Táo Quân 2022 gây tranh cãi vì “đu trend" khá nhiều

Admin
Bên cạnh những yếu tố về tinh thần châm biếm, đả kích các vấn đề bất cập trong xã hội, Táo Quân 2022 cũng gây không ít ý kiến trái chiều về cách thể hiện.

Sau một năm chờ đợi, Táo Quân 2022 đã chính thức lên sóng tối 29 Tết. Là một món ăn tinh thần mỗi dịp Tết về nên Táo Quân nhận được rất nhiều sự quan tâm, mong ngóng của khán giả.

Táo Quân năm nay có nhiều đổi mới, trong đó đáng chú ý nhất là vai diễn Nam Tào - Bắc Đẩu đã được giao lại cho hai nam diễn viên trẻ là Trung Ruồi và Đỗ Duy Nam.

Văn hoá - Táo Quân 2022 gây tranh cãi vì “đu trend' khá nhiều

Táo Quân 2022 đã chính thức lên sóng.

Bên cạnh đó, việc các Táo bị hạn chế lên chầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là lý do khiến các Táo phải báo cáo sao cho thật độc đáo, từ đó cho ra những câu nói ấn tượng.

Chương trình đề cập tới nhiều vấn đề nổi cộm trong năm như xét nghiệm, giấy đi đường, nâng khống thiết bị y tế, kit test Việt Á cũng như chiêu trò thổi giá đất, cá mập lái thị trường chứng khoán...

Năm nay các Táo không dùng cá chép thay vào đó di chuyển bằng "con thằn lằn lửa", công trình thế kỷ đường sắt trên cao của “Táo Giao thông” Chí Trung.

Nam Tào - Bắc Đẩu cũng không ngại đá xoáy Giao thông vì sưu tầm được 4 mẫu giấy đi đường. Để chống chế, táo Giao thông cho đó là giải pháp tình thế trong lúc trên đe dưới búa, chấp nhận bị "chửi" để hạn chế dân ra đường trong mùa dịch. Những nỗi bức xúc của người dân về việc thay đổi mẫu giấy đi đường liên tục, quy định bất hợp lý, ra quyết định trong đêm khiến dân không kịp trở tay… đã được chương trình phản ánh đậm đà với khá nhiều thời lượng.

Trong vai “Táo Mạng” NSND Tự Long tái hiện nhiều xu hướng "gây bão" trên mạng xã hội trong năm qua cùng với đó, Tự Long cũng một mình "chơi" hết phần ca hát của cả buổi chầu, mang tới những màn trình diễn thú vị.

Văn hoá - Táo Quân 2022 gây tranh cãi vì “đu trend' khá nhiều (Hình 2).

NSND Tự Long vào vai Táo Mạng.

Trong một năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề học online là một trong những điểm nổi bật.

Một loạt vấn nạn trên thế giới ảo năm qua cũng được nhắc đến như sao kê, livestream chửi bới, xúc phạm người khác trên mạng xã hội, bán hàng online lừa đảo, đạo đức xuống cấp, làm ảnh hưởng tới các thế hệ.

"Táo Kinh tế" Quang Thắng và "Táo Xã hội" Vân Dung thì song hành báo cáo với màn "lùa gà" ở thị trường chứng khoán. Bức tranh chứng khoán năm qua được tái hiện với những phi vụ cá mập lái, sập sàn, F0 (nhà đầu tư mới) lao điên cuồng vào thị trường tạo ra giá trị ảo. Táo Xã hội cũng "mách" Táo Kinh tế làm xiếc từ tiền ảo, chứng khoán, bỏ cọc đấu thầu đất.

Ngoài ra, trong một năm công nghệ, mạng xã hội và “thế giới ảo” phát triển, những trào lưu trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok đã được các Táo nhiệt tình “đu trend” (bắt chước theo một trào lưu đang thịnh hành).

Nhiều trend (xu hướng gây bão mạng xã hội) nổi bật trên mạng TikTok như “Dòng người vội vàng lướt qua”, “Trời ơi bão táp mưa sa”, “Nhìn sang trái”…, hay “Tiền nhiều để làm gì”, “Mang tiền về cho mẹ” được các Táo tái hiện và “đu” một cách hài hước, tạo tiếng cười giải trí.

Văn hoá - Táo Quân 2022 gây tranh cãi vì “đu trend' khá nhiều (Hình 3).

Táo Quân 2022 “đu trend" khá nhiều.

Thế nhưng, điều này vấp phải những tranh cãi, bởi những xu hướng mà Táo Quân “bắt” hầu hết đều là xu hướng của các thế hệ gen Z. Trong khi đó, chương trình được phát sóng trên đài VTV với đa dạng thế hệ khán giả. Không phải ai cũng có thể hiểu được điều mà các nghệ sĩ đang biểu diễn.

Táo Quân hơi bị nhồi nhét sao cho được nhiều trend nhất nên không ổn”, “Táo Quân giờ chỉ cho gen Z và gen Y xem. Tầm 3X, không theo trend thì không hiểu gì”, “Ngày xưa Táo Quân tạo ra trend, giờ bắt trend nên mất hết bản sắc. Đi hầu gen Z, kém sâu sắc và bỏ quên khán giả đại chúng, hẫng ơi là hẫng”... là những bình luận của khán giả.