Gỡ những “nút thắt”, mở đường phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Sau 5 năm triển khai, Dự án 8 về bình đẳng giới đã hoàn thành 4 nội dung trọng tâm, vượt 8/9 chỉ tiêu đề ra. Dự án tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” ở vùng đặc biệt khó khăn.


Chủ động tiên phong thay đổi trong nhận thức 

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (2021 – 2025).

Hội nghị tổng kết được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 50 tỉnh, thành phố có địa bàn triển khai Dự án 8, với gần 400 đại biểu tham dự.

Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện theo Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đây là lần đầu tiên một dự án đặc thù về giới được đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước thu hẹp khoảng cách giới, hướng tới phát triển bền vững.

Dự án tập trung vào 4 nhóm nội dung chính và 9 chỉ tiêu cốt lõi, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Gỡ những “nút thắt”, mở đường phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Kim Thoa).

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, sau 5 năm triển khai, Dự án 8 cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cụ thể, bốn nội dung trọng tâm đã được thực hiện hiệu quả: Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nhằm xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và các tập tục lạc hậu.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; Bảo đảm tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội ở cộng đồng, đồng thời hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị; Trang bị kiến thức, kỹ năng bình đẳng giới cho cán bộ chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa phương.

Kết quả ghi nhận 8/9 chỉ tiêu cốt lõi đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nổi bật, một số chỉ tiêu đạt kết quả vượt xa so với kế hoạch như thành lập Tổ truyền thông cộng đồng: 10.393 tổ (đạt 115,5%).

Xây dựng "Địa chỉ tin cậy" cho phụ nữ và trẻ em: 2.312 địa chỉ (đạt 231%); Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi": 2.026 CLB (đạt 113%); Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số: 4.164 người (đạt 208%).

Đáng chú ý, trong giai đoạn, đã có hơn 7.000 bà mẹ tại 10 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được thụ hưởng chế độ từ 4 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn.

Gỡ những “nút thắt”, mở đường phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Kim Thoa).

"Trung ương Hội đã đề xuất bổ sung một số chính sách mới nhằm hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong thai kỳ và khi sinh con.

Cụ thể, chính sách đề xuất hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ và một người thân đi cùng khi thực hiện đầy đủ 4 lần khám thai tại cơ sở y tế, theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đồng thời, đối với các trường hợp sinh từ hai con trở lên trong một lần sinh, bà mẹ sẽ được hỗ trợ thêm một gói vật tư chăm sóc, với mức 300.000 đồng mỗi bé.

Chính sách này được đề xuất áp dụng tại 10 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao, gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Gia Lai", bà Hương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, các mô hình và hoạt động trong khuôn khổ Dự án 8 đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cộng đồng, nhất là tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Người dân dần thay đổi tư duy, xóa bỏ định kiến giới, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Thành công của Dự án 8 đến từ cách tiếp cận đặc thù, bám sát định hướng chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tại từng địa phương. 

Việc tổ chức thực hiện được đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội Phụ nữ và các bộ, ngành liên quan. 

Dự án cũng đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình can thiệp toàn diện, không chỉ tác động đến phụ nữ và trẻ em gái mà còn thu hút sự tham gia của nam giới, người dân và các tổ chức trong cộng đồng.

 Dự án 8 để "không ai bị bỏ lại phía sau" 

Là một trong những địa phương triển khai sớm và đồng bộ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. 

Bà Bùi Thị Mai Hoa –  Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình triển khai luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể.

Dự án được thực hiện tại 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 12 huyện, thị xã của tỉnh. Thời gian đầu, địa phương gặp không ít khó khăn về cơ chế tài chính, hướng dẫn chuyên môn, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện bình đẳng giới. Ngoài ra, địa bàn miền núi đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, cũng là trở ngại lớn.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm, cụ thể hóa các hoạt động của dự án phù hợp với đặc điểm từng địa phương. 

"Mặc dù đây là chương trình mới, nhiều nội dung lần đầu được triển khai, đội ngũ cán bộ Hội còn gặp khó khăn tại cơ sở, song các hoạt động của Dự án 8 tại Thanh Hóa vẫn đảm bảo đúng định hướng, vừa toàn diện, vừa thiết thực, gần gũi với thực tiễn", bà Hoa chia sẻ.

Gỡ những “nút thắt”, mở đường phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Dự án 8 đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cộng đồng, nhất là tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn (Ảnh: Kim Thoa).

Bà Hoa cho hay, các mô hình, hoạt động trong khuôn khổ dự án được người dân tích cực hưởng ứng, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. 

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cộng đồng; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, từng bước xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Cũng tại chương trình, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành, địa bàn thực hiện Dự án 8 đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai dự án cũng như đóng góp những giải pháp nhằm duy trì đảm bảo tính bền vững của Dự án.

Các đại biểu đánh giá, các mô hình, hoạt động của Dự án 8 đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" của người dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, góp phần cùng các địa phương giải quyết tốt một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định, trong thời gian tới, trước bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tinh gọn bộ máy, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, Trung ương Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung, giải pháp mới để tham gia sâu rộng vào Chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030.

Sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mớiSứ mệnh của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mớiĐỌC NGAY

Theo bà Hương, các giải pháp này sẽ hướng tới việc tác động đến đa dạng nhóm đối tượng, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần "tiên phong thay đổi" trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ. 

Trung ương Hội cũng sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em bao gồm cả những thách thức mới phát sinh và những tồn tại dai dẳng vốn là rào cản lớn cho sự phát triển của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đồng thời, các mô hình hiệu quả của giai đoạn I sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau" và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030.

Dịp này, 30 tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho quá trình thực hiện Dự án đã được biểu dương, khen thưởng.


Link nội dung: https://doisongnet.vn/go-nhung-nut-that-mo-duong-phat-trien-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-a67152.html