Xây dựng trái phép trước, hoàn thiện thủ tục sau
42 căn hộ xây dựng 1 trệt 2 lầu của khu phố Khang Thị (tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Huệ, phường 2, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) được chủ đầu tư giá chào bán mỗi căn khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chào bán phải dừng lại vì xây dựng trái phép.
Theo đó, Công ty TNHH địa ốc P&G (có địa chỉ Tp.Vĩnh Long) đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng khu phố Khang Thị khoảng 6.800m2 đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.
Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm ở đây là khu phố đã hình thành mà các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng vẫn chưa được thực hiện. Ngành chức năng đã xử phạt chủ đầu tư tổng cộng hơn 300 triệu đồng, buộc dừng tất cả hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra. Còn doanh nghiệp thì loay hoay hoàn thiện các thủ tục. Nghĩa là khu phố này chỉ bị xử phạt và được phép tồn tại. Có thể hiểu trường hợp này là “xây trái phép trước, hoàn thiện thủ tục sau”.
Bên trong khu phố Khang Thị.
Một câu hỏi khác đặt ra, vì sao cả một khu phố quy mô xây dựng trên đất nông nghiệp một thời gian dài mà ngành chức năng không phát hiện (?!). Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, chính quyền địa phương và đơn vị chuyên môn đã quá lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, để doanh nghiệp vi phạm.
Theo ông Liệt, khu nhà ở Khang Thị đã có chủ trương xây dựng và thỏa thuận xây dựng vào năm 2020. Sau đó, UBND tỉnh ký quyết định cho sang tên và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án này cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng đất và nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Chủ trương thì có nhưng khi làm thì Chủ đầu tư không thực hiện các bước tiếp theo (xin giấy phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Địa phương chỉ đạo ngưng tất cả việc tiếp tục xây dựng, rao bán. Ngành chức năng làm rõ khu phố này phần nào thuộc quản lý nhà nước, phần nào của doanh nghiệp để xử lý.
Tháo dỡ hoàn toàn trả lại hiện trạng ban đầu
Không được may mắn cho tồn tại như khu phố Khang Thị ở tỉnh Vĩnh Long, nhà hàng Sân Bay tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, Tp.Cần Thơ) đã được tháo dỡ hoàn toàn trả lại hiện trạng ban đầu. Đây là nhà hàng được xem hoành tráng nhưng lại xây dựng trên 1.000m2 đất trồng lúa, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, một hộ dân bỏ ra 200 tỷ đồng xây dựng “biệt phủ”. Mạng xã hội từng ca tụng và ví “biệt phủ” này đẹp nhất vùng đất ở cuối bản đồ Việt Nam. Tuy nhiên, khi ngành chức năng vào cuộc kiểm thì phát hiện “biệt phủ” xây dựng trên thửa đất nuôi trồng thủy sản, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện, căn “biệt phủ” đang ngưng mọi hoạt động thi công. Ngành chức năng sẽ áp dụng phương án cưỡng chế, nếu như chủ nhà phải tự nguyện khắc phục tháo dỡ.
“Biệt phủ” ở Cà Mau xây dựng trên thửa đất nuôi trồng thủy sản, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
Còn tại Kiên Giang, một Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra cưỡng chế 79 căn biệt thự không phép ở khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ, Tp.Phú Quốc), có trường hợp đã được xác định là chiếm đất để xây dựng gây bức xúc trong nhân dân.
Chỉ tính riêng thời gian từ ngày 1/1/2019 đến nay, địa bàn Tp.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã xảy ra 1.744 vụ vi phạm về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng. Cơ quan công an đã khởi tố ít nhất 7 vụ án hình sự với ít nhất 15 bị cáo.
Đại tá Diệp Văn Thế - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 79 căn biệt thự xây dựng trên đất nhà nước, có 2 vấn đề đặt ra, một là quản lý về đất đai như thế nào. Hai là quản lý nhà nước về xây dựng như thế nào và trách nhiệm thuộc về ai thì phải làm rõ.
Chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính
Cũng tại Vĩnh Long, ngày 28/2 vừa qua, Chánh Thanh tra tỉnh có kết luận thanh tra “về việc chấp hành các quy định về hoạt động tách thửa đất, hợp thửa đất để hình thành các khu dân cư tự phát trên địa bàn”.
Cụ thể, sai phạm trong việc cho chuyển mục đích sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại tại khu đất toạ lạc ấp Phú Long A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ (khu đất Mai Văn Minh Nhựt), có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Do vậy, ngày 17/6/2020, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 31/1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long có Văn bản số 26/CSKT về việc chuyển trả hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền đối với các sai phạm theo Kết luận 02/KL-TT ngày 17/6/2020 của Chánh Thanh tra tỉnh.
Khu phố Khang Thị xây dựng trái phép đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản hiện đã chốt cửa ra vào.
Theo kết luật thanh tra, việc UBND huyện Long Hồ ký 18 quyết định (ngày 12/11/2018 và ngày 15/11/2018) cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang sử dụng vào mục đích đất ở nông thôn đối với 18 thửa đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt đã vi phạm quy định về quản lý nhà nước về đất đai. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về người ký 18 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Lãnh đạo và công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã xem xét điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để tham mưu trình UBND huyện Long Hồ ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Hậu quả các sai phạm trên đã ảnh hưởng đến chủ trương chính sách của Nhà nước; đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với công tác quản lý đất đai, đô thị tại địa phương. Trách nhiệm liên đới thuộc về Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (tại thời điểm xảy ra vi phạm) do thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ công chức thuộc quyền quản lý trong thi hành công vụ dẫn đến xảy ra sai phạm.
Với những sai phạm nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với 1 lãnh đạo UBND huyện Long Hồ là người ký 18 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sai phạm.
Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Long Hồ (thời điểm xảy ra vi phạm) do thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ công chức thuộc quyền quản lý trong thi hành công vụ dẫn đến xảy ra sai phạm; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với 2 công chức là lãnh đạo và chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Hồ.
Không giải quyết triệt để sẽ tạo tiền lệ không tốt
Theo luật sư Nguyễn Thành Phú - Đoàn luật sư Tp.HCM cho biết, từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách để chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Đáng chú ý là việc giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép.
Như vậy, việc khu phố Khang Thị, nhà hàng Sân Bay, “biệt phủ” Cà Mau… xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cần được điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm đúng pháp luật. Bởi, nếu “giơ cao đánh khẽ” sẽ không giải quyết triệt để, cũng như tạo tiền lệ không tốt.
Thanh Lâm
Link nội dung: https://doisongnet.vn/loat-cong-trinh-xay-dung-trai-phep-o-mien-tay-can-xu-ly-triet-de-a6403.html