“Sốt” đất ở nhiều địa phương, làm sao để “trị”?

Admin
Hàng loạt các địa phương như Bình Phước, Thanh Hoá đã ra thông báo cảnh báo người dân trước tình trạng “sốt” đất, sang nhượng đất đai khi chưa nắm rõ thông tin.

Địa phương cảnh báo liên tục

Những ngày qua, chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin về đất đai, nhanh chóng người tìm sẽ có được hàng triệu các dữ liệu về khu vực đất, quy hoạch “sốt” đất, mua bán chuyển nhượng giá rẻ ở nhiều tỉnh thành mà mình muốn.

Thậm chí, có những thông tin về từng vùng đất đang được mua bán chuyển nhượng với giá cao. Nhà đầu tư chỉ cần xuống tiền mua là ngay lập tức có người đến mua lại với giá cao ngất ngưởng, 1 mảnh đất giá 200 triệu, sau một đêm đã lên đến 3 - 4 tỷ đồng. Những “cò” đất tự làm giá với nhau, bơm thổi thông tin xin xây dựng công trình, đường cao tốc, chuyển đổi trung tâm hành chính từ xã lên phường hoặc từ huyện lên thị xã để kiếm chác từ việc lướt sóng bất động sản.

Chính những thông tin khiến thị trường đất bị “chao đảo”, nhiều hộ dân bán tháo nhà, đất nông nghiệp…vì thấy lợi trước mắt. Các địa phương đã phải ra thông báo và nhờ cơ quan báo chí phát đi thông tin nhằm cảnh báo người dân.

Bất động sản - “Sốt” đất ở nhiều địa phương, làm sao để “trị”?

Đội quân bán đất xuất hiện khắp mọi nơi.

Đơn cử, ngày 19/4 ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị này đã ra văn bản cảnh báo người dân trước tình trạng sang nhượng đất đai với số lượng lớn diễn biến khá phức tạp.

Theo đó, UBND xã Minh Thành nhận định hiện này các thông tin pháp lý cho những thửa đất giao dịch không chính xác. Trong bốn năm trở lại đây, nhiều người đầu tư lướt sóng đã thổi giá đất tăng từ 10 đến 20 lần.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người lợi dụng các thông tin về huyện Chơn Thành chuẩn bị lên thị xã, tốc độ đầu tư Becamex - Bình Phước nhanh để thổi giá. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.

UBND xã Minh Thành, đề nghị người dân phải tìm hiểu kỹ các nội dung pháp lý liên quan đến thửa đất trước khi sang nhượng. Đồng thời, địa phương cũng đưa ra thông tin xác thực về các dự án có quy hoạch khu dân cư như sau: Xã Minh Thành chỉ có hai đơn vị được cấp phép đầu tư dự án khu dân cư là dự án khu công nghiệp, dân cư, đô thị Becamex-Bình Phước và dự án khu dân cư Minh Thành.

Các hộ dân bị thu hồi đất tại dự án khu công nghiệp, dân cư, đô thị Becamex-Bình Phước sẽ được bố trí tái định cư và cấp nền hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hộ nào có sổ đỏ nên chưa thể sang nhượng theo quy định của pháp luât. Còn về dự án khu dân cư Minh Thành vẫn chưa thực hiện đầu tư nên hoàn toàn chưa có sản phẩm rao bán.

Trước đó, vào hồi giữa tháng 2/2021, tại tỉnh Bình Phước thì UBND huyện Hớn Quản cũng phải ra thông báo, cảnh báo người dân không giao dịch, mua bán đất cao su, đất nông nghiệp. Vì rộ thông tin làm sân bay Técnic (Sân bay lưỡng dụng) hàng loạt đối tượng “cò” đất đã đến khu vực các xã Tân Lợi, An Khương, huyện Hớn Quản khuấy đảo thị trường, thổi giá đất chuyển nhượng khiến địa phương này hỗn loạn vì giao dịch đất.

Bất động sản - “Sốt” đất ở nhiều địa phương, làm sao để “trị”? (Hình 2).

Sổ đỏ ném dưới đất từng xấp để xem, chuyên nhượng đất chênh lệch nhiều tỷ đồng sau khi có thông tin xây dựng sân bay ở Bình Phước - Ảnh cắt clip.

Hay mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh này xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia vào các giao dịch bất động sản bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.

Lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo một số địa phương trên địa bàn tỉnh như TP.Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa… tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

“Sốt” đất, đánh mạnh thuế?

Đánh giá về tình trạng hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch đất đai rồi thổi giá, tạo cơn “sốt” đất để lướt sóng, mua lại nhiều khu vực đất nông nghiệp của người dân, tạo tâm lý thị trường không tốt.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết nếu sốt đất, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp, vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.

Ông Khương cho hay “Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ triển khải dự án đã có kế hoạch đền bù giải toả. Nhưng giá đất bị đẩy lên sẽ khiến cho mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không như định hướng ban đầu, không hiệu quả. Vòng đời của một dự án khoảng 5 năm nhưng dự án công nghiệp, sản xuất cần tới 20 - 30 năm nên khi giá đất tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, địa phương bị mất lực hút, mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư”

Bất động sản - “Sốt” đất ở nhiều địa phương, làm sao để “trị”? (Hình 3).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.

Chia sẻ về vấn đề “sốt” đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định khi cơn sốt đi qua, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Tại một số khu vực, đất chỉ có giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn ‘sốt’, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2…việc giá đất bị đẩy lên cao khiến những người thu nhập thấp, trung bình mất đi cơ hội có nhà, có đất.. thị trường càng bị lệch cán cân.” ông Châu chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, sốt đất hiện nay trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ... Chưa kể, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh doanh khiến họ phải chuyển hướng đầu tư, trong đó bất động sản là kênh có đặc thù cất trữ tài sản an toàn với tâm lý dù tiền có mất giá nhưng đất không mất giá.

Vì vậy giải pháp cho tình trạng "sốt" đất là cần đánh thuế chuyển nhượng cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.

Một trong những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Land), cho biết, hiện nay tâm điểm được nhiều người quan tâm nhất chính là bất động sản.

Theo bà Hương, do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua vẫn tăng. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tăng giá cùng kỳ vọng của thị trường thì lại càng đẩy giá lên.

Bất động sản - “Sốt” đất ở nhiều địa phương, làm sao để “trị”? (Hình 4).

Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đại Phúc.

“Câu hỏi đặt ra là vì sao xảy ra tình trạng này? Trước hết phải nói đến các đối tượng “cò đất” lợi dụng thông tin quy hoạch để “thổi bong bóng”, trong khi nhiều người dân thiếu hiểu biết, chạy theo tâm lý đám đông. Bên cạnh đó, cũng có những người biết rõ nhưng vì lòng tham nên cố tình “lướt sóng” để kiếm lời, làm “cơn sốt” thêm trầm trọng.

Vì vậy, việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, chính xác, không để khoảng trống thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hiểu biết, tỉnh táo trước những “cơn sốt” đất ảo và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình tung tin giả, thổi giá đất để lũng đoạn thị trường, trục lợi... cần được thực hiện quyết liệt” bà Hương cho hay.

Hình sự hóa hành vi “thổi giá”

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng cần phải hình sự hóa hành vi tạo "sốt" đất của các nhóm đối tượng gây rối vì đây là hành vi thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và gây mất trật tự an sinh xã hội, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Hiện đã có quy định về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) nhưng ông Cường cho rằng nên nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này.