"Thế chân" Vinaxuki
Tháng 2/2022, tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã tổ chức Lễ khởi công, Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng.
Tại buổi lễ có đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban ngành địa phương cùng đại diện phía Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu. Tuy nhiên, sau gần 1 năm khởi công rầm rộ, dự án đầy tham vọng trên vẫn "án binh bất động".
Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô với vốn đầu tư dự kiến 6.900 tỷ đồng rất được kỳ vọng ở xứ Thanh, tuy nhiên, sau gần 1 năm khởi công hoành tráng, dự án vẫn "án binh bất động".
Theo thông tin mà Người Đưa Tin có được sau trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Thanh Hóa, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng với tổng mức đầu tư 6.900 tỷ đồng nói trên của Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu là sự tiếp nối từ dự án sản xuất lắp ráp ô tô thương hiệu Vinaxuki đang dang dở của doanh nhân Bùi Văn Huyên.
Cụ thể, trước đó Công ty TNHH MTV Vinaxuki Thanh Hóa được tỉnh Thanh Hóa cho thuê 71,24 ha đất trên địa bàn 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc) theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do chậm triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng nên ngày 15/6/2018, tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi một phận diện tích đất trên (25,04ha) giao lại cho xã Đại Lộc quản lý.
Đối với phần diện tích đất còn lại và tài sản gắn liền trên đất hình thành trong tương lai đã được Vinaxuki thế chấp tài sản tại ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long nhưng công ty này không có khả năng thanh toán. Sau đó, tài sản này bị Cục Thi hành án dân sự huyện Hậu Lộc kê biên và phát mại tài sản sau bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả, Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã trúng đấu giá tài sản phát mại trên với số tiền hơn 28 tỷ đồng và chính thức nhận bàn giao tài sản tháng 12/2020. Đồng thời, Công ty này đã xin tiếp tục thuê đất thực hiện tiếp nối dự án dang dở của Vinaxuki.
Trên cơ sở này, ngày 24/6/2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi 456.344m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên ô tô Vinaxuki Thanh Hóa (Vinaxuki Thanh Hóa) và cho Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tiếp tục thuê đất thực hiện dự án.
Nhanh chóng chấp thuận chủ đầu tư dự án ô tô nghìn tỷ
Trong vòng 6 tháng, kể từ khi nhận bàn giao tài sản phát mại của Vinaxuki Thanh Hóa, Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận là chủ đầu tư mới, tiếp tục thực hiện "siêu" dự án ô tô với vốn đầu tư lên tới gần 7.000 tỷ đồng.
Lý giải về việc chấp thuận này, Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho biết, Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu được lựa chọn chủ đầu tư dự án trên cơ sở trúng đấu giá tài sản kê biên, không thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
"Việc Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tiếp tục thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô máy xây dựng tại xã Đại Lộc, xã Triệu Lộc huyện Hậu Lộc được thực hiện công khai minh bạch trên cơ sở trúng đấu giá tài sản kê biên theo quy định đấu giá tài sản và quy định về thuê đất theo quy định pháp luật về đất đai, không thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư", trích theo văn bản trả lời của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa tới Người Đưa Tin về dự án trên.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, mặc dù là chủ đầu tư dự án trọng điểm, có vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng và trong một lĩnh vực "khó nhằn" như sản xuất, lắp ráp ô tô, tuy nhiên, Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu lại khá kín tiếng. Theo đó, các thông tin về hoạt động của chủ đầu tư này, đặc biệt các hoạt động liên quan trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô gần như "vắng bóng" khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông.
Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, thì vị lãnh đạo này cũng “không nắm rõ” chủ đầu tư dự án trên, đồng thời, trong một số lần liên hệ qua số điện thoại với đại diện chủ đầu tư dự án đều không kết nối được và cũng chưa thấy chủ đầu tư có ý kiến vướng mắc gì đề xuất cần địa phương hỗ trợ, tháo gỡ.
Tìm hiểu về quy trình thẩm định năng lực của chủ đầu tư thực hiện dự án trên, Sở KH&ĐT Thanh Hóa cho rằng trách nhiệm này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.
"Năng lực tài chính để thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thẩm định (căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 58 Luật Đất đai 2013, người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện: a; Có năng lực tài chính đề đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư) trong quá trình tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh cho Công ty thuê đất theo Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 26/6/2021", văn bản phản hồi của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chấp thuận cho Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tiếp tục thực hiện dự án sản xuất, lắp ráp ô tô với vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
Trong diễn biến khác liên quan, trao đổi với Người Đưa Tin, một lãnh đạo phòng nghiệp vụ thuộc Sở Tài Chính Thanh Hóa cho biết, với chức trách nhiệm vụ, đơn vị này sẽ tham gia tham mưu trong việc đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư trong trường hợp có yêu cầu, đề xuất hỗ trợ. Tuy nhiên, với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô ở trên thì sở này không được yêu cầu hỗ trợ nên không nắm được.
Đáng chú ý, như thông tin Người Đưa Tin đã đưa trước đó trong bài Khởi công rầm rộ, dự án mới trên khu đất Vinaxuki cũ vẫn im lìm, ghi nhận thực tế dự án sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu vẫn “án binh bất động”, và hầu như không ghi nhận dấu hiệu của hoạt động thi công thực hiện dự án sau gần 1 năm khởi công. Sự việc này nguy cơ khiến hàng chục hec-ta đất tiếp tục bị lãng phí, đồng thời có khả năng ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển lâu dài của địa phương.
Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu được chấp thuận đầu tư dự án Cụm nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng, với tổng mức Đầu tư 6.900 tỷ. Dự án bao gồm tổ hợp nhiều nhà máy với các chức năng đa dạng gồm: lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin, lắp ráp các loại máy thi công... được xây dựng trên cơ sở khuôn viên 45,6 héc-ta của nhà máy Vinaxuki cũ.
Trong giai đoạn I, sẽ đầu tư 1.993 tỷ đồng, bao gồm các gói san lấp và hạ tầng nhà xưởng. Sau khi hoàn thiện hai giai đoạn và đưa vào sản xuất, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu 17 sản phẩm chiến lược, với công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến đạt 6.000 xe trong năm đầu tiên và dự kiến đạt 30.000 xe/năm khi hoạt động với 100% công suất. Trong đó, thị trường mục tiêu mà công ty hướng tới chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với sản lượng tiêu thụ trên, dự án khi ước đạt 12.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 11.000 lao động địa phương với mức lương khởi điểm gần 6,1 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ/năm.
Ngoài ra, về tương lai, dự án có tham vọng mở rộng ra ngoài 45,6 héc-ta hiện tại để thực hiện các nhóm sản xuất thuốc đông dược, gia công tân dược đạt chuẩn và các nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn thông minh có dinh dưỡng cao.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị phía Công ty Cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn cầu cần tập trung nhân lực thi công, đảm bảo nguồn lực về vốn, máy móc để dự án triển khai đúng tiến độ và nếu có vướng mắc thì kịp thời thông tin để tháo gỡ.
Việt Phương
Link nội dung: https://doisongnet.vn/du-an-o-to-gan-7-000-ty-tai-thanh-hoa-duoc-chap-thuan-ra-sao-a6348.html