Chiều 7/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Việc gì phân cấp được cho địa phương thì phải phân cấp mạnh
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, liên tục từ tháng 11, tháng 12/2024 và 4 tháng đầu năm nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ họp liên tục về việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy.
Ông Mẫn nói, đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền, cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Do đó, để kết thúc hoạt động của bộ máy cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã thì phải sửa Hiến pháp, đây là yêu cầu cấp thiết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nhân dân, cử tri cả nước ai cũng mong chờ tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
"Chúng ta nói nhiều về việc bộ máy còn cồng kềnh, biên chế phình ra. Khóa nào cũng có Nghị quyết trong đó nhấn mạnh về việc tinh gọn bộ máy, giảm đến mức tối đa. Song lần này mới thực hiện quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 18. Đây là chủ trương mang ý Đảng nhưng hợp lòng dân", ông Mẫn nói và cho biết, lần này sẽ sửa 8/120 Điều của Hiến pháp, liên quan đến việc sắp xếp bộ máy và không mở rộng sang các nội dung khác.
Bên cạnh đó, với việc tinh gọn bộ máy giai đoạn 2, cần phải tiếp tục sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh cho địa phương, để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).
Cho biết kỳ họp này sẽ thông qua 34 luật, trên 10 nghị quyết và bàn 6 luật mới, ông Mẫn nhấn mạnh: "Việc gì phân cấp được cho địa phương thì phải phân cấp mạnh mẽ để địa phương không phải trình lên Trung ương xin ý kiến, địa phương được chủ động. Nếu không, giao tiền và dự án cho địa phương rồi địa phương lại phải báo lên Trung ương thì rất mất công".
Ông cũng nói thêm: "Bây giờ, Quốc hội không quản lý dự án, không quản lý danh mục tiền, thay vào đó có báo cáo hàng năm thông qua việc thu, chi nói chung. Quốc hội giao hết lại cho Chính phủ, địa phương điều hành một cách thống nhất. Nếu trình lên Quốc hội duyệt dự án thì Quốc hội không thể sát sao vì không đi khảo sát. Mà nếu ngồi duyệt dự án trong phòng máy lạnh thì không thực tế".
Do đó, ông cho rằng, khi phân về địa phương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo điều hành của UBND, giám sát của HĐND thì việc thực hiện công trình dự án sẽ nhanh.
Trên tinh thần này, với luật, Quốc hội chỉ quy định khung, còn cụ thể thì Chính phủ ban hành Nghị định, các bộ ban hành Thông tư.
"Trừ các Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Tố tụng liên quan tới quyền con người, Quốc hội phải bàn chi li, chi tiết từng khoản, điều, chương. Còn các vấn đề liên quan tới kinh tế - xã hội thay đổi liên tục, Quốc hội cần giao quyền cho UBTVQH. Từ đó, UBTVQH xem xét giao quyền cho Thủ tướng để quyết nhanh", ông nói.
Pháp luật thông thoáng sẽ tạo tiền đề phát triển đất nước
Nhấn mạnh chỉ cần đổi mới tư duy pháp luật sẽ tạo ngay hiệu ứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay ở kỳ họp thứ 8 khi thay đổi tư duy làm luật, Quốc hội mới có thể thông qua 18 luật - đó là con số lịch sử. Nhưng kỳ này còn lịch sử hơn khi 1 kỳ thông qua 34 luật và trên 10 nghị quyết.
"Nếu không đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì Quốc hội sẽ vất vả từ kỳ thứ 8, kỳ bất thường thứ 9 đến kỳ họp này", ông nhấn mạnh.
Toàn cảnh phiên họp tổ (Ảnh: Media Quốc hội).
Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý khi pháp luật thông thoáng sẽ tạo tiền đề phát triển cho đất nước. Dẫn lại nhận định trước đó của Thủ tướng – "Chính nhờ Quốc hội ở kỳ họp thứ 7 quyết định nhanh một số vấn đề, cho phép Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… có hiệu lực sớm vào ngày 1/8/2024 thay vì vào tháng 1/2025 thì đất nước mới đạt được 15/15 chỉ tiêu trong năm 2024. Hơn 10 năm rồi mới đạt được con số này và tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%", Chủ tịch Quốc hội tái khẳng định: "Quyết sách từ một kỳ họp đã tạo ngay hiệu ứng".
Như vậy, kỳ họp thứ 8 tạo tiền đề cho năm 2025 này cả nước có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Các năm tiếp theo mới có thể tăng trưởng 2 con số, qua đó hướng tới đạt mục tiêu thu nhập trung bình khá vào năm 2030 và đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Từ tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Khi sửa xong Hiến pháp, mới có điều kiện hoàn thiện các văn bản hướng dẫn sửa đổi Hiến pháp và thể chế với ưu tiên hàng đầu là tạo nền tảng sắp xếp tinh gọn bộ máy, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, từ đó có nguồn lực để phát triển đất nước".
Theo ông, nhờ sắp xếp bộ máy, Bộ Chính trị mới quyết trình Quốc hội để giảm/miễn học phí cho các cấp học từ mầm non mẫu giáo tới phổ thông với ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng mong muốn mỗi năm người dân được khám sức khoẻ miễn phí một lần. Theo ước tính của Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6/5 vừa qua, con số này vào khoảng 25.000 tỷ đồng.
"Muốn lo được an sinh xã hội như vậy thì phải có nguồn lực", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và chia sẻ về việc bản thân ông cũng phải tính từng ngày để sớm thông qua Hiến pháp sửa đổi, từ đó kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Link nội dung: https://doisongnet.vn/chu-tich-quoc-hoi-y-dang-hop-long-dan-ai-cung-mong-bo-may-tinh-gon-hieu-qua-a66491.html