Còn chiêng, còn bản làng
Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi núi rừng nối tiếp trập trùng, người Giẻ Triêng vẫn ngày ngày sống hòa mình với thiên nhiên, bền bỉ giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống như gìn giữ chính linh hồn dân tộc mình.
Tại vùng biên giới phía Tây nay thuộc xã Dục Nông (tỉnh Quảng Ngãi), giữa bao đổi thay của thời cuộc và sức ép hội nhập, những lễ hội cổ truyền như lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ bỏ mả… vẫn được cộng đồng người Giẻ Triêng tổ chức trang trọng, thiêng liêng như một mạch ngầm văn hóa chảy mãi không dứt.
Trong không gian lễ hội, tiếng cồng chiêng ngân vang hòa cùng điệu xoang rộn ràng, vang vọng giữa núi rừng như lời khẳng định đầy kiêu hãnh: văn hóa Giẻ Triêng không chỉ hiện diện, mà còn đang sống động, lan tỏa, thấm đẫm từng nếp sinh hoạt, từng nhịp sống của cộng đồng.
Chính sự kiên cường ấy như một “phên dậu văn hóa” đang ngày ngày bảo vệ, gìn giữ bản sắc vùng biên, góp phần làm nên sức mạnh bền bỉ và độc đáo của Tổ quốc.
Nhiều già làng người Giẻ Triêng luôn canh cánh trong lòng vì thế hệ trẻ ngày này không mấy mặn mà với cồng chiêng, nhạc cụ văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên.
Nghệ nhân A Blong (ngụ xã Dục Nông tỉnh Quảng Ngãi), người đã hơn 30 năm gắn bó với cồng chiêng, chia sẻ: “Cồng chiêng không chỉ dùng trong lễ hội, mà còn là tiếng nói của tổ tiên, của núi rừng gửi gắm lại cho con cháu chúng tôi.”
Vừa nhẹ nhàng lau chiếc chiêng đã theo mình qua bao mùa lễ, ông vừa tâm sự về nỗi trăn trở suốt nhiều năm: lớp trẻ giờ đây dường như không còn tha thiết với văn hóa truyền thống.
“Già còn sức thì còn dạy. Còn chiêng thì còn lễ. Bao lâu còn nghe tiếng xoang vang lên giữa bản làng, bấy lâu cái hồn của dân tộc mình vẫn còn nguyên vẹn”, ông nói, ánh mắt ánh lên niềm tin và trách nhiệm gìn giữ những giá trị thiêng liêng ấy.
Với các già làng người Giẻ Triêng, cồng chiêng không chỉ để đánh trong lễ hội, mà là tiếng nói của tổ tiên, của núi rừng với con cháu. Tuy nhiên, điều khiến họ trăn trở nhất là lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với văn hóa truyền thống.
Trong căn nhà sàn mộc mạc giữa xã Dục Nông, nghệ nhân ưu tú A Lơi – người đã dành hơn nửa thế kỷ cuộc đời mình gắn bó với cồng chiêng ngồi lặng bên bếp lửa, ánh mắt xa xăm, giọng khàn theo năm tháng nhưng vẫn đầy cảm xúc khi nhắc về văn hóa dân tộc.
Già chậm rãi bộc bạch: “Cồng chiêng với người Giẻ Triêng không phải để múa hát cho vui. Đó là tiếng lòng, là linh hồn của bản làng. Mỗi khi cất lên, tiếng chiêng như gọi về tổ tiên, kết nối con cháu, gắn kết con người với núi rừng".
Già A Lơi kể, ngày trước mỗi mùa lễ hội, cả làng nô nức góp mặt, ai cũng thuộc lời hát, biết múa xoang.
“Giờ thì bọn trẻ bận học, bận làm, nhiều đứa chẳng còn biết đánh chiêng, nói tiếng mẹ đẻ cũng quên dần. Tôi lo lắm. Nhưng còn sống ngày nào, tôi còn dạy. Còn người học, thì còn hy vọng. Không thể để thứ quý giá nhất của dân tộc mình mai một", già nói.
