hợp phải trình HĐND, cấp có thẩm quyền thông qua nguồn kinh phí bổ sung đó thì mới triển khai thực hiện phương án bồi thường bổ sung. Vì thế, có một số trường hợp kéo dài, quá trình thực hiện không đảm bảo kịp thời, chứ không phải lúng túng”.
Vì sao “khuyến khích” người dân khởi kiện?
Cũng tại buổi họp báo, căn cứ thực tế phản ánh của người dân, PV Người Đưa Tin đã đặt ra câu hỏi về việc, phải chăng, cơ quan chức năng đang “mở đường” cho người dân đi khiếu kiện?
Bởi quá trình thu hồi đất giao khoán, liên kết tại dự án khu dân cư phường Tân An, đến nay chỉ có những hộ đân có bản án của tòa án mới được chi trả các khoản hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiềm việc làm. Còn lại, những hộ không có bản án của tòa thì không được giải quyết.
Trước câu hỏi nói trên, Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột lý giải, Tòa án là nhân danh Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên án thì cấp hành chính phải chấp hành theo bản án. Đây là cơ sở pháp lý mà UBND Thành phố này phải chấp hành.
Tuy nhiên, bản án đối với một cá nhân thì áp dụng cho cá nhân đó, không được áp dụng cho trường hợp tương tự, có nghĩa là không được vận dụng.
“Chúng tôi không thể lấy bản án đã có hiệu lực áp dụng cho các trường hợp tương tự. Vì như vậy là chúng tôi đã làm không đúng quy định pháp luật", Phó Chủ tịch UBND Tp.Buôn Ma Thuột nói.
Theo ông Lê Đại Thắng, đây là bất cập, khó khăn của cơ quan chức năng. Đồng thời, cũng là lý do vì sao bản án đã có hiệu lực nhưng không áp dụng cho các trường hợp khác mà giống như “khuyến khích” người dân đi khởi kiện. Vấn đề này, UBND Tp.Buôn Ma Thuột cũng như các cơ quan tư pháp cũng đã có báo cáo, tham mưu. Tới đây, UBND tỉnh sẽ có xem xét và đã từng bước xem xét, căn cứ vào những bản án có hiệu lực pháp luật để vận dụng vào tình hình thực tế của địa phương.
Không được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất giao khoán, liên kết khiến nhiều người dân gặp khó khăn.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, năm 2017, Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột bị giải thể, phá sản.
Lúc này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 4/1/2017 thu hồi hơn 500ha đất tại các phường Thành Nhất, Tân Lợi, Tân An, Tân Lập, Tân Hòa và xã Ea Tu của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột để giao về cho địa phương quản lý.
Trong đó, giao cho UBND Tp.Buôn Ma Thuột quản lý hơn 400ha.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, để khai thác, sử dụng quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chủ trương đầu tư được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt, UBND Tp.Buôn Ma Thuột và Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk đang triển khai công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng 20 công trình, dự án thuộc diện tích đất nêu trên.
Trong đó, có 6 công trình đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án đã triển khai không thực hiện hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho các hộ sử dụng đất do liên kết, giao khoán với công ty.
Trước tình hình này, nhiều người dân đã có đơn khởi kiện UBND Tp.Buôn Ma Thuột ra tòa. Sau đó, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử đối với các vụ kiện nói trên và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người khởi kiện.
Khánh Ngọc