Tính đến ngày 6/3, Cơ quan Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi), cùng trú tại Phú Xuyên (Hà Nội) để điều tra vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong.
Tờ Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời Đại tá Nguyễn Tiến Tần, trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội), cho biết: "Tôi là người theo dõi và giám sát vụ việc từ đầu, để phá được vụ án này, cơ quan công an đã phải triển khai nhiều bước về nghiệp vụ".
Theo vị lãnh đạo Công an huyện Thường Tín, vào chiếu 1/3, ông nhận được cuộc gọi của người bạn. Khi đó, người bạn có nói lùi cuộc gặp mặt với lý do có người cháu trong dòng họ, đi lớp học mẫu giáo bị ngã, chấn thương sọ não, bệnh viện trả về, gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự...
"Với trách nhiệm và linh tính nghề nghiệp, tôi đã chỉ đạo đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an xã Vạn Điểm xác minh thông tin", ông Tần nói.
Đại tá Nguyễn Tiến Tần, trưởng Công an huyện Thường Tín. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Đại tá Nguyễn Tiến Tần cho hay, quá trình xác minh, công an xác định sự việc có thật, nạn nhân là cháu P.T.Đ. (SN 2021, ở thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được gửi tại nhà trẻ tư thục tự lập trên địa bàn. Trưởng Công an huyện Thường Tín đã chỉ đạo đội cảnh sát hình sự có mặt tại gia đình cháu Đ., thu thập tài liệu.
Cũng theo Đại tá Tần, trong quá trình làm việc, các trinh sát không nhận được sự hợp tác từ phía gia đình. Bố mẹ của cháu Đ. nói cháu đi lớp học không may bị ngã, gia đình không có thắc mắc gì. Khi Công an huyện Thường Tín giải thích về các quy định của pháp luật, thì bố và mẹ cháu bé từ chối hợp tác với cơ quan công an, cho rằng sự việc chỉ là tai nạn.
Tuy nhiên, với quyết tâm không bỏ lọt tội phạm, Đại tá Nguyễn Tiến Tần đã chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vào cuộc điều tra làm rõ. Qua điều tra, 2 bảo mẫu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Bên trong cơ sở trông bé trai 17 tháng tuổi. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Thông tin về sự việc, Tiền Phong cho hay, từ lời khai của 2 đối tượng, công an xác định, vào sáng 23/2, An và Lành đưa trẻ vào buồng ngủ thì thấy cháu Đ. chạy ra ngoài cửa khóc. Do bực tức, Lành bế cháu bé lên ném xuống nền nhà rồi cùng An đánh đập vào mặt, bụng, ngực… cháu Đ. Đến chiều cùng ngày, gia đình đến đón các đối tượng nói dối cháu bé bị ngã.
Những ngày tiếp theo do không có điều kiện trông con gia đình tiếp tục gửi Đ. đến cơ sở của An và Lành.
Ngày 26/2, cháu Đ. tiếp tục khóc nên bị An dùng chân đạp vào bụng dẫn đến bất tỉnh. Lúc này, An thông báo cho gia đình đến và cùng đưa cháu đi cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ngày 1/3, cháu Đ. được trả về gia đình và tử vong sau đó.
Kết quả pháp y sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé là do chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não.
Hai đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Tiền Phong
Tại cơ quan công an, An cho biết từng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, có kỹ năng chăm sóc trẻ em. Tại nhóm lớp tự mở tại xã Vạn Điểm, An và Lành đang nhận trông nom cho khoảng 10 cháu nhỏ.
"Từ tận đáy lòng, tôi rất xin lỗi gia đình cháu Đ. Khi Đ. mất, gia đình cháu đã tổn thất, đau đớn quá nhiều", báo Dân Trí dẫn lời An nói trong hối hận và bày tỏ mong muốn được nhận sự tha thứ.
Trong khi đó, Lành cho biết, cô ta cùng An nhận trông trẻ tại nhóm lớp trên từ năm 2019. Khoảng một năm trở lại đây, cả 2 mới tiếp quản lại toàn bộ nhóm lớp từ một cô giáo khác.
An nhận xét bé trai 17 tháng tuổi "hơi chậm", chưa biết nói, ít vận động, có hôm ngoan, có khóc nhiều vì mới đi lớp được khoảng 2 tuần.
Phân trần về những hành vi bạo hành nạn nhân, An cho biết bản thân không ném bé trai xuống đất mà chỉ đẩy, với mục đích muốn Đ. đi vào trong phòng. Tuy nhiên, đối tượng cũng thừa nhận hành vi của bản thân là sai.
Chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống về sự việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, rất nhiều vấn đề được đặt ra liên quan đến bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép.
Người đứng đầu Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh, các cơ sở hoạt động không phép, không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động thì rất có nguy cơ cao trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non trông giữ trẻ. Vì thế, cần phải thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở trông giữ trẻ, chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ để đảm bảo các điều kiện; vì trẻ càng nhỏ thì không nói được, không có kỹ năng để bảo vệ.
Ngoài ra nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.
Thủy Tiên