Những lời gan ruột của người nghệ nhân già như thấm vào không gian tĩnh lặng của đại ngàn Trường Sơn, nơi mà người Giẻ Triêng vẫn âm thầm gìn giữ không chỉ văn hóa, mà còn cả ký ức, cội rễ và bản sắc của dân tộc mình qua từng hồi chiêng, từng nhịp xoang vọng mãi giữa rừng sâu.
Giữ lửa văn hoá
Nghệ nhân Ưu tú Brol Vẻ – người đã có hơn 30 năm miệt mài bảo tồn văn hóa Giẻ Triêng chia sẻ: “Tôi đã truyền dạy cách đánh chiêng và chế tác nhạc cụ cho gần 50 thanh niên trong xã. Nếu lớp trẻ không biết chơi, không biết làm, thì mai này văn hóa Giẻ Triêng cũng sẽ dần mờ nhạt, chẳng còn ai giữ được".
Không chỉ truyền dạy, ông còn tự tay chế tác các loại nhạc cụ truyền thống như Kơni, T’rưng, Klông pút… để tiếng chiêng, tiếng trống của đại ngàn không bao giờ lặng đi giữa núi rừng.
Giữa thẳm sâu Trường Sơn của Kon Tum, văn hóa Giẻ Triêng không chỉ hiện diện trong nhịp cồng chiêng rộn rã mỗi mùa lễ hội, mà còn thấm đẫm trong đời sống thường nhật từ đôi bàn tay khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ, đến tiếng khung dệt cộc cạch vang lên giữa sàn nhà.
Các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ từ tre nứa, nấu rượu cần, làm thịt heo gác bếp, tạc tượng… vẫn được gìn giữ, trao truyền qua từng thế hệ như những mạch nguồn văn hóa chưa từng ngưng chảy giữa đại ngàn.
Nghệ nhân ưu tú Brol Vẻ không chỉ sử dụng thành thạo cồng chiêng, ông còn người chế tác các nhạc cụ truyền thống của người Giẻ Triêng.
Nghệ nhân Y Ấp (56 tuổi, ngụ xã Dục Nông), một trong những bậc thầy dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng chia sẻ: “Trang phục truyền thống của phụ nữ Giẻ Triêng thường sử dụng ba màu chủ đạo: đen, đỏ và trắng. Sự kết hợp hài hòa này tạo nên những hoa văn độc đáo, đặc biệt nổi bật ở các mẫu váy lễ hội với họa tiết tinh xảo. Trang phục nam giới như khố, áo choàng hay khăn đội đầu cũng được gìn giữ và nhiều người vẫn ưa chuộng".
Điều khiến bà Y Ấp vui mừng là nghề dệt không chỉ được bảo tồn, mà còn mang lại thu nhập ổn định. “Nhờ cộng đồng thường xuyên đặt hàng, tôi không chỉ giữ được nghề truyền thống của ông bà mà còn sống được bằng chính đôi tay mình,” bà nói, ánh mắt ánh lên niềm tự hào về bản sắc dân tộc đang được dệt tiếp qua từng sợi chỉ, từng đường kim.
Ông Phan Văn Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hiện giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Người Giẻ Triêng sở hữu một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, nếu thiếu sự chung tay gìn giữ từ cộng đồng và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, những di sản ấy sẽ dần mai một theo thời gian.”
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Giẻ Triêng, ngành văn hóa đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai mô hình “Làng văn hóa sống” là nơi mà văn hóa không chỉ được giữ gìn trong các dịp lễ hội, mà hiện diện trong từng nếp sinh hoạt thường ngày, gắn kết chặt chẽ với giáo dục, du lịch và phát triển kinh tế – xã hội.
Link nội dung: https://doisongnet.vn/nua-the-ky-giu-cong-chieng-giua-dai-ngan-truong-son-a69419.html