Vụ bán trộm đất hiếm ở Yên Bái: Đội lốt thành "cơm mẹ nấu" để tuồn đi thế nào?

Liên quan đến vụ án “bán trộm đất hiếm” tại Yên Bái, các đối tượng người Trung Quốc sau khi mua đất đã nguỵ trang bao bì thành “cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm " để xuất khẩu.

Thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 27 bị can trong vụ án Công ty Thái Dương khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái. Trong số đó, ông Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan CSĐT cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty Thái Dương do Đoàn Văn Huấn làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc cũng như "đường đi" của số đất hiếm bị khai thác trái phép.

Theo kết luận điều tra, Công ty Thái Dương được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Vụ bán trộm đất hiếm ở Yên Bái: Đội lốt thành

Bị can Đoàn Văn Huấn.

Sau khi được cấp giấy phép, Công ty Thái Dương không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giấy phép được cấp.

Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, Huấn đã tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú, với tổng trị giá hơn 864 tỷ đồng.

Huấn bị cáo buộc đã bán trái phép hơn 10.200 tấn tinh quặng đất hiếm và hơn 280.000 tấn tinh quặng sắt, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.

Trong đó, Đặng Trần Chí - Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát, sau khi mua đã bán hơn 34.000 tấn quặng đất hiếm, trị giá hơn 64 tỷ đồng; Công ty ĐHVN sau khi mua đã sử dụng để chế biến thành tổng oxit đất hiếm, sau đó xuất lậu hơn 474 tấn tổng oxit đất hiếm với giá trị hơn 379 tỷ đồng.

Biến đất hiếm thành "cơm mẹ nấu"

Trong vụ án, có hai người Trung Quốc là Lưu Đức Hoa sau khi mua quặng đất hiếm từ Huấn đã xuất lậu sang Trung Quốc hơn 200 tấn, trị giá hơn 7,8 tỷ đồng và Lưu Vũ mua gần 2.000 tấn, trị giá hơn 70 tỷ đồng, rồi giao cho Quách Hải Ba (người Trung Quốc) để vận chuyển về Trung Quốc giao cho khách.

Cụ thể, Lưu Đức Hoa, CQĐT xác định bị can này vốn làm kinh doanh tự do, từng thuê đất, mở xưởng chế biến tinh quặng đất hiếm tại Hải Phòng. Quá trình kinh doanh, Hoa chỉ đạo sản xuất, trộn tinh quặng đất hiếm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hoa đã mua 2.160 tấn quặng đất hiếm hàm lượng 14-17% (chưa được chế biến sâu) của Huấn. Sau đó, Hoa chỉ đạo bị can Nguyễn Thanh Đoàn - Phó giám đốc Công ty cổ phần thương binh Trường Sơn vận chuyển từ mỏ Yên Phú về các xưởng chế biến.

Vụ bán trộm đất hiếm ở Yên Bái: Đội lốt thành

Khu vực mỏ đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tại đây, quặng được mua từ Huấn sẽ được tinh chế, nâng hàm lượng đất hiếm lên 20-30%. Do nguồn gốc quặng của Huấn không hợp pháp và hàm lượng 30% cũng không được phép xuất khẩu nên Hoa đã chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia tạo thành một loại hỗn hợp.

Đất hiếm sau đó được đóng gói trong các bao có sẵn nhãn hiệu: "BẢO KHANG RICE, chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng" để ngụy trang.

Hoa thuê thêm Khâu Vỹ Bung - Giám đốc Công ty GUANGZHOU (trụ sở tại Trung Quốc), làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, khai báo là "Hỗn hợp chất Oxalate". Bung liên hệ và thuê Trần Đức - Giám đốc Công ty Dương Liễu làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đã bị ngụy trang theo yêu cầu của Hoa.

Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồngCựu Vụ phó "chi phối" Đoàn kiểm tra để hưởng lợi 14 tỷ đồng thế nào?

Trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, do hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nên Đức sử dụng pháp nhân Công ty Dương Liễu lập các hóa đơn thương mại hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng hóa mở tờ khai xuất khẩu. Hành vi này được xác định là vi phạm quy định của Luật Hải quan.

Với thủ đoạn trên, từ ngày 5/5/2023 đến ngày 2/9/2023, Đức đã mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan Cảng Đình Vũ (Hải Phòng), khai báo xuất khẩu mặt hàng là "Hỗn hợp chất Oxalate" tổng khối lượng hơn 200 tấn, trị giá hơn 500.000 USD.

Theo CQĐT, hành vi của Lưu Đức Hoa phạm tội Buôn lậu, nhưng người này đã xuất cảnh về Trung Quốc vào ngày 24/9/2023 (trước thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can).

CQĐT đã làm thủ tục truy nã quốc tế nhưng không có kết quả nên đã quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của Lưu Đức Hoa, quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với người này, khi nào truy bắt được sẽ điều tra, xử lý sau.

Đối với Lưu Vũ, kết quả điều tra cho thấy năm 2018, Vũ tới Việt Nam tìm nguồn mua quặng đất hiếm chuyển về Trung Quốc bán cho các cơ sở chế biến.

Vũ gặp và thỏa thuận hợp tác cùng Huấn xây dựng nhà máy thủy luyện để chế biến nâng cao hàm lượng tổng oxit đất hiếm. Quá trình hợp tác, Huấn cho Vũ xem và dịch cho Vũ biết nội dung giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương. Sau đó, Vũ thuê luật sư kiểm tra tính pháp lý của giấy phép.

Vì vậy, Vũ biết rõ đất hiếm tại mỏ Yên Phú chưa tinh chế đạt điều kiện để xuất khẩu. Huấn cũng trao đổi nếu Vũ mua quặng thì không thể ký hợp đồng, xuất hóa đơn do quặng chưa được phép bán.

Thế nhưng, từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2021, Vũ vẫn mua tổng gần 2.000 tấn đất hiếm, giá trị hơn 70 tỷ đồng của Huấn.

Toàn bộ số đất được Vũ giao cho Quách Hải Ba (người Trung Quốc, đã xuất cảnh về Trung Quốc) vận chuyển về Trung Quốc, giao cho khách hàng của Vũ tiêu thụ. Hiện, Vũ bị tạm giam tại Việt Nam và bị đề nghị truy tố về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Link nội dung: https://doisongnet.vn/vu-ban-trom-dat-hiem-o-yen-bai-doi-lot-thanh-com-me-nau-de-tuon-di-the-nao-a63396.